Hội thảo về Thiền phái Liễu Quán đã nhận hơn 100 tham luận của chư Tăng Ni và các nhà nghiên cứu

Chiều ngày 8-12, tại cơ sở 2 - Học viện Phật giáo VN tại Huế (P.An Tây, TP.Huế), Ban Tổ chức Hội thảo 'Thiền phái Liễu Quán: Lịch sử hình thành và phát triển' đã có phiên họp triển khai nhiều nội dung quan trọng.

Chư tôn đức chứng minh, chủ tọa buổi họp

Theo đó, kỷ niệm 281 năm (1742-2023) ngày Tổ sư Thiệt Diệu Liễu Quán viên tịch, Học viện Phật giáo VN tại Huế phối hợp với Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế, Viện Nghiên cứu Phật học VN, Viện Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội VN và Đại học Huế tổ chức Hội thảo “Thiền phái Liễu Quán: Lịch sử hình thành và phát triển”.

Đến nay, Ban Tổ chức đã nhận hơn 100 bài tham luận của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước viết về 3 diễn đàn trong hội thảo gồm: Diễn đàn 1: "Tổ sư Liễu Quán: Cuộc đời, đạo nghiệp và nền tảng tư tưởng"; Diễn đàn 2: "Phả hệ truyền thừa và quá trình phát triển của Thiền phái Liễu Quán"; Diễn đàn 3: "Trước tác, kiến trúc, mỹ thuật và di sản - tư liệu".

Hòa thượng Thích Hải Ấn phát biểu

Tham dự phiên họp triển khai công tác tổ chức có nhị vị Trưởng lão Thành viên Hội đồng Chứng minh: Hòa thượng Thích Chơn Hương, Hòa thượng Thích Quang Nhuận, cố vấn Ban Tổ chức hội thảo; Hòa thượng Thích Hải Ấn, Viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại Huế, Trưởng ban Tổ chức; Hòa thượng Thích Khế Chơn, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế, đồng Trưởng ban Tổ chức cùng chư tôn đức Tăng Ni trong Ban Tổ chức hội thảo.

Sau lời phát biểu mở đầu của Hòa thượng Thích Hải Ấn, các tiểu ban đã lần lượt báo cáo kế hoạch công tác thực hiện.

Thượng tọa Thích Không Nhiên trình bày đề án triển lãm

Tại buổi họp, các tiểu ban: ẩm thực, trai soạn, hành đường; triển lãm, trang hoàng, tiếp trú; Ban Biên tập kỷ yếu... đã báo cáo và trình kế hoạch dự kiến lên Ban Tổ chức để thông qua. Trong đó, ngoài 100 đại biểu viết tham luận, Ban Tổ chức sẽ cung thỉnh, mời chư tôn đức Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự, Ban Trị sự các tỉnh, các cơ quan liên quan, hậu duệ truyền thừa trong và ngoài nước về tham dự hội thảo.

Hội thảo sẽ được mở đầu bằng chương trình khai mạc triển lãm tại cơ sở I (109 Minh Mạng, P.Thủy Xuân, TP.Huế). Tại đây, Ban Tổ chức sẽ công bố các điển tịch cổ Phật giáo từ thời Tổ sư Liễu Quán đến nay; các văn bản châu phê dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu cho đến vua Bảo Đại; các bản kinh-luật-luận được san khắc, in ấn; Chánh pháp nhãn tạng, các bản hộ giới điệp của các giới đàn được sưu tầm từ các tỉnh để đại biểu tham dự hình dung được sự hình thành và phát triển của Thiền phái Liễu Quán.

Hòa thượng Thích Khế Chơn góp ý tại buổi họp

Trước giờ khai mạc ngày 31-12, chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử vân tập về tại tháp Tổ Liễu Quán để tảo tháp Tổ sư theo truyền thống Phật giáo cố đô Huế.

Dịp này, Ban Tổ chức cung thỉnh chư tôn đức, đại biểu tham dự Lễ húy nhật 281 năm (1742-2023) ngày Tổ sư viên tịch tại tổ đình Thiền Tôn, ngôi cổ tự được ngài khai sơn và thăm các tổ đình gắn liền với cuộc đời học đạo và hành đạo của ngài tại Huế như: Từ Đàm, Báo Quốc, Từ Lâm…

Một số hình ảnh ghi nhận:

Hòa thượng Thích Huệ Phước góp ý về công tác truyền thông báo chí hội thảo

Hòa thượng Thích Giác Đạo góp ý về chương trình Lễ húy nhật Tổ sư tại chùa Thiền Tôn

Thượng tọa Thích Nguyên Thành báo cáo công tác biên tập in ấn kỷ yếu

Thượng tọa Thích Nguyên Đạt báo cáo công tác thiết trí, trang hoàng

Ni trưởng Thích nữ Hải Liên báo cáo công tác chuẩn bị ẩm thực

Quảng Điền/Báo Giác Ngộ

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/hoi-thao-ve-thien-phai-lieu-quan-da-nhan-hon-100-tham-luan-cua-chu-tang-ni-va-cac-nha-nghien-cuu-post69613.html