Hội thề không tham nhũng: Vẫn vắng bóng 'quan lớn'!

Diễn ra cùng ngày với lễ Khai ấn đền Trần (Nam Định), lễ hội Minh Thề (thề không tham nhũng) tuy không đông khách bằng nhưng lại rất đặc biệt.

Sáng nay 18/2, (tức ngày 14 tháng Giêng âm lịch), tại cụm di tích Đình Chùa Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng diễn ra Lễ hội Minh Thề - thề sống trong sạch, không tham nhũng, không trộm cắp, không lấy của công làm của tư.

Lễ hội Minh Thề đã tồn tại hơn 500 và là lễ hội quan trọng của người dân địa phương. Đây là một trong những lễ hội rất đặc sắc vì lễ hội là sự kết hợp hoàn hảo giữa tín ngưỡng với giáo dục nhân cách sâu sắc, đây được xem là lễ hội "Thề không tham nhũng" duy nhất trong cả nước.

Nói về nguồn gốc của lễ hội Minh Thề, ông Phạm Đăng Khoa, 85 tuổi, nguyên Phó BQL Khu di tích Đền chùa Hòa Liễu – một trong những người khôi phục lại lễ hội – cho biết: theo sử sách cũ, lễ hội Minh Thề (hay còn có cách gọi khác là Miêng Thệ) có từ năm 1561 khi Thái Hoàng, Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toản (vợ Thái thượng hoàng Mặc Đăng Dung) đến lập ấp Lan Niểu (nay là thôn Hòa Liễu), vận động dân làng mở rộng diện tích chùa, làm mới tượng Phật. Bà đã xuất tiền mua được 25 mẫu, 8 sào, 2 thước.

Sau đó, những người dân trong làng thấy việc cung tiến ở chùa mang lại phúc đức nên cung tiến cả ruộng vườn vào chùa. Diện tích chùa và đất canh tác lên tới 47 mẫu, 8 sào, 2 thước”.

Theo ông Khoa, trong thời gian xây dựng, ngoài diện tích chùa, một phần diện tích ruộng vườn được Hoàng hậu Ngọc và những người có chức sắc trong làng chia cho những người trông chùa canh tác, diện tích còn lại được cho cấy khoán. Sản phẩm thu được chia cho người nghèo trong vùng.

Lương thực dư thừa được tích trữ hàng năm khoảng 3 tấn thóc, do người có chức sắc trong làng giữ. Để không xảy ra tình trạng tham nhũng của công, Thái Hoàng Thái Hậu cùng với dân làng đã lập ra Hịch văn Hội Minh Thề. Đối tượng cụ thể là những người đứng đầu trong làng (Lý trưởng, Phó lý, Chánh hội, Phó hội, Trương tuần).

Trải qua thăng trầm của lịch sử, năm 1993, lễ hội Minh Thề được chính quyền địa phương và người dân trong làng khôi phục và giữ nguyên được giá trị văn hóa thời xưa. “Ước nguyện của dân làng chỉ mong muốn lễ hội được tổ chức liên tục. Chính quyền địa phương và nhân dân cùng chung tay nâng tầm lễ hội lên, các cấp lãnh đạo cùng giúp đỡ chúng tôi giữ, phát huy được truyền thống văn hóa dân tộc”, ông Khoa nói.

Tại lễ hội sáng nay ngày 18/2, ban thờ được sắp đặt rất đơn giản, trang nghiêm, nổi bật là chiếc mũ quan được đặt trang trọng ở vị trí cao nhất - đại diện cho chức sắc trong địa phương. Những người có chức sắc trong làng hôm nay tương ứng với các chức Lý trưởng, Phó lý… thời xưa tham gia thề.

Ngay sau động tác dùng dao sắc nhọn chỉ trời vạch là nghi lễ quan trọng nhất - nghi lễ đọc hịch thề và cùng nhau cắt tiết gà để uống rượu thề, khẳng định sự đoàn kết thực hiện đúng lời thề không tham nhũng. Ngoài việc răn dạy những bậc chức sắc trong làng, hịch Minh Thề còn răn dạy cách đối nhân xử thế của những người dân trong làng Hòa Liễu sao cho củng cố được tình làng nghĩa xóm, đời sống yên bình thịnh vượng. AnhrL Đổ rượu vào bình thực hiện nghi lễ.

Trao đổi với PV Kiến Thức, ông Phạm Quang Năm – Phó BQL Khu di tích Đền chùa Hòa Liễu cho biết, năm nào cũng vậy, cứ từ mùng 6 âm lịch người dân địa phương lại chuẩn bị cho lễ hội truyền thống của làng. Tư tưởng đặc sắc của Lễ hội Minh Thề nhằm định hướng, giáo dục mọi người, từ chức sắc đến nhân dân tích cực làm việc thiện, không làm điều ác, không tham nhũng, lấy của công làm của tư. Lễ hội Minh Thề không chỉ mang những giá trị nổi bật sâu sắc và độc đáo về lịch sử, văn hóa, giáo dục, mà còn mang tính thời sự về xây dựng trật tự, kỷ cương, tính thượng tôn pháp luật, phòng chống tham nhũng, lãng phí. Ảnh: Cắt tiết gà để thề không tham nhũng.

Theo Phó BQL Khu di tích, hiện nay phong trào chống tham nhũng rất đông, vậy nên lời thề của Hòa Liễu rất vang vọng khắp đất nước. Năm ngoái (2018), Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch đã cấp bằng danh hiệu công nhận Lễ hội Minh Thề là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Ảnh âu tiết gà đã cắt pha với rượu để uống thề.

Cũng theo ông Năm, việc tổ chức lễ hội ngoài những thuận lợi thì cũng gặp rất nhiều khó khăn. Thuận lợi ở chỗ nhân dân đã thuộc tất cả mọi thứ trong lễ hội, mọi thứ đi vào nguyên tắc từ công tác chuẩn bị các trang thiết bị phục vụ lễ hội. Khó khăn nhất ở lễ hội là việc tuyên truyền và kinh phí không có nhiều để nâng lễ hội lên. Ảnh: Uống rượu thề không tham nhũng.

“Năm nay mặc dù lễ hội tổ chức bình thường, không được như năm ngoái nhưng sau khi làm lễ hịch thề xong, các đồng chí lãnh đạo xã sẽ đứng ra hứa trước cửa thánh hoàn thành nhiệm vụ để nâng tầm của lễ hội lên, đó là cái mới của năm nay” – ông Năm cho biết thêm.

Các cao niên trong làng dự hội.

Đại biểu dự hội Minh thề.

Hải Ninh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/xa-hoi/hoi-the-khong-tham-nhung-van-vang-bong-quan-lon-1187310.html