Hôi thối và đầy tiếng khóc trong viện nhi duy nhất ở Trung Phi

Chiến tranh giữa các nhóm phiến quân Trung Phi khiến trẻ em bị thương và hứng chịu nhiều loại bệnh trong khi chỉ được chữa trị ở các cơ sở y tế nghèo nàn, thiếu y bác sĩ.

Tại bệnh viện nhi duy nhất ở Bangui, Cộng hòa Trung Phi, Giám đốc Jean Chrysostome Gody tiến vào hành lang đầy mùi hôi thối. Tiếng nhạc hàng ngày của ông là tiếng khóc của hàng chục em bé suy dinh dưỡng. Những đứa trẻ ốm yếu nhất nằm im bơ phờ. Một y tá chọc vào đầu bé trai có nước da nhợt nhạt để đảm bảo cậu bé còn sống. Tuy nhiên, tiến sĩ Gody nói nổi lên trên khung cảnh đau khổ của đất nước vẫn còn chiến tranh này là sự lạc quan.

Tại bệnh viện nhi duy nhất ở Bangui, Cộng hòa Trung Phi, Giám đốc Jean Chrysostome Gody tiến vào hành lang đầy mùi hôi thối. Tiếng nhạc hàng ngày của ông là tiếng khóc của hàng chục em bé suy dinh dưỡng. Những đứa trẻ ốm yếu nhất nằm im bơ phờ. Một y tá chọc vào đầu bé trai có nước da nhợt nhạt để đảm bảo cậu bé còn sống. Tuy nhiên, tiến sĩ Gody nói nổi lên trên khung cảnh đau khổ của đất nước vẫn còn chiến tranh này là sự lạc quan.

Bệnh viện giờ không còn thấy xuất hiện những trẻ em bị thương do súng bắn hay mất tay chân trong các vụ đánh bom. Kể từ khi chính phủ Cộng hòa Trung Phi ký thỏa thuận hòa bình với nhóm phiến quân, tình hình ổn định được duy trì cho đến nay, theo New York Times.

Tháng 5 vừa qua, nhóm bác sĩ nhi khoa đầu tiên đã tốt nghiệp trường y khoa duy nhất của Cộng hòa Trung Phi. Bệnh viện nhi tại đây vừa mở thêm khoa dinh dưỡng trị giá hàng triệu USD, tăng gấp đôi số giường với phòng bệnh vệ sinh và màn chống muỗi mới. "Đây không là nơi và là lúc để trở nên bi quan", bác sĩ Gody nói.

Gần 7 năm trước, phiến quân Hồi giáo bất mãn với chính phủ đã xâm chiếm thủ đô và đụng độ với nhóm dân quân Cơ đốc giáo. Các nhóm vũ trang biến thủ đô Trung Phi thành chiến trường. Kể từ khi giành được độc lập từ Pháp năm 1960, đất nước này thường xuyên phải chịu biến động.

Xung đột biến Cộng hòa Trung Phi vốn tươi đẹp với những khu rừng xanh bất tận, đầy ong bướm, bỗng chìm trong khói lửa. Thành phố Bangui tuy nằm dọc theo bờ sông Ubangi rộng lớn nhưng lại không có nước trong hơn một năm qua. Vào ban đêm, người dân ôm những can nhựa vàng đổ ra đường tìm nước sinh hoạt. Thành phố không có điện. Máy bay không thể hạ cánh vào ban đêm vì sân bay chính không có đèn.

Chỉ số phát triển của Cộng hòa Trung Phi đứng áp chót trong danh sách 189 quốc gia do Liên Hợp Quốc xếp hạng. Trẻ em gặp rất nhiều khó khăn và không ít trẻ phải cầm súng tham chiến. Tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong ở Trung Phi thuộc hàng cao nhất thế giới. Khoảng 20% trẻ em không thể sống sót qua tuổi thứ 5. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cũng đang tăng lên.

Theo Tiến sĩ Pierre Somse, Bộ trưởng Y tế Trung Phi, 40% ngân sách y tế của nước này do các quỹ quốc tế hỗ trợ. Chính phủ chỉ hỗ trợ 20% và phần còn lại đến từ túi tiền của bệnh nhân. Tuy nhiên, rất ít người có thể tự chi trả viện phí cho mình. Trước tình hình đó, nhiều bác sĩ như Gody hay ông Mathias Danga (trong ảnh) đã lựa chọn ở lại Trung Phi để cống hiến.

Nếu hòa bình được duy trì, người dân sẽ quay trở lại quê nhà, và thường những cuộc di dân như vậy sẽ kéo theo dịch bệnh, đặc biệt đối với trẻ em chưa được tiêm phòng. "Tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn trước khi được cải thiện", tiến sĩ Somse nói.

Chịu cảnh đói nghèo vì chiến tranh, trẻ em Trung Phi bị ảnh hưởng bởi rất nhiều loại bệnh, trong đó phổ biến là suy dinh dưỡng, sốt rét, thậm chí là HIV và nhiều bệnh khác. Trong năm 2018, bệnh viện nhi Trung Phi điều trị cho 72.000 trẻ em và cho nhập viện 18.000 trẻ trong số đó.

Nhiều trường hợp trẻ nhỏ bị suy dinh dưỡng trầm trọng được đưa tới bệnh viện nhi. Esther Magnon, 19 tháng tuổi, bị nhẹ cân vì thiếu ăn. "Tôi đã suýt mất hy vọng", Larissa Korozon, 26 tuổi, mẹ của Magnon, nói trong khi ngồi bên giường bệnh của con gái. Tuy nhiên, một tuần sau, Esther được chuyển khỏi phòng chăm sóc đặc biệt. Cô bé bắt đầu có nhận thức và vỗ tay vào đầu mẹ. "Hôm nay con bé còn ăn mì spaghetti", cô Korozon nói.

Lãnh đạo bệnh viện cho biết nhìn chung, tỷ lệ tử vong tại đây đã giảm từ 14% vào đầu những năm 2000 xuống còn 9% như hiện nay. Bác sĩ Gody muốn nhân rộng mô hình bệnh viện nhi đến các vùng nông thôn. Hiện chỉ có 35 trung tâm y tế địa phương trên gần 600.000 km2 lãnh thổ Trung Phi.

Nhiều phòng khám có cơ sở vật chất vô cùng thiếu thốn và rất ít y bác sĩ có chuyên môn. Bệnh nhân, kể cả phụ nữ chuyển dạ, phải đi xe máy băng qua những con đường đất gập ghềnh trong hàng giờ đồng hồ để được cứu chữa. "Hãy nhìn vào những thử thách và số tiền cần thiết. Cần rất nhiều can đảm để cải thiện tình hình", bác sĩ Gody nói. Tuy nhiên, ông tự tin có thể vượt qua được. Nỗi lo duy nhất là không ai có thể thay thế ông sau 9 năm nữa, khi vị bác sĩ tận tâm này về hưu.

Hương Ly
Ảnh: New York Times.

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/hoi-thoi-va-day-tieng-khoc-trong-vien-nhi-duy-nhat-o-trung-phi-post952404.html