Hồi ức chiến thắng trận đầu - Kỳ 1: Ngày định mệnh của không quân Mỹ

Cách đây 49 năm, vào lúc 14 giờ 45 phút ngày 5-8-1964, không quân Mỹ đã dùng 8 chiếc máy bay phản lực cường kích xâm phạm vùng trời miền Bắc, đánh phá ác liệt vào các vị trí của lực lượng Hải quân Nhân dân Việt Nam (HQNDVN) thuộc Vùng 1 Hải quân đồn trú tại Vịnh Hạ Long. Với tinh thần chiến đấu ngoan cường, quả cảm, các chiến sĩ hải quân của ta đã cùng với các đơn vị LLVT khác trên địa bàn đánh trả địch mạnh mẽ. Chiến thắng trận đầu của HQNDVN đã phá tan âm mưu phá hoại miền Bắc bằng hải quân và không quân của đế quốc Mỹ; khẳng định sức mạnh cũng như nghệ thuật chiến đấu của lực lượng HQNDVN trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hôm nay.

Thả hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hi sinh

trong trận đầu thử lửa với không quân Mỹ

Đó là ngày 5-8-1964, chỉ 10 tháng sau khi tỉnh Quảng Ninh được thành lập trên cơ sở khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh. Quân và dân thị xã Hồng Gai ngày ấy của tỉnh Quảng Ninh đã lập chiến công hiển hách trên bầu trời di sản vịnh Hạ Long, bắn rơi 3 máy bay phản lực Mỹ, bắt sống viên trung úy phi công I. An-vơ-ret. Đây là phi công Mỹ đầu tiên bị bắt sống ở Việt Nam.

Cay cú vì chiến hạm Ma-đốc khổng lồ đã bị 3 con tàu nhỏ của phân đội 3 HQNDVN đánh đuổi khỏi khu vực đảo Hòn Mê, Hòn Mát trên vùng biển Thanh Hóa vào buổi chiều ngày 2-8-1964, đêm 4-8-1964, Mỹ đã cho một số tàu chiến đến Vịnh Bắc Bộ tiếp giáp hải phận Việt Nam. Giữa đêm tối mênh mông, các loại vũ khí trên tàu đồng loạt phát hỏa. Hàng ngàn tiếng nổ rền vang inh ỏi giữa biển khơi. Đồng thời, bộ máy tuyên truyền của Lầu Năm Góc (Mỹ) tung tin vu khống HQNDVN tấn công tàu chiến Mỹ trên hải phận quốc tế. Chúng tự gây nên cái gọi là sự kiện vịnh Bắc Bộ để lấy cớ trả đũa đánh phá miền Bắc nước ta, phá hoại kinh tế quốc phòng nhằm ngăn chặn chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam.

Bộ đội Hải quân Việt Nam đánh trả máy bay Mỹ ngày 5-8-1964

Ngày 5-8-1964, trên 40 máy bay cánh quạt và phản lực hiện đại, cả tiêm kích và cường kích như AD6, A4D, F8U, F4H… bất ngờ mở cuộc tấn công mang tên "Hành quân Pierce Arrow” (Mũi tên xuyên) đánh phá vào hầu hết các căn cứ hải quân của ta trên suốt dải ven biển miền Bắc từ cảng sông Gianh (Quảng Bình); Cửa Hội, Vinh, Bến Thủy (Nghệ An); cửa Lạch Trường (Thanh Hóa) đến Bãi Cháy (Quảng Ninh) hòng tiêu diệt lực lượng HQNDVN trong ngày 5-8 và mở đầu cho cuộc chiến tranh phá hoại quy mô lớn chống miền Bắc hòng uy hiếp tinh thần và ý chí chiến đấu của quân dân miền Bắc, nhằm xoay chuyển tình thế trên chiến trường miền Nam để bảo vệ chế độ Sài Gòn và Mỹ có chỗ đứng chân ở Đông Nam Á.

Trong ký ức các cựu chiến binh Quảng Ninh cùng người dân thị xã Hồng Gai ngày ấy (nay là thành phố Hạ Long) còn nhớ rõ: Hồi 14 giờ 30 chiều ngày 5-8-1964, hàng chục máy bay chia làm nhiều tốp từ biển bay vào, diễn biến rất nhanh, tốc độ máy bay lớn hơn tiếng động. Một số trận địa kịp thời nổ súng, loạt đạn đầu còn rời rạc chưa bám sát mục tiêu và lúc này tàu hải quân chưa kịp phản ứng.

Máy bay lao xuống bắn phá quân cảng, địch đánh phá xong đợt thứ nhất thì các tàu chiến của ta mới triển khai đội hình chiến đấu. Khi địch tiếp tục vào đợt 2, mục tiêu xuất hiện trên không, các trận địa pháo trung - cao của Tiểu đoàn 217 đồng loạt nổ súng đón đầu. Hàng trăm quả pháo nổ trên không bung ra những đụn khói trắng bao quanh máy bay địch. Máy bay vẫn lao xuống bắn phá quân cảng và tàu của ta. Để che mắt địch, các tàu đồng loạt phóng hỏa mù ngụy trang. Các con tàu luồn lách trong làn khói. Các khẩu pháo 37 và 14,5 ly từ tàu nhả đạn xé không khí đan thành lưới lửa hướng về mục tiêu. Trên sông Cửa Lục lúc này mù mịt khói ngụy trang của tàu, của pháo. Những tiếng nổ chát chúa từ nòng pháo tàu ta và rốc két của địch cùng tiếng gầm rú của máy bay phản lực khiến cả không gian náo loạn các loại âm thanh. Trong lúc trận chiến đấu diễn ra ác liệt, một chiếc phản lực xịt khói từ thân và lóe lửa, đốm lửa mỗi lúc to dần rồi bùng lên như bó đuốc khổng lồ. Nó bay lao ra biển và cắm đầu xuống nước biển trong xanh. Lúc đó, phi công Mỹ nhảy dù. Chiếc dù trắng treo lơ lửng trên không và tiếp tục rơi xuống biển. Lúc này các trận địa pháo, các tàu hải quân và nhân dân hai bên bờ sông Bãi Cháy vang lên tiếng hò reo: "Máy bay Mỹ cháy rồi, rơi rồi. Hoan hô, hoan hô”.

Tàu khu trục Mađốc của Mỹ

Thấy đồng bọn bị bắn rơi, các máy bay khác điên cuồng lao vào đánh phá. Hỏa lực của ta kiên cường bắn trả. Trên bầu trời lại một chiếc, rồi hai chiếc trúng đạn bốc khói ở cánh, ở thân, lửa lại lóe lên mỗi lúc một to thành cầu lửa lao ra biển và cắm đầu rơi xuống nước. Một cái rơi ở cửa giữa, một chiếc tròng trành bay ra phao số 0 rồi rơi ở đó. Thấy 3 chiếc rơi trong vòng 10 phút, các chiếc khác vội vàng cút khỏi bầu trời vịnh Hạ Long.

Sự tính toán sai lầm của kẻ xâm lược Việt Nam đã phải trả giá, gần chục máy bay tan xác, phi công Mỹ bị bắt sống. Mỹ đã phải trả giá đắt về lực lượng và uy tín tại Việt Nam - đất nước vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh trường kỳ và anh dũng còn rất nhiều khó khăn.

Máy bay A-4C từ tàu sân bay USS Constellation

tham gia chiến dịch Mũi tên xuyên - chiến dịch không kích

do HQ Mỹ thực hiện vào ngày 5-8-1964

Cuộc chiến đấu không cân sức, song với ý chí đoàn kết kiên cường, dũng cảm và mưu trí, quân và dân Quảng Ninh đã làm nên một "trận Bạch Đằng” trên bầu trời vịnh Hạ Long. Chỉ sau đó 2 ngày, ngày 7-8-1964, trong lễ mừng công chiến thắng trận đầu được tổ chức ở Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Trong trận này, chúng ta đã cho đế quốc Mỹ một bài học đích đáng; đồng thời chúng ta đã thấy rõ hơn những ưu điểm và nhược điểm của ta…”.

Âm vang của chiến thắng trận đầu 5-8-1964 luôn nhắc nhở chúng ta về lòng tự hào dân tộc, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp của cách mạng, không ngại khó khăn, gian khổ, luôn luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch, giữ vững vùng trời, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Xuân Quảng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=67748&menu=1420&style=1