Hồi ức văn chương của con gái GS Đặng Thai Mai

'Hoài niệm và mộng du' là cuốn hồi ức của Phó giáo sư, Tiến sĩ văn học Ðặng Anh Đào, một trong năm người con gái nổi tiếng của Giáo sư Ðặng Thai Mai.

Mang tên một loài hoa như phần lớn các cô con gái họ Đặng, đọc quyển hồi ký mỏng này như lật những cánh hoa ký ức của đời một người phụ nữ Việt Nam tảo tần gần gũi, dù họ có là giáo sư văn chương và có ông chồng là Trung tướng quân đội.

Cuốn sách có 7 chương với mốc thời gian đan xen, khi cô bé Đào đanh đá hay mặc đồ giả trai ngày trước, bây giờ thành bà nội U90 viết về những đứa cháu của mình. Đó không chỉ là chuyện kế tục thế hệ, mà còn là chuyện vòng xoay cuộc đời đẩy đưa con người trên miền miên viễn thời gian.

Cuốn "Hoài niệm và mộng du" chứa đựng những tài liệu văn hóa hấp dẫn trong suốt một giai đoạn lịch sử của gia đình tác giả và của đất nước.

Cuốn "Hoài niệm và mộng du" chứa đựng những tài liệu văn hóa hấp dẫn trong suốt một giai đoạn lịch sử của gia đình tác giả và của đất nước.

Bên cạnh tính khoa học, khúc chiết của một nhà nghiên cứu văn hóa Tây phương uyên bác, bàng bạc trong tác phẩm là tính nữ dịu dàng, thấm thía, chuyện con cá lá rau mà cõng đủ phận đời phận văn không chỉ của riêng tác giả.

Bà Hồ Thị Toan, mẹ tác giả là con gái của một nhà nho nổi tiếng đất Nghệ An đầu thế kỷ, cụ cử Hồ Phi Thống, tác giả cuốn Nhân đạo quyền hành. Nhưng bà hiện lên trong hồi ký của con gái với dáng vẻ của một người nội trợ toàn phần, với nghĩa thân thương và trang trọng nhất của từ này. Cụ cử Hồ đặt tên cho bốn cô con gái của mình bằng tên các vị trong chữ Hán: Cam, Toan, Đạm, Tân, có nghĩa lần lượt là: Ngọt, Chua, Nhạt, Cay. Ký ức về mẹ trước hết cũng luôn là mùi hương của các món ăn, ai cũng biết là không gì ngon bằng các món ăn của mẹ.

Cá cơm rang mỡ ngào đường tỏi thơm lừng cho những ngày mưa bão. Món canh hến sông Chu thời xa xưa khi mà “chỉ cần ngụp đầu xuống cũng thấy hến trắng lổn nhổn”. Cần già hớt lá muối cả thân lẫn rễ với kiệu giòn ngọt, cần non nấu canh với cà chua. Ở đâu dù khó khăn tạm bợ mẹ cũng tranh thủ trồng thêm rau thơm làm cuộc sống thêm gia vị. Rồi hòa bình lập lại, người mẹ lại thuê thuyền chở đàn con nhỏ về Hà Nội, đi qua vùng cửa biển mua một mớ cá trích cho vào nồi đất, đun sôi chấm nước mắm chanh, những vệt tròn vàng mỡ nổi lên lóng lánh…

Và dù nghèo đến đâu thì nước mắm mẹ tự làm vẫn là thơm ngon bậc nhất, sánh như mật ong. Món ăn của người mẹ đó bao giờ cũng ngon lành dù đơn sơ, thời chiến tranh một bát nước chấm ngon pha ớt cũng làm đời thêm màu sắc. Suốt đời làm nội trợ, chăm sóc một ông chồng khó tính khảnh ăn chỉ đọc và viết suốt ngày, cùng một đàn con 6 đứa nghịch ngợm thông minh tai quái, cuộc đời ấy hoàn toàn không thể coi là nhạt nhẽo!

Phụ nữ thời nào tuổi nào cũng để ý đến thời trang, quần áo, những món đồ xinh đẹp. Chỉ một vài chi tiết, tác giả đã nhanh tay vẽ lại rất tinh tế màu vàng son cũng như nét đạm bạc nâu sồng xưa cũ. Áo len ngày xưa mẹ đan cho sợi bông xốp, độ đậm nhạt luyến láy, vấn vương những sợi tơ óng ánh, giờ sang tận Pháp cũng không thể nào tìm thấy.

Chiếc vòng bạc “vành cánh bạc” sáng long lanh mà sau cô bé Đào đã làm rơi xuống biển và tiếc nhớ đến tận giờ. Bộ áo dạ trẻ con màu hạt dẻ kèm tất len dài đến đầu gối có nịt cao su để không bị tụt xuống.

Đó là Hà Nội trong buổi giao thời, khi anh trò quê trọ học ở nhà thầy Mai, áo the chùng guốc mộc nhưng vẫn thổn thức rơi lệ vì trót đánh mất bức ảnh diễn viên nữ Danielle Darieux. Rồi búp tóc uốn xõa trên vai (mà thời đó gọi là búp Ăng-lê) của nữ sĩ Hoài Trinh Minh Đức đã làm nghiêng ngả bao tâm hồn tài tử tướng tá văn nhân trong vùng tản cư chống Pháp. Tiếng cười thác loạn như châu tan ngọc vỡ của nhân vật nữ vở kịch Lôi Vũ của những ngày hội hè cách mạng, trước khi tất cả chìm trong máu lửa.

Trở đi trở lại trong tác phẩm còn là văng vẳng khúc Thiên thai - bài mà tác giả hay hát từ thời học sinh tại trường phổ thông trung học Đào Duy Từ (sau là trường Lam Sơn, Thanh Hóa) bên dòng nông giang với tiếng đàn của “người bạn trai thân nhất”, đến sau này lại hát cho con cháu nghe. Một khúc nhạc mà đến đứa bé cháu nội 6 tuổi cũng vòi, bà hát cho cháu nghe bài có các cô tiên, có suối, có hoa đào...

Cũng theo tác giả, trong một thời điểm nào đó của cuộc đời, bà đã được nghe giảng chính trị rằng, bài hát này “nếu nghe nhiều thì lợn cũng bỏ ăn mà chết”. Những điều nghe chừng oái oăm, uất ức, đau buồn được Đặng Anh Đào kể lại bằng giọng bình thản, an nhiên như bất cứ người phụ nữ nào đã từng đi qua 2 cuộc chiến tranh trên đất nước này.

Còn rất nhiều điều để nói trong tập hồi ký mỏng này. Những cảm giác đầu đời trong sáng vẩn vơ và tình gia đình, nghĩa phu thê đằm thắm. Những bóng người nổi tiếng thấp thoáng trên các trang sách được nhìn với những góc riêng để lại nhiều tò mò cho người đọc. Ngôn từ hành văn giản dị mà trau chuốt, được viết ra từ sự cẩn trọng về học thuật, vốn hiểu biết về đời sống, từ tấm lòng nhân hậu của một người phụ nữ.

Nhã Lê

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/hoi-uc-van-chuong-cua-con-gai-gs-dang-thai-mai-post922339.html