Hồi ức về những mùa Trung thu cũ: 'Ông trăng to, lồng đèn giấy, ngọn nến vàng và tụi con nít xóm nghèo năm ấy…'

'Hồi đó, mỗi mùa Trung thu, trăng gần và sáng lắm! Ánh trăng chếch qua khung cửa sổ, chiếu vào tận giường như muốn dát vàng cơ thể bé nhỏ của tụi con nít. Thứ ánh sáng diệu kỳ ấy đã từng một lần nâng đỡ tuổi thơ chúng bay bổng vào thế giới thần tiên…'

Trong suốt cuộc trò chuyện đặc biệt này, lắm lúc tôi đã quên hẳn người đương ngồi cạnh kề tôi là Phong Việt, một chàng thơ tuổi giáp tứ tuần, ăn vận chỉn chu và mái đầu đã điểm chấm vài sợi trắng.

Phong Việt tài tình và tinh tế lắm! Anh nắm tay và nhanh chóng kéo tôi vào vùng trời kí ức lấp lánh trong anh. Để rồi, ở đó, trên những con đường quanh co dẫn vào làng, qua ngõ, về nhà,… phủ trăng bàng bạc, tôi lại gặp cậu bé Việt, trong chiếc quần xà lỏn, lon ton theo chân đám bạn đi rước đèn.

Cậu ta say sưa ký ức, say sưa ánh trăng, say sưa hát,… và say sưa lạc mình vào thế giới thần tiên diệu kỳ tự lúc nào chẳng hay.

Chào Phong Việt, được biết anh từng sinh ra trong một gia đình nghèo khó, đông con ở miền Trung. Hoàn cảnh đặc biệt ấy đã đọng lại như thế nào trong thời thơ ấu của anh nhỉ?

Thú thật thì tuổi thơ mình là những kí ức nghèo. Rất nghèo.

Hồi đó, nhà có 7 anh em trai, bố mình hành nghề hớt tóc nhưng sau khi đi lính về thì đã cụt mất chân phải. Một mình má mình phải buôn gánh bán bưng, nuôi sống cả nhà. Mỗi ngày, cứ tầm 4h sáng, trong cái lạnh cắt da cắt thịt, má mình vẫn đội nón lá, lưng che vải nhựa đi cắt rau muống. Rồi cẩn thận bó từng bó, chất lên xe kéo ra chợ bán.

Có đến 5-7 năm liên tục, ngoài cơm thì rau muống thành món ăn quan trọng của gia đình. Rau muống xào, rau muống luộc, rau muống bóp gỏi, canh nước rau muống,… gì cũng ăn được. Thế nên, cây rau muống đã thành một kí ức dài trong suốt thời thơ ấu nghèo khó của mình.

Niềm vui của tụi trẻ con ngày ấy chỉ là mỗi buổi đi học về, sẽ quăng cái cặp, cắp cái quần xà lỏn, chạy nhảy khắp đầu làng cuối xóm, bẻ trái trộm, bày nấu cơm, chơi đồ hàng,… Sống tự do, tự tại.

Không biết những mùa Tết Trung Thu trong kí ức nghèo ấy diễn ra như thế nào?

Ngày ấy, nhà đứa nào ở quê cũng nghèo cả nên Trung thu không có chuyện đi mua lồng đèn đâu. Cách mười mươi hôm trước, tụi mình sẽ hùn tiền để mua giấy kiếng, vót tre làm khung, bẻ trộm kẽm gai để cột, và ít bột hồ dán.

Hầu hết mọi đứa trẻ đều tự biết làm lồng đèn, nên cùng tụm năm tụm bảy làm chung. Thú vị nhất vẫn là khi đã xong xuôi mà bột hồ còn dư, bỏ thêm tí đường, khuấy xíu nước vô là số dzách. Đứa nào cũng chụm đầu ăn. Bột hồ là thức quà nghèo, cái kí ức thiếu thốn mà anh không thể nào quên được.

Còn đến Trung thu, 7-8 đứa thì được lắm 3-4 chiếc lồng đèn, tự chia nhau chơi. Thêm nữa thì lấy hai lon sắt gắn nắp chai, rồi đục lỗ bỏ nến vô làm xe đèn, giấy bao xi măng ướm lên khung làm đầu lân. Tối Rằm là cả bọn lại xách tất cả đi múa. Nhà nào thích thì cho nải chuối, cái bánh, viên kẹo, 200, 500 đồng…

Chơi xong thì nhà đứa nào lại về nhà đứa đó. Anh còn nhớ, mùa Trung thu hồi đó, trăng gần và sáng lắm! Cái giường nơi anh nằm cạnh khung cửa sổ, đêm đêm, trăng chếch qua cửa, chiếu vào tận chiếc giường như muốn dát vàng cơ thể bé nhỏ của anh vậy. Thứ ánh sáng diệu kỳ ấy đã từng một lần nâng đỡ tuổi thơ mọi đứa trẻ thơ bay bổng vào thế giới thần tiên…

Điều gì trong những mùa Trung thu xưa cũ năm đó khiến anh nhớ nhất?

Nhớ nhất chắc là ánh sáng ngọn nến. Vì lúc đó, trừ cái đèn hột vịt ra, thì nến là thứ ánh sáng duy nhất ở vùng thôn quê. Mỗi mùa Trung thu, khi tụi trẻ con được cầm cái lồng đèn lấp lánh ánh nến ấy đi trên đường làng, tự chúng đã tận hưởng được niềm tự hào tuổi thơ. Rằng chúng đã thành những điểm sáng, sáng tỏ cả một vùng, mọi người đều sẽ ngước nhìn theo chúng như vậy.

Sau này, trong một chuyến thiện nguyện về Bến Tre, anh mới nhận ra rằng: đến năm 2004 mà nhiều đứa trẻ nghèo vẫn không biết lồng đèn là gì, nến là gì. Đêm phát quà, tụi nó chỉ xin anh mỗi cây nến. Và cách tụi nó chơi là thắp nến lên rồi cầm khum tay, nâng niu cẩn thận. Bàn tay chúng chai sạn đến mức nến chảy nong ran, chúng vẫn không buông.

Lúc đó, những kí ức về những năm tháng mình lớn lên lại bỗng chốc ùa về!

Là thế hệ 8X, đã từng trải qua cả Trung thu thời cũ và hiện đại ngày nay, anh cảm nhận như thế nào?

Trung thu ngày xưa là một kí ức thiêng liêng lắm! Vì nó là cái dịp duy nhất để những đứa trẻ quê tạm quên cái nghèo, tự tạo niềm vui cho chính mình bằng lồng đèn, múa lân,… Vì vậy, chúng rất quý trọng giây phút ngắn ngủi ấy.

Còn với thế hệ hiện này, mỗi năm chúng ta vẫn luôn tạo ra không khí Trung thu cho trẻ con bằng phố lồng đèn, bánh trung thu, lễ hội,… Nhưng một điều chắc chắn rằng nó sẽ không bao giờ như trước. Bởi ngày trước là trẻ con tự tạo niềm vui cho mình. Còn bây giờ, vì công việc, thời gian, và giá trị văn hóa… người lớn chỉ dựng lại khung cảnh bằng những thứ có sẵn và kêu gọi trẻ con đến vui chơi.

Những giá trị mà người lớn muốn trẻ con biết ấy không do chúng tự làm ra nên chúng sẽ không bao giờ biết sự vất vả khi làm một chiếc lồng đèn, cây tre vót thế nào, lắp làm sao,… để quý trọng hơn.

Như anh chia sẻ thì Trung thu thời nay đã trở nên nhàm chán hơn, trẻ em cũng không còn háo hức cho dịp lễ đặc biệt này nữa?

Mặc dù trẻ con vẫn đang được tiếp nhận những giá trị văn hóa, nhưng chúng ta phải thừa nhận rằng: cuộc sống hôm nay có quá nhiều bất trắc, hiểm nguy khiến bậc phụ huynh luôn mang nỗi lo sợ cho con trẻ. Và vô hình chung, tất cả chúng ta đã giới hạn chúng lại trong một không gian hạn hẹp, không dám buông tay chúng vì sợ bắt cóc, đụng xe,… sẽ ân hận cả đời.

Bởi sự quản lí của người lớn, sự giới hạn phạm vi như thế, mà trẻ con sẽ không còn nhiều háo hức như trước nữa. Chúng sẽ không thể nào sống lại trong không gian rộng lớn, giữa một cộng đồng và trình diễn tuổi thơ trên con đường làng, dưới ánh trăng dát vàng, tre dập dìu, gió vi vu được. Đó là sự mâu thuẫn của xã hội hiện đại, khi người lớn thì muốn con trẻ tự do, nhưng cuộc sống lại không cho phép.

Còn hỏi rằng những khung cảnh thôn quê ngày trước còn không? Còn chứ! Nhưng nghịch lí ở chỗ là chính người dân quê thì lại không trân trọng câu chuyện đẹp đẽ đó. Bởi lẽ họ đã thấy nó mỗi ngày, là một thứ quen thuộc trong cuộc sống. Đó cũng là nghịch lí của sự hiện đại, khi người thành phố là thấy đẹp, là muốn giữ gìn, còn người thôn quê lại là quá bình thường.

Sự mâu thuẫn của xã hội hiện đại là khi người lớn thì muốn con trẻ được tự do, nhưng cuộc sống lại không cho phép.

Sự mâu thuẫn của xã hội hiện đại là khi người lớn thì muốn con trẻ được tự do, nhưng cuộc sống lại không cho phép.

Theo anh, sự phai nhạt giá trị truyền thống của Tết Trung thu là do đâu?

Hơn tháng trước, khi anh ở chở con lên phố cho nó thấy những hàng bánh, lồng đèn ngập tràn, nó đã hỏi: Trung thu đến rồi hả ba?

– Không, còn tháng hơn nữa. Anh đáp. Từ đó, thằng bé mặc định rằng có lồng đèn, có bánh, không khí rộn ràng,… nhưng Trung thu thì còn lâu lắm!

Thực tế, cái không khí lễ hội đến quá sớm, kéo dài hơn cả tháng trời như thế đã gây cảm giác nó dần quen thuộc, bình thường. Và khi đêm Trung Thu cận kề thì nó trở nên thừa mứa, niềm vui cũng thu bé dần.

Sự phai nhạt giá trị truyền thống còn nằm ở giá trị thế hệ. Với chúng ta của hôm nay, chúng ta đang tôn sùng giá trị thành quả, xem thành quả lớn hơn cả quá trình, chúng ta khoe với nhau về những bức ảnh check-in nơi này, cảnh đẹp nọ trên mạng xã hội… Còn ngày xưa, người ta lại coi trọng giá trị của sự sinh tồn. Bởi tất cả họ đã tồn tại trong khó khăn, vươn lên trên nghịch cảnh, nên giây phút vui vẻ như đêm Trung thu trở nên đặc biệt hơn.

Ngoài ra, cuộc sống ngày nay với quá nhiều hiểm nguy đã vô tình đẩy chúng ta muốn sống trong những chiếc lồng. Và bố mẹ luôn tạo sự tự do cho con trẻ trong những chiếc lồng như thế!

Cái không khí lễ hội đến quá sớm, kéo dài hơn cả tháng trời như thế đã gây cảm giác nó dần quen thuộc, bình thường.

Có người cho rằng: Tết Trung thu ở mỗi thế hệ khác nhau đều có những nét riêng, vẻ đẹp đẽ khác nhau, chúng ta không nên so sánh. Anh nghĩ sao về vấn đề này?

Mình hoàn toàn đồng ý! (Cười)

Chúng ta, những người của thế hệ 8X, chúng ta đã đi qua cái giai đoạn khó khăn nhất của thời hậu chiến nên bao giờ cũng mang cảm giác hoài niệm, cho rằng cái đẹp là ở quá khứ.

Nhưng làm sao chúng ta có thể yêu cầu một đứa trẻ nên cảm thấy vui và yêu thích những thứ đó khi mà bản thân chúng chưa từng sống trong không khí ấy. Cái sai của người lớn là luôn mang sự hoài cổ áp đặt vào trẻ con.

Trung thu của ngày xưa hay Trung thu của hôm nay, đều mang những nét đẹp riêng. Ví như hiện nay, thì có phố lồng đèn, múa lân, lồng đèn pin màu sắc đủ loại, bánh trung thu,… Và chính như con anh, đêm Trung thu đến, nó vẫn háo hức đón chờ ông trăng, cảm giác ngạc nhiên vì lần đầu thấy mặt trăng to và gần mình đến thế. Đó vẫn là niềm vui của bao đứa trẻ thế hệ trước.

Chúng ta đừng đòi hỏi con trẻ sẽ làm được những thứ như chúng ta đã từng, mà hãy hy vọng!

Tuy có phần phai nhạt hơn, nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận rằng: Trung Thu thời hiện đại vẫn có những mặt tích cực như: bánh kẹo nhiều hơn, đồ chơi đa dạng hơn, mua sắm online, phố phường tấp nập hơn,… Anh suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?

Đương nhiên!

Những bạn trẻ ở độ tuổi 16-20 tuổi hôm nay, họ vẫn thấy Trung thu hiện đại đẹp hơn hẳn. Bởi họ sẽ có nhiều thời gian vui chơi, tụ họp bạn bè, cũng như sự tiện lợi khi nhiều mặt hàng hơn, mua sắm online dễ dàng hơn…

Nhưng những giá trị văn hóa mà chúng ta muốn bảo tồn trong hôm nay, nó luôn đi kèm với lợi ích. Ví dụ, các nhà bán hàng luôn chọn dịp này để kích cầu, tung chương trình khuyến mãi. Còn người lớn thì thêm cơ hội để gia tăng mối quan hệ, hợp thức hóa cho mưu cầu, tặng quà cáp,…

Chúng ta hãy thẳng thắn với nhau về một thực tế rằng: người lớn thì luôn hô tô khẩu hiểu lưu giữ giá trị truyền thống, nhưng luôn làm điều ngược lại.

Anh nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng: Tết Trung Thu ngày nay còn trở nên “xấu xí” khi nhiều người lấy làm dịp để vui chơi, nghỉ ngơi, thậm chí là cơ hội để tặng quà cáp,…?

Chúng ta hãy thẳng thắn với nhau về một thực tế rằng: người lớn thì luôn hô to khẩu hiệu lưu giữ giá trị truyền thống, nhưng luôn làm điều ngược lại. Họ luôn đặt sự mưu cầu, hưởng lợi lên trước. Và vì niềm vui không tạo ra tiền nên có thể bỏ qua.

Điều đó thể hiện rõ ràng nhất khi hiện nay, bánh trung thu dùng để tặng ai đó “có mục đích”, hơn là giá trị tự thân của nó. Nó khác hoàn toàn với những slogan mà chúng ta đưa ra là trao tình thân, Tết đoàn viên, nhân yêu thương,…

Thật ra, chính anh cũng không thấy những chiếc bánh Trung thu còn đẹp nữa. Bởi vì chúng quá to, quá đẹp, quá hoàn hảo ấy nên đã biến thành chiếc “bánh ảo”, dùng cho những mưu cầu, cơ hội, làm quà tặng nhiều hơn.

Ngày xưa, anh nhớ bánh nướng chỉ có 2 loại nhân duy nhất là thập cẩm, đậu xanh thôi. Đôi khi nướng ra còn chưa chín đều, chỗ vàng chỗ trắng. Nhưng chính khiếm khuyết ấy làm cho nó thật, khiến anh muốn nếm nó một cách nhâm nhi, từng chút nhỏ, và tận hưởng vô cùng. Nhưng giờ thì chẳng còn mấy ai biết cảm giác tự tay bốc ăn, nếm trải mùi vị ấy đâu. Họ chỉ ngốm một phát và 30 giây sau chui tọt xuống bụng, biến mất.

Vì chẳng còn nâng niu nên giá trị của chiếc bánh cũng giảm dần.

Theo anh, những giá trị mưu cầu ấy có ảnh hưởng như thế nào đến vẻ đẹp truyền thống của Tết Trung thu?

Một đứa trẻ thấy ba mình mua hộp bánh về nhà, nó hỏi: Mua bánh nhiều chi vậy ba?

Ba nó đáp: Cái này là để tặng người lớn, cấp trên của bố.

Đó là câu chuyện có thật, và đã xảy ra rất nhiều. Và vì người lớn đã thực hiện hành động ấy trước mặt con trẻ, đã vô tình khiến chúng mặc nhiên rằng chiếc bánh trung thu mang giá trị biếu tặng hơn.

Và khi con anh lớn lên, nó cũng như chúng ta, nó sẽ có câu chuyện Trung thu của thế hệ tụi nó. Nhưng cái nguy hiểm nhất là khi chúng ta trao đi giá trị sai, nó sẽ thành một phần trong câu chuyện Trung thu của thế hệ sau này.

Không thể bê nguyên cái xưa cũ vào thế giới con trẻ và bắt chúng chấp nhận. Không thể dúi vào tay con trẻ chiếc lồng đèn giấy, bắt chúng chơi, trong khi chúng thích chiếc lồng đèn pin hơn. Không thể bắt con trẻ hì hục ngồi đục lon sữa bò, vót tre làm lồng đèn…

Vậy chúng ta nên làm gì để giữ gìn những giá trị tốt đẹp của mùa Tết Trung thu ấy?

Thằng cu nhà anh nó mê cá hồi, pizza lắm! Có lần, vào mùa Trung thu, nó quay sang hỏi anh: Chú Cuội, chị Hằng ở cung trăng thì ăn gì để sống hả ba?

Anh không ngần ngại trả lời: Thì cũng ăn pizza, cá hồi như con nè.

Và tự nhiên, cu cậu nhà anh nhìn nhận rằng: tất cả thế giới thần tiên, là cung trăng, là chú Cuội, là chị Hằng,… cũng không khác biệt gì với mình, gần gũi bên cạnh nó. Anh luôn giữ giá trị truyền thống bằng cách dung hòa chúng với cuộc sống hiện đại!

Chúng ta có quyền trao cho con trẻ những giá trị tốt đẹp nhưng cần có sàn lọc. Không thể bê nguyên cái xưa cũ vào thế giới con trẻ và bắt chúng chấp nhận. Không thể dúi vào tay con trẻ chiếc lồng đèn giấy, bắt chúng chơi, trong khi chúng thích chiếc lồng đèn pin hơn. Không thể bắt con trẻ hì hục ngồi đục lon sữa bò, vót tre làm lồng đèn… Hãy cho con trẻ những thứ khiến chúng thích thú, còn cách tiếp nhận thế nào thì hãy đợi chờ và không ngừng hy vọng!

Giống như anh, mỗi mùa Trung thu nào, anh đều cho con tham gia lễ phá cỗ ở trường. Tối 15 thì dắt con xuống chung cư chơi với các bé, cùng gia đình đi dạo phố lồng đèn Lương Nhữ Học… Và tất nhiên, sẽ có riêng một buổi cúp điện cho con rước đèn trong nhà. Trong cái đêm đặc biệt ấy, anh sẽ kể:

Ngày xửa ngày xưa, ở một làng quê nghèo nọ, có cậu bé tên Việt. Đêm Rằm mười lăm, khi ông Trăng tròn xuống trần dạo chơi, cậu lại lon ton xách chiếc lồng đèn theo đám bạn vui chơi. Gió vi vu thổi qua cánh đồng lúa mới, đom đóm lập lòe trên ngọn lau, trăng dát vàng những con đường qua ngõ, về nhà. Và tụi nhỏ xóm nghèo không ngừng hát vang bài ca “tùng dinh dinh… tùng tùng dinh dinh…”, khi chú dế mèn say sưa kéo đàn.

Bản hòa tấu đặc biệt của Trăng và tụi con nít xóm nghèo năm đó là như thế!

Huy Hậu - Tuấn Lê - Nguyễn Đạt

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/xa-hoi/hoi-uc-ve-nhung-mua-trung-thu-cu-ong-trang-to-long-den-giay-ngon-nen-vang-va-tui-con-nit-xom-ngheo-nam-ay-3691774.html