Hội Văn nghệ cấp huyện đã ra đời như thế…

Quảng Ninh là địa phương đầu tiên của cả nước có tổ chức Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) cấp huyện, khởi điểm là Chi hội từ năm 1962, tái lập năm 1970 và hoạt động có hiệu quả đến hôm nay. Báo Quảng Ninh điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh

Cuối năm 1962, khi TP Hải Phòng được thành lập Chi hội Văn nghệ lâm thời cấp thành phố, tôi đến gặp nhà thơ Nguyễn Viết Lãm, Thư kí lâm thời Chi hội, để học tập kinh nghiệm, rồi về thành lập Chi hội Văn nghệ Mạo Khê và vùng lân cận, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy mỏ Mạo Khê. Lúc ấy, tôi dạy học ở đây, đã tình nguyện tham gia “vô sản hóa”, cùng đi lò với tổ trưởng Nguyễn Văn Vỡi, sau đó là Anh hùng Lao động, tích cực tham gia phong trào văn hóa quần chúng của mỏ. Theo đề nghị của tôi, ông Ngô Bảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Công đoàn mỏ Mạo Khê, được Đảng ủy giao cho làm Chi hội trưởng, và trở thành Chi hội trưởng Văn nghệ đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh, tôi làm Chi hội phó phụ trách chuyên môn. Tháng 1/1963, trước Tết Quý Mão, trong một cuộc họp toàn thể với khoảng 100 hội viên của vùng Mạo Khê - Đông Triều, nhà thơ Trinh Đường, phụ trách sáng tác của Sở Văn hóa Khu mỏ Hồng Quảng, cùng ông Thế Vân, cán bộ văn hóa Công đoàn khu Hồng Quảng, đã về dự và thông báo chính thức công nhận Chi hội trong tổ chức sáng tác về đề tài công nhân, do Sở Văn hóa và Công đoàn khu Hồng Quảng lãnh đạo.

Lãnh đạo TP Uông Bí trao Giải thưởng VHNT Trần Nhân Tông TP Uông Bí lần thứ nhất (2011 - 2018) cho các tác giả. Ảnh: Phạm Học.

Lãnh đạo TP Uông Bí trao Giải thưởng VHNT Trần Nhân Tông TP Uông Bí lần thứ nhất (2011 - 2018) cho các tác giả. Ảnh: Phạm Học.

Tuy thế, cứ chiều thứ bảy nào rảnh rỗi là tôi lại đạp xe về Uông Bí thăm các anh Tạ Hữu Đỉnh, Yên Đức, Phạm Doanh, Long Chiểu, Thủy Nguyên… đều là các cây bút, thỉnh thoảng có thơ và truyện ngắn đăng Báo Văn nghệ. Một lần, tôi ghé qua chơi, ăn cơm với ông Nguyễn Sĩ Trung, Bí thư Thị ủy Uông Bí ở nơi sơ tán. Chuyện trò thân mật, ông hỏi chúng tôi có việc gì mà tụ tập ở nhà ông Đỉnh, rì rầm bàn bạc đến hai, ba giờ sáng? Công an ngồi sau nhà nghe rồi báo cáo lại, xin ý kiến xem có nên vào nhà, đề nghị các anh giải tán vì đã quá khuya hay không? Từ đó tôi nghĩ, phải công khai hóa nhóm thơ văn này thành một Chi hội mới, nhưng khi báo cáo ý tưởng đó với ông Trung, ông bảo chỉ có mấy người thì nên là Tổ Sáng tác thôi, cho đơn giản và dễ thực hiện. Tôi đề nghị cử ông Vũ Văn Khâm, Trưởng Ban Tuyên giáo làm trưởng, ông Vũ Hội, Trưởng Phòng Văn hóa, quản lý nhà nước, làm phó, còn một phó chuyên môn do anh em cử ra. Thế là Tổ Sáng tác chính thức được ra đời vào tháng 10/1967.

Sau khi Hội Văn nghệ Quảng Ninh đại hội lần thứ nhất (25-27/11/1969), cuối tháng 7/1970, với tư cách là Trưởng Ban Lí luận phê bình và Tổ chức Đào tạo bồi dưỡng lực lượng sáng tác của Hội, tôi đề nghị ông Ngô Lâm, Hội trưởng, cho tái lập chính thức tổ chức này, vẫn với cơ cấu nhân sự như cũ, với tư cách là cấp dưới của Hội Văn nghệ Quảng Ninh, để anh em có chỗ mà gặp nhau, bàn bạc sáng tác. Ông Lâm điện thoại cho ông Trung, ông Trung đồng ý và ngay lúc đó, ông Lâm cử tôi ngày hôm sau thực hiện. Tôi về Công ty Xây dựng 18, được Giám đốc Lê Văn Sang rất ủng hộ. Và tại đây, tổ chức đầu tiên của Chi hội cấp huyện, Chi hội Văn nghệ Uông Bí, thuộc Hội VHNT tỉnh ra đời... Ông Lâm về dự và phát biểu. Mọi việc đều đơn giản, như một cuộc họp thông thường, không có lễ tiết gì.

Rút kinh nghiệm, lần thứ hai, tháng 9/1970, tổ chức tại huyện Yên Hưng, vẫn do tôi thực hiện, sau khi được ông Nguyễn Thi, Bí thư và Ban Thường vụ Huyện ủy Yên Hưng phê duyệt, thì có băng đỏ căng ngang đường và trước phòng tổ chức đại hội là Thư viện huyện lúc đó, có cờ, khẩu hiệu, tượng Bác Hồ, hoa tươi, có lễ khai mạc, chào cờ hẳn hoi. Ở đây, ông Nguyễn Văn Chanh, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy làm Chi hội trưởng. Ông Ngô Lâm về dự và quyết định các việc cùng với Huyện ủy. Đến tháng 11/1970, thì tôi đi thực hiện thành lập Chi hội Văn nghệ huyện Đông Triều, cũng tương tự như thế.

Văn nghệ sĩ Quảng Ninh đi thực tế sáng tác tại huyện đảo Vân Đồn, tháng 9/2019. Ảnh: Phạm Học.

Sau 7 năm xem xét rút kinh nghiệm, cuối năm 1977, ông Lâm mới cử ông Thanh Đạm đi thành lập tổ chức này ở TX Cẩm Phả, đến cuối năm 1978, ông Lâm lại cử ông Tống Khắc Hài lo việc thành lập chi hội ở TX Hồng Gai. Sau này, ông Lê Hường làm Chủ tịch Hội, tôi làm Phó, năm 1998, chi hội được Tỉnh ủy và UBND tỉnh cho phép nâng lên thành hội và Hội cấp huyện ra đời ở Quảng Ninh, hoạt động với cơ chế đó cho đến tận bây giờ.

Năm 2002, khi tôi đã là Chủ tịch Hội, nhạc sĩ Trần Hoàn, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương về làm việc, yêu cầu tôi giải thể các tổ chức Hội cấp huyện này. Tôi cố thuyết phục để bảo vệ. Vô cùng khó khăn. Tôi báo cáo với Bí thư Tỉnh ủy Hà Văn Hiền và ông Hiền mời ông Trần Hoàn vào Tỉnh ủy. Rất may được Bí thư Tỉnh ủy Hà Văn Hiền ủng hộ và nhận chịu trách nhiệm trước Trung ương, nên nó mới tồn tại đến hiện nay.

Ở Quảng Ninh, hội cấp huyện hoạt động có hiệu quả hơn cả là Quảng Yên, Uông Bí, Tiên Yên, Vân Đồn, tổ chức được trại sáng tác, in được tuyển tập thơ văn, riêng huyện hội Tiên Yên và Vân Đồn, còn mời được cả văn nghệ sĩ trung ương về dự trại sáng tác với hội viên cấp huyện. Đặc biệt, 4 huyện hội còn thành lập được Giải thưởng VHNT cấp huyện, 5 năm xét và trao giải một lần, đó là “Giải Võ Huy Tâm” của TP Cẩm Phả, “Giải TP Hạ Long” của TP Hạ Long, “Giải Bạch Đằng Giang” của TX Quảng Yên và “Giải Trần Nhân Tông” của TP Uông Bí. Kỉ niệm 20 năm thành lập, Hội Văn nghệ TP Cẩm Phả và Hội Văn Nghệ TP Hạ Long, đã được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Có được thành tựu đó, cùng với cố gắng của tập thể hội viên, quyết định thành công vẫn là sự lãnh đạo sát sao và trực tiếp vào cuộc của cấp ủy và chính quyền các địa phương trong tỉnh.

Một số Hội tỉnh bạn học hỏi kinh nghiệm của Quảng Ninh đã thành lập Hội cấp huyện, đầu tiên là tỉnh Hải Dương. Hiện nay, nhiều tỉnh khác như Phú Thọ, Thái Nguyên, Nghệ An… cũng đã có Hội cấp huyện. Riêng Hội Văn nghệ huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, còn xuất bản được Tạp chí Văn Nghệ ra đều đặn 3 tháng/số. Và điều rất vui là cơ cấu tổ chức nhân sự của các Hội này cũng giống như các Hội cấp huyện ở Quảng Ninh. Quả thực, chỉ có theo cơ chế ấy thì mới hoạt động được, vì nó phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của cấp huyện và cơ chế đặc thù của các tổ chức này.

Nhà thơ Trần Nhuận Minh

Nguyên Chủ tịch Hội VHNT tỉnh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/201910/hoi-van-nghe-cap-huyen-da-ra-doi-nhu-the-2458071/