Hội xuân thời COVID-19

Mùa xuân là thời điểm các nhiếp ảnh gia thỏa sức chụp về nếp sinh hoạt cộng đồng, tín ngưỡng, lễ hội… nhưng giờ đây, trong tình hình đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhiều người đặt câu hỏi: Các nghệ sĩ vốn say mê mùa xuân sẽ đi đâu, làm gì?

Thực tế, mạch nguồn yêu thương và sáng tạo vẫn được nuôi dưỡng, bồi đắp… và thay vì cùng tụ hội trong một sự kiện thì mỗi tay máy lại đang có những hành trình riêng để lưu giữ từng khoảnh khắc đẹp mà ẩn sâu chính là giá trị của cội nguồn, niềm tin, sự sống.

Khoảng trống mang tên nỗi nhớ…

Tính đến nay, nhiếp ảnh gia Lê Bích (sinh năm 1972) đã chụp khoảng hơn 50 lễ hội mùa xuân khắp đất nước. Hầu hết, mỗi lễ hội anh chụp trong nhiều năm. Lê Bích chia sẻ, anh bắt đầu chụp về lễ hội từ khoảng năm 2005. Hầu như năm nào anh cũng có mặt ở lễ hội làng Triều Khúc, nơi bà con nhân dân coi Lê Bích như người làng. Say sưa, cuốn hút anh nhất chính là điệu múa bồng đã được anh chụp thành nhiều bộ ảnh và tái hiện trong sự kiện “Di sản trong lòng Hà Nội”.

Tác phẩm “Xe đạp và hoa” của Nguyễn Phúc Thành, giải Nhất hạng mục Ảnh quốc gia Cuộc thi ảnh quốc tế Sony

Tác phẩm “Xe đạp và hoa” của Nguyễn Phúc Thành, giải Nhất hạng mục Ảnh quốc gia Cuộc thi ảnh quốc tế Sony

Tương truyền, thuở xưa, Phùng Hưng sau khi đánh thắng giặc Đường thì nghỉ chân tại thành Tống Bình (làng Triều Khúc ngày nay), ngài lệnh cho một số lính nam cải trang thành nữ múa để khích lệ tinh thần quân sĩ. Trước khi có thể chụp sâu về điệu múa, Lê Bích đã tìm đến các nhà nghiên cứu, nghệ nhân cũng như đọc nhiều tài liệu về điệu múa từng bị thất truyền. Qua bao thăng trầm, làng Triều Khúc đã bảo vệ được múa bồng cùng ba điệu khác là: múa lân, múa rồng và múa chạy cờ; trở thành nét đặc trưng hội làng. Điều khiến nhiếp ảnh gia Lê Bích bâng khuâng, tiếc nuối trong những mùa xuân gần đây, đó là nghệ nhân dân gian Triệu Đình Hồng - người có công lớn lưu giữ, bảo tồn điệu múa, phát triển đội múa từ 4 người tới 26 người đã không còn. Có thể, xuân này làng Triều Khúc không diễn ra lễ hội nhộp nhịp như thường lệ mà chỉ có phần lễ trang nghiêm diễn ra ở một số nơi thờ tụ, nhưng Lê Bích vẫn trở về trong tình cảm của một người con dù không sinh ra, lớn lên ở mảnh đất ấy.

Trong hai mùa xuân đặc biệt đã và đang trôi qua, nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh vẫn rong ruổi phố, vừa mải miết ghi lại từng khoảnh khắc cuộc sống, vừa nghiêm túc thực hiện mọi nguyên tắc phòng chống dịch. Từ quãng trước Tết Nguyên đán, họ đã có nhiều bộ ảnh về mùa xuân với vẻ đẹp đầy sức sống dù bao nỗi bộn bề, khó nhọc vẫn hằn in. Các nhiếp ảnh gia cho biết, ở bất cứ giai đoạn nào của lịch sử, dù hòa bình hay còn chiến tranh thì mùa xuân vẫn cuốn hút người chụp ảnh một cách lạ kỳ. Phố xá, làng mạc… đều như được khoác tấm áo mới nhiều sắc màu. Như nhiếp ảnh gia Lê Bích, anh giữ thói quen rong ruổi khắp từng con phố, thỏa sức ngắm nghía, so sánh. Những cửa hàng lâu năm trên phố Hàng Mã bày biện những đôi hài tinh xảo, con ngựa được nghệ nhân chăm chút đến từng chi tiết nhỏ nhất. Hoa xuân ở phố Hàng Lược tràn từ cửa hàng ra khắp phố mang nét duyên riêng, thu hút người chơi hoa phố cổ sành sỏi, kỹ càng. Vừa ngắm phố, người chụp ảnh vừa bâng khuâng nhớ thời điểm chưa xảy ra đại dịch COVID-19. Trước giao thừa, các nhóm nhiếp ảnh tìm vị trí ở những tầng cao, đặt chân máy và chờ chụp pháo hoa bên Bờ Hồ. Dân nhiếp ảnh mới vào nghề dạy nhau cách chọn góc đẹp, kỹ thuật phơi sáng… người đã vững nghề nhìn thoáng qua sẽ hiểu và có thể sau khoảnh khắc pháo hoa rực rỡ sẽ nhẩn nha, lặng lẽ với từng con phố nhỏ.

Hội làng Lệ Mật (ảnh của Lê Bích)

Trên phố Dã Tượng, cùng một vị trí đặt máy và đều là hình ảnh người lao công, nhiếp ảnh gia Lê Bích đã nhiều lần chụp, tới năm thứ ba mới được bức ảnh ưng ý. Hình ảnh những người lao công kính cẩn chắp tay cúng lễ đêm giao thừa mang đến nguồn cảm xúc đặc biệt, gợi mở bao điều thiêng liêng đến từ chính vẻ mộc mạc, mưu sinh trên đường phố. Những người lao công làm lễ xong, gọi người chụp ảnh vào, mời thụ lộc. Câu chuyện đầu xuân ăm ắp niềm vui, nỗi lòng, hy vọng… được chia sẻ trong tình cảm chân thành, ấm áp như người trong gia đình. Ngoài phố xá, đề tài làng nghề cũng được những nhiếp ảnh gia như Lê Bích dành nhiều tâm huyết theo đuổi. Nhiều gia đình ở những ngôi làng trồng lá dong, bưởi, cam, làm hương… anh chụp ảnh từ khi trẻ con trong nhà còn nhỏ, tới giờ đã có gia đình riêng. Cuộc sống nhiều đổi thay, đam mê nghệ thuật vẫn được người nghệ sĩ bồi đắp bền bỉ.

Lưu giữ giá trị nguyên bản

Trong nhiều đề tài giới nhiếp ảnh chinh phục, mùa xuân và lễ hội vẫn là mảng thu hút sáng tác và giải thưởng ấn tượng bậc nhất. Các nghệ sĩ nhiếp ảnh trong nước đã đoạt nhiều giải thưởng quốc tế với đề tài này và đây được đánh giá như điểm mạnh của nhiếp ảnh Việt Nam. Thí dụ, chỉ tính riêng Lễ hội vật cầu ở các địa phương như: Hà Nội, Bắc Giang, Phú Thọ… đã có biết bao bộ ảnh đoạt giải thưởng nhiếp ảnh quốc tế. Đáng quý hơn, có những nhiếp ảnh gia không chỉ chụp ảnh mà còn có sở thích thông qua nhiếp ảnh, tìm hiểu, so sánh, nghiên cứu sâu về các lễ hội. Cùng là vật cầu, ở làng Thúy Lĩnh (Hoàng Mai, Hà Nội) là quả cầu sơn son, trong khi làng Vân (Việt Yên, Bắc Giang) lại là quả cầu bằng gỗ lim, nặng khoảng 20kg và vật trên bùn…

Hội vật cầu làng Thúy Lĩnh (ảnh của Lê Bích)

Họ tâm đắc với quan điểm công chúng xem ảnh sẽ hiểu được câu chuyện về văn hóa, lịch sử, bản sắc truyền thống nên sẽ chụp thành chuỗi, cả khoảnh khắc trước và sau lễ hội. Lễ hội vật cầu, nhiếp ảnh gia luôn chụp từ lúc trai tráng ở nhà chuẩn bị trang phục, làm lễ cúng, cho tới khi quả cầu được dâng hương báo công. Thành quả người chụp ảnh có được đó là nhiều bộ ảnh và các giải thưởng trong nước, quốc tế dành cho ảnh bộ.

Ở miền Bắc, một trong những lễ hội ấn tượng nhất với giới nhiếp ảnh đó là lễ hội Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh) diễn ra vào ngày mồng ba Tết Nguyên Đán. Hầu hết các nghệ sĩ nhiếp ảnh, phóng viên ảnh đều có mặt bởi đó là lễ hội đầu tiên ở miền Bắc đầu xuân, lại gần thủ đô Hà Nội và có nhiều hoạt động đẹp về mặt thị giác. Lễ rước pháo truyền thống thu hút cả dòng người trẩy hội chiêm ngưỡng. Quả pháo khổng lồ được chạm trổ long ly quy phượng, sơn son thếp vàng cầu kỳ, đẹp mắt. Qua sự thay đổi của từng bộ ảnh chụp lễ hội mùa xuân, có thể nhận thấy đời sống văn hóa, tinh thần con người đã và đang thay đổi theo hướng tích cực. Đời sống khá giả, người người mang đến lễ hội những vật phẩm tinh tế, cầu kỳ; các nghi thức tín ngưỡng được thực hành cẩn trọng, có thêm nhiều quan sát, chọn lọc. Và đặc biệt, ở ngay chính Thủ đô Hà Nội, những lễ hội vùng ven đô ở các làng La Khê, La Cà, La Phù luôn rộn ràng bản sắc. Lễ hội La Khê có hoạt cảnh đánh hổ, diễn ra vào ban đêm, tái hiện tích Thành hoàng làng đánh hổ cứu dân, vừa thể hiện tinh thần thượng võ, vẻ đẹp khỏe khoắn, hồn nhiên của con người. Bởi lễ hội đến nay gần như vẫn giữ được vẻ đẹp và giá trị nguyên bản nên các nhiếp ảnh gia luôn tìm đến để thỏa sức quan sát, sáng tạo.

Cần một tinh thần “xuân”

Chia sẻ về chủ đề mùa xuân, nhiếp ảnh gia Lê Bích tâm sự, thuở mới vào nghề, anh và nhiều đồng nghiệp thường gặp gì chụp nấy, hồn nhiên. Theo thời gian và nhận thức được nâng cao, họ dẫn đặt ra cho bản thân yêu cầu về sự chuyên nghiệp. Quan trọng nhất, không phải chỉ để chụp một số bức ảnh đẹp, mà cần một tinh thần “xuân” vào đúng mùa xuân. Để có được tinh thần ấy, bấm máy thôi chưa đủ mà nghệ sĩ nhiếp ảnh cần bồi đắp tình cảm, hiểu biết, thậm chí cả phản biện về đề tài. Đi chụp ảnh, nhiều nghệ sĩ luôn có bút, sổ, máy ghi âm để lưu giữ từng câu chuyện, từng khoảnh khắc ấn tượng. Những khoảnh khắc đẹp của thiên nhiên, con người, phong tục…. phải đi kèm với ghi chú đầy đủ thì mới có ý nghĩa.

Lễ hội mùa xuân (ảnh của Lê Bích)

“Văn hóa của người Việt mình có cội nguồn là văn hóa dân gian, gắn với nông nghiệp, với làng. Các lễ hội đều xuất phát từ làng, nó đơn giản là một hoạt động cộng đồng nhằm tạ ơn Thành hoàng làng, những người mở cõi. Mùa xuân là thời điểm khởi đầu cho năm mới, con người luôn có nhu cầu được bày tỏ, tri ân, cầu mong no ấm, bình yên. Quan sát và chụp lễ hội mùa xuân nhiều năm, tôi thấy điểm đáng mừng là hầu hết phần lễ bao giờ cũng rất đầy đủ, ít bị thay đổi, mai một… Có lẽ vì các quy định trong phần lễ này rất quan trọng, nó nằm trong hương ước của làng và được các ông “chủ tế”, là những người hiểu biết giữ gìn, lan tỏa. Sự biến tướng, đổi khác thường ở phần hội. Ví dụ một số lễ hội ngày xưa có chọi gà, nhưng tinh thần thượng võ chứ không tràn lan kiểu ăn thua, cá độ như nhiều lễ hội hiện nay. Bên cạnh đó, các lễ hội bây giờ, hàng quán nhiều quá, ăn uống xô bồ, bừa bộn và cách con người ứng xử với lễ hội cũng tự do, ít tính tôn nghiêm. Tôi cho rằng, các tác phẩm nhiếp ảnh ngoài ghi lại khoảnh khắc đẹp thì đó cũng chính là tư liệu quý để mọi người tham khảo, từ đó có thêm nhận thức, ứng xử phù hợp với văn hóa, phong tục, tín ngưỡng của mỗi vùng miền”, nhiếp ảnh gia Lê Bích chia sẻ.

Mới đây, tác phẩm “Xe đạp và hoa” được nhiếp ảnh gia Nguyễn Phúc Thành chụp ở con đường gốm sứ Hà Nội trong bối cảnh đại dịch COVID-19, đã đoạt giải Nhất hạng mục Ảnh quốc gia thuộc cuộc thi ảnh quốc tế Sony (Sony World Photography Awards - SWA) với sự tham gia của hơn 550 nhiếp ảnh gia tới từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tác giả Nguyễn Phúc Thành cho biết, khi mùa xuân sắp đến, anh luôn dành thời gian cuối tuần theo chân những người bán hàng rong, quan sát họ đi bộ, đạp xe cả ngày để chụp ảnh. Bên cạnh sinh hoạt cộng đồng, tín ngưỡng với sắc màu đậm nét thì đôi khi tinh thần mùa xuân cũng được thể hiện từ chính vẻ đẹp trong lao động, mưu sinh thường nhật mà trong ống kính nhiếp ảnh, vẻ đẹp ấy căng tràn yêu thương, hy vọng.

Mai Lữ

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/hoi-xuan-thoi-covid-19-i646159/