Hôm nay (18/6), giá vàng vừa giảm đã quay đầu tăng ấn tượng

Sau phiên giao dịch đầu tuần ảm đạm, giá vàng thế giới và trong nước hôm nay quay đầu tăng vọt. Căng thẳng địa chính trị tiếp tục leo thang đã mở đường cho kim loại quý đi lên và dự kiến sẽ chinh phục nhiều mức cao mới trong tương lai.

Lúc 15g ngày 18/6, giá vàng rồng Thăng Long 999,9 tăng 170.000 đồng/lượng so với phiên giao dịch hôm qua, được Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức 37,36 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 37,81 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.

Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn nâng giá mỗi lượng vàng SJC 250.000 đồng, dao động tại ngưỡng 37,55 - 37,75 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra) ở TP.HCM và 37,55 - 37,77 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra) ở Hà Nội, Đà Nẵng.

 Vàng trong nước và thế giới đồng loạt leo giá sau phiên giảm nhẹ hôm qua. Ảnh: IT.

Vàng trong nước và thế giới đồng loạt leo giá sau phiên giảm nhẹ hôm qua. Ảnh: IT.

Giá vàng nữ trang 999,9 của Tập đoàn Doji tăng 160.000 đồng/lượng so với giá chốt phiên liền trước, lên mức 37,18 - 37,88 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra) tại Đà Nẵng, Hà Nội và 37,15 - 37,85 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra) tại TP.HCM.

Cùng thời điểm trên, giá vàng thế giới trên sàn Kitco giao ngay ở mức 1.344,2 - 1.345,3 USD/ounce, tăng 5,3 USD/ounce so với phiên hôm qua.

Thị trường kim loại quý hôm nay sôi động trở lại trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đối tác liên tiếp leo thang, không chỉ với Trung Quốc, Mexico, Iran mà cả Ấn Độ.

Mới đây, chính quyền New Delhi đã tuyên bố đánh thuế lên 28 loại hàng hóa của Mỹ nhằm đáp trả việc Tổng thống Donald Trump chấm dứt chế độ ưu đãi thương mại đối với Ấn Độ trong khuôn khổ chương trình Hệ thống Ưu đãi phổ cập (GSP) kể từ ngày 5/6.

GSP được Mỹ áp dụng từ năm 2017 và Ấn Độ là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ chương trình này, với việc xuất khẩu một số hàng hóa miễn thuế trị giá 5,7 tỷ USD như sản phẩm da, dược phẩm, hóa chất, nhựa và một số mặt hàng nông sản.

Theo thông báo mới nhất của New Delhi, những mặt hàng của Mỹ bị đánh thuế bao gồm hạnh nhân (120%); đậu xanh, đậu đỏ, quả óc chó, táo (70%) và nhiều sản phẩm khác.

Mỹ và Ấn Độ rơi vào tình trạng “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” từ tháng 3/2018 - thời điểm Tổng thống Donald Trump thông báo áp dụng mức thuế 25% và 10% đối với các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu. Đến tháng 6 cùng năm, quốc gia đông dân thứ nhì thế giới cũng từng công bố nâng thuế lên tới 120% đối với nhiều hàng hóa nhập khẩu của Mỹ. Tuy nhiên, nước này nhiều lần trì hoãn kế hoạch trên khi nối lại các cuộc đàm phán thương mại song phương để tìm tiếng nói chung.

Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Ấn Độ bất ngờ leo thang chỉ vài ngày trước khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thực hiện chuyến công du đến quốc gia Nam Á để thảo luận các vấn đề thương mại với Tổng thống Narendra Modi. Nhà lãnh đạo hai nước dự kiến gặp nhau tại Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka (Nhật Bản) diễn ra từ ngày 28 - 29/6 tới, nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác quốc phòng và an ninh, năng lượng.

Ở một diễn biến khác, giới đầu tư đang chờ đợi Cục Dự trữ Liên bang (FED) nới lỏng chính sách tiền tệ. Mặc dù nhiều dự báo cho rằng ngân hàng trung ương nước Mỹ sẽ giữ nguyên lãi suất sau cuộc họp Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) vào ngày 19/6 nhưng các tuyên bố của FED có thể giúp thị trường có một cái nhìn sâu hơn về tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, lời kêu gọi FED hạ lãi suất của ông chủ Nhà Trắng và dữ liệu kinh tế suy yếu trong thời gian gần đây đối với đường đi của chính sách tiền tệ trong những tháng còn lại của năm 2019.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/hom-nay-18-6-gia-vang-vua-giam-da-quay-dau-tang-an-tuong-164955.html