Hôm nay, siêu vũ khí duy nhất Nga sẽ ra mắt tại Lễ duyệt binh: Mỹ-NATO toát mồ hôi lạnh?

Hai năm trước, TT Putin đã giới thiệu với người dân Nga tàu ngầm không người lái, tên lửa và vũ khí hạt nhân tối tân và khẳng định rằng những hệ thống này là bất khả chiến bại.

Đã đến lúc phải lắng nghe ý kiến của Moscow...

Tuy nhiên, tại Lễ duyệt binh Chiến thắng ở Moscow dự kiến sẽ chỉ trình diễn một trong số những sản phẩm mới.

"Các siêu vũ khí" còn lại của ông Putin chủ yếu cho đến nay vẫn đang trong giai đoạn thiết kế hoặc thử nghiệm ban đầu, bởi vậy các chuyên gia kêu gọi không nên để ý quá vào những tuyên bố này, mà nghĩ tới tiềm lực răn đe chung.

Trong thông điệp tranh cử của mình hai năm trước, Tổng thống Vladimir Putin đã giới thiệu siêu vũ khí mới: Các tàu ngầm không người lái, tên lửa và vũ khí hạt nhân và khẳng định rằng những hệ thống mới này là bất khả chiến bại.

Tờ Yle (Phần Lan) cho biết, ông ta cũng nhấn mạnh rằng, nếu như trước đây không ai muốn nói chuyện trực tiếp với Nga, thì từ giờ người ta sẽ phải lắng nghe ý kiến của Moscow.

Đồ họa tàu ngầm hạt nhân không người lái Poseidon/Status-6 của Nga. Ảnh: GLP.

Đồ họa tàu ngầm hạt nhân không người lái Poseidon/Status-6 của Nga. Ảnh: GLP.

Sau tuyên bố về việc nhiều tỷ rúp đã được chi cho nghiên cứu chế tạo các vũ khí mới, và một số đã tham gia tuần tra chiến đấu - tuy nhiên có cả những thứ "vẫn chưa thoát ra khỏi bàn vẽ thiết kế".

Tại Lễ duyệt binh Chiến thắng chiều nay, 24/06/2020, sẽ chỉ có một sản phẩm mới được giới thiệu: Tên lửa siêu thanh trang bị cho máy bay tiêm kích. Những siêu vũ khí còn lại của Nga, tờ Yle nhấn mạnh, chúng ta sẽ phải chờ.

"Mục đích chính của các lực lượng vũ trang Nga khi nghiên cứu chế tạo vũ khí mới - đó là xuyên phá các hệ thống phòng thủ chống tên lửa hiện có.

Nga cố gắng đạt được ưu thế về công nghệ và bằng cách này nỗ lực tăng cường vị thế sức mạnh quân sự của mình", chuyên gia về Nga đến từ Đại học Quốc phòng Phần Lan, ông Pentti Forsstrom, đã tuyên bố trong cuộc trả lời phỏng vấn của Yle.

Theo ý kiến của ông, vũ khí mới sẽ phải trở thành tấm danh thiếp của Moscow.

... nhưng đó chưa phải là tất cả

Trong khi đó, ông Yohan Nurberg đến từ Viện Nghiên cứu quốc phòng Thụy Điển tại Stockholm tin rằng, những dự án này vẫn còn phải vượt qua chặng đường dài từ trình bày kỹ thuật số cho tới biên chế những vũ khí mới cho quân đội Nga.

"Nhưng điều quan trọng là Nga tiếp tục phát triển những khả năng mới. Trong trận đánh lớn, vũ khí này có thể được sử dụng để tấn công vào hậu phương của địch: Lấy ví dụ, trong thời gian diễn ra chiến tranh tại châu Âu, bạn có thể phá hủy các cảng biển trên Đại Tây Dương", ông Nurberg lý giải trong cuộc trả lời phỏng vấn của Yle.

Ông Nurberg nhấn mạnh rằng phương Tây không nên "bám" vào những loại vũ khí mới của Nga, bởi vì chủ yếu chúng đang ở giai đoạn nghiên cứu chế tạo.

Chuyên gia này lưu ý trong cuộc nói chuyện với các phóng viên:

"Nếu nhìn vào tiềm lực quân sự tổng thể của Nga, vào các lực lượng Nga có thể sử dụng để tham chiến, thì những hệ thống này vẫn còn ít. Sức mạnh chủ yếu nằm ở tính tổng thể của các lực lượng vũ trang: Những đơn vị lục quân quy mô lớn được yểm trợ bởi không quân và hải quân. Và tất nhiên, vai trò chính ở đây là kho vũ khí hạt nhân chiến lược".

Theo ý kiến của ông, quan trọng phải nhớ rằng phần lớn vũ khí hiện nay của Nga cho đến giờ vẫn là từ thời Liên Xô, đồng thời các hệ thống vũ khí cũ chủ yếu ở trong lực lượng lục quân.

Mục đích chính các tuyên bố của ông Putin là cố gắng giành được điểm số chính trị: "Những dự án mới này có lợi ích chính trị. Có thể 'dọa nạt' thế giới xung quanh và cùng lúc thuyết phục người dân của mình rằng nước Nga lớn mạnh như thế nào", ông Nurberg cho biết.

Tổng thống Nga vài ngày trước lại chia sẻ về những sản phẩm mới trong lĩnh vực vũ khí.

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Topol-M của Nga.

"Tôi nghĩ là chúng ta sẽ khiến các đối tác của mình ngạc nhiên một cách thoải mái rằng khi vũ khí của họ xuất hiện, với xác suất lớn chúng ta sẽ có phương tiện chống lại vũ khí đó", ông Putin lưu ý trong cuộc trả lời phỏng vấn trên truyền hình.

Theo lời ông, Nga đã phải bắt tay vào nghiên cứu chế tạo vũ khí siêu thanh sau khi Mỹ chấm dứt hiệu lực Hiệp ước về phòng thủ chống tên lửa vào năm 2002: "Nếu như Nga không hồi phục được, không chiếm được vị trí xứng tầm trên thế giới, thì thế giới có lẽ sẽ trở nên tồi tệ hơn và nguy hiểm hơn", Tổng thống Nga nhấn mạnh.

Trong bối cảnh này, có thể chia tách hai "siêu vũ khí" mới của Nga - đó là "Avangard" và "Zircon".

"Avangard" là hệ thống liên lục địa siêu thanh có thể được trang bị đầu đạn hạt nhân, thậm chí nguyên mẫu đầu tiên đã được biên chế cho quân đội vào mùa đông năm 2019.

Theo thông tin của Bộ Quốc phòng Nga, trong thập niên tới, "Avangard" sẽ từng bước thay thế những hệ thống tiền nhiệm của mình.

"Zircon" - tên lửa hành trình siêu thanh chuyên tiêu diệt các mục tiêu trên biển. Nga vẫn đang tiếp tục thử nghiệm nó.

Tuy nhiên về bản chất, "Avangard" vẫn còn đang ở giai đoạn thử nghiệm, vài quả đã được sản xuất. Theo ý kiến của ông Forsstrom, trong danh sách vũ khí tối tân mà từng được tổng thống Nga công bố trước đó, "Sarmat" tiến xa hơn cả.

Đó là tên lửa đạn đạo liên lục địa với tầm bắn lên đến 18 nghìn km, mà có thể được trang bị tất cả các kiểu đầu đạn, bao gồm cả hạt nhân, và sẽ tham gia tuần tra chiến đấu trong năm tới. "Sarmat" được nghiên cứu chế tạo để thay thế tổ hợp tên lửa "Voevoda" mà Nga cho rằng đã lỗi thời.

Siêu vũ khí duy nhất của Nga sẽ xuất hiện trong Lễ Duyệt binh?

"Kh-47M2 Kinzhal" - tên lửa đạn đạo siêu thanh phóng từ trên không. Trong những năm gần đây, tên lửa này đã được thử nghiệm vài lần và có tầm bắn lên tới 2 nghìn km. "Kinzal, có vẻ cũng đang thuộc biên chế quân đội", ông Yohan Nurberg chia sẻ trong cuộc trả lời phỏng vấn.

Ngoài ra, tờ Yle nhấn mạnh rằng, "Kinzhal" là siêu vũ khí duy nhất của Nga sẽ xuất hiện tại Lễ duyệt binh Chiến thắng ở Moscow hôm nay. Nó là thứ vũ khí hiện đang khiến Mỹ và phương Tây toát mồ hôi lạnh và hết sức lo sợ bởi trên thực tế gần như họ chưa có hệ thống phòng thủ nào có khả năng đánh chặn hữu hiệu.

Tiêm kích MiG-31 Nga phóng thử nghiệm tên lửa Kh-47M2 Kinzhal

Trên các phương tiện truyền thông Nga cũng thường xuyên nhắc khéo tới những tin tức về "tàu ngầm không người lái" với tên gọi "Poseidon" - đó là ngư lôi liên lục địa hoặc tàu ngầm không người lái động cơ nguyên tử, mà có thể di chuyển nhanh chóng dưới nước. Quả ngư lôi có thể mang các loại đầu đạn, kể cả hạt nhân.

Theo chuyên gia phân tích quân sự người Nga, ông Victor Baranetz đánh giá, "Poseidon" có thể "dễ dàng đi vòng quanh trái đất và lặng lẽ áp sát lãnh hải của địch để gây thiệt hại lớn nhất có thể cho đối phương", còn khi âm thầm tiến tới lãnh hải của địch, thì nó sẽ "vùi mình xuống đáy cát, để không ai có thể phát hiện được nó, và sẽ chờ lệnh tấn công".

Sau khi tiếp nhận lệnh, "Poseidon" có khả năng tạo nên không chỉ một vụ nổ khủng khiếp, mà cả những cơn sóng thần nhấn chìm tàu thuyền và cả toàn bộ các thành phố.

Theo thông tin của truyền thông Nga, những cuộc thử nghiệm "Poseidon" đầu tiên sẽ diễn ra ngay trong mùa thu tới, tuy nhiên hệ thống này vẫn chưa là một thể thống nhất - tạm thời người ta chỉ thử nghiệm từng phần riêng lẻ của nó.

Khi dự án này được hoàn tất toàn bộ, những ngư lôi mới của Nga sẽ là một phần trong kho vũ khí của các tàu ngầm mới "Khabarovsk" và "Belgorod".

Bên cạnh đó, không có bất cứ giải pháp nào để phòng vệ trước "Poseidon" và cả trong 100 năm tới. Tuy nhiên, một vài chuyên gia chỉ trích "Poseidon" vì "sự chậm chạp và gây tiếng ồn" và cho rằng nó sẽ dễ dàng bị phát hiện.

Hai siêu vũ khí khác của TT Putin, ngược lại, rất nhẹ nhàng. Đó là hệ thống laser mới "Peresvet" và tên lửa hành trình "Burevestnik".

Hệ thống laser chiến đấu Peresvet thế hệ mới của Nga sẽ trở thành sát thủ chống tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ

Theo báo cáo được Viện Nghiên cứu quốc phòng Thụy Điển công bố hồi mùa Đông vừa qua, sự răn đe hạt nhân sẽ tiếp tục đóng vai trò xuyên suốt trong chiến lược quân sự của Nga. Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng trong những năm gần đây, Nga bắt đầu quan tâm nhiều tới các phương tiện răn đe phi hạt nhân trên cơ sở các tên lửa hành trình.

Đây là những đóng góp đáng kể, mà theo ông Nurberg, được dựa trên chiến lược rõ ràng:

"Nằm ở trung tâm sự chú ý của chúng ta là cuộc chiến tranh quy mô. Và trong đó, để gây áp lực quân sự lên đối phương như NATO hoặc Trung Quốc, Nga còn thiếu các tên lửa, đặc biệt được trang bị những đầu đạn thông thường", chuyên gia Thụy Điển chia sẻ.

Áp lực mang tính quyết định, dựa vào toàn bộ tình hình, cần phải là vũ khí hạt nhân. Đại học Quốc phòng Phần Lan tại Helsinki cũng theo dõi sát sao xu hướng này.

"Trên thực tế vũ khí hạt nhân là vô dụng, bởi vì nó gây ra phá hủy đối với tất cả các bên", ông Forsstrom lưu ý trong cuộc nói chuyện với các phóng viên. Bởi vậy, Nga đang nghiên cứu chế tạo vũ khí có ích hơn, và cũng vì thế mà đỡ tốn kém hơn. Ngoài ra, những tên lửa này không bị cấm bởi các hiệp ước quốc tế.

Như trong báo cáo của Viện Nghiên cứu quốc phòng Thụy Điển lưu ý, dư địa của trận chiến điều khiển từ xa dưới hình thức những tên lửa đạn đạo và hành trình vào thời điểm hiện nay là "tiềm lực mạnh mẽ" của các lực lượng vũ trang Nga.

Theo đánh giá của các chuyên gia, số lượng tên lửa để tấn công tầm xa tại Nga trong 3 năm gần đây tăng lên đáng kể, chủ yếu nhờ việc triển khai các hệ thống kiểu như Kalibr và Iskander.

Viện này cũng đưa ra kết luận trong báo cáo của mình rằng các phương tiện mang những tên lửa hành trình, trong thập niên tới, nhiều khả năng, cũng sẽ tăng lên đáng kể.

Tuy nhiên, bên cạnh đó ông Nurberg nhấn mạnh rằng, không nên quên các vũ khí truyền thống. "Các quốc gia láng giềng với Nga cần phải tính toán tiềm lực răn đe tổng thể, chứ không nên chỉ để ý tới các tên lửa hành trình mới", chuyên gia Thụy Điển kết luận.

Bảo Lam

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/hom-nay-sieu-vu-khi-duy-nhat-nga-se-ra-mat-tai-le-duyet-binh-my-nato-toat-mo-hoi-lanh-82020246114952636.htm