Hôm nay Trái Đất hứng chịu bão Mặt Trời đỉnh điểm

Giai đoạn Mặt trời đang hoạt động mạnh, người dân nên hạn chế thời gian bị phơi quá lâu dưới ánh nắng, tắt thiết bị điện ngay sau khi sử dụng, tắt định vị vệ tinh...

Tác hại của bão Mặt Trời

Vào ngày 7/5 vừa qua, một vụ nổ cấp độ M1.5 dựa trên thang đánh giá của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) đã xảy ra trên bề mặt của Mặt Trời, làm phát ra những bức xạ điện từ ở mức trung bình hướng về Trái Đất. Điều này dẫn đến đỉnh điểm của bão Mặt Trời sẽ ập tới Trái Đất trong ngày 10/5. Các chuyên gia dự đoán nhiều khu vực trên thế giới có khả năng hứng chịu các hoạt động địa từ từ cấp độ trung bình đến cao.

Hình ảnh mô phỏng những làn sóng mạnh mẽ phát ra từ một cơn Bão Mặt Trời. Ảnh: Phys.

Bão Mặt Trời, hay bão địa từ, là sự xáo trộn đối với từ trường của Trái Đất do dòng hạt mang điện phóng ra từ các vụ phun trào trên Mặt Trời (CME). Trên một số hành tinh khác trong hệ Mặt Trời, nhất là các hành tinh có từ quyển, gồm: Sao Thổ, Sao Thủy, Sao Hải Vương, Sao Mộc, Sao Thiên Vương... cũng có hiện tượng tương tự. Theo Spaceweather.com, những bức xạ liên quan đến CME này có thể đã gây ra hàng loạt sự cố mất điện vô tuyến sóng ngắn cấp độ nhỏ trên Trái Đất diễn ra vào cuối tuần trước.

"Các cơn bão Mặt Trời có thể làm xáo trộn điện tích từ của tầng điện ly, nó tạo ra các dòng điện trong bầu khí quyển, chúng sẽ tương tác với các hạt phía dưới tạo ra dòng điện rất mạnh có thể bao phủ các cơ sở hạ tầng trên mặt đất", Spaceweather lưu ý.

PGS.TS Cao Đình Triều, Viện trưởng Viện Địa Vật lý ứng dụng cho biết, bão Mặt Trời là sự bùng nổ khối sắc cầu plasma có khối lượng hàng tỉ tấn từ mặt trời dội xuống Trái Đất. Khi chùm plasma này tác động vào từ trường của Trái Đất thì sinh ra bão từ. Có nhiều trận bão Mặt Trời không tác động đến trái đất do chưa kịp rơi xuống Trái Đất thì nó đã tan hết rồi. Các vệ tinh được phóng lên vũ trụ thường có khoảng cách với bề mặt trái đất từ 100 đến 500km. Vì thế khi bão Mặt Trời xuất hiện, nó sẽ tác động đến các vệ tinh đầu tiên, trước khi rơi xuống Trái Đất.

Khi xuất hiện bão mặt trời, hàng tỉ tấn plasma, giống như một dòng điện, sẽ "xả" xuống Trái Đất, mà các vệ tinh sẽ là nơi hứng chịu đầu tiên. Các chùm hạt này sẽ tác động vào vỏ hoặc vào các linh kiện của vệ tinh dẫn đến mất tín hiệu đường truyền, hỏng hóc, giảm tuổi thọ. Vào năm 1997, vệ tinh AT&T của Mỹ đã bị phá hủy bởi một trận bão mặt trời mạnh. Thiệt hại lúc đó tính toán lên đến 200 triệu USD. Khi đó, công nghệ sản xuất vệ tinh chưa tốt, chưa có công nghệ bảo vệ trước các trận bão mặt trời.

PGS.TS Cao Đình Triều cho biết, một trận bão mặt trời có thời gian diễn ra từ 2-3 phút đến hàng giờ đồng hồ. Sự cố này có thể gây ra tình trạng mất tín hiệu vệ tinh, nhiễu loạn sóng radio, việc điều khiển bay bị gián đoạn. Theo thống kê thì trên thế giới hàng năm xảy ra rất nhiều trận bão Mặt Trời. Bão Mặt Trời mạnh cũng có khả năng ảnh hưởng tới đường dây tải điện và các ống dẫn dầu khí.

Lịch sử cho thấy, trận bão từ xảy ra vào năm 1989 đã làm hệ thống truyền tải điện 500KV ở Quebec (Canada) bị tê liệt trong 9h gây thiệt hại hàng tỷ USD. Ngày nay người ta khắc phục điều này bằng cách lắp đặt hệ thống bù điện cho trạm biến áp. Khi có bão từ thì dòng điện này sẽ bị triệt tiêu.

Hạn chế ra ngoài khi có bão Mặt Trời

Thường thì những vụ phun trào nhật hoa nhỏ, thường dẫn tới những hiệu ứng chúng ta gọi là bão từ hay bão Mặt Trời chỉ gây ảnh hưởng ở mức độ thấp, chẳng hạn như làm gián đoạn sóng truyền hình, radio, điện thoại… có ảnh hưởng tới sức khỏe của con người nhưng mức độ không đáng ngại. Khi các hạt mang điện được gia tốc đủ mạnh để một số hạt có thể xuyên qua từ trường và va chạm với Trái Đất có thể khiến người đang ở ngoài trời bị phơi dưới các bức xạ không có lợi cho sức khỏe.

Theo ThS Phan Văn Đồng, chuyên gia về thiên văn học, bão Mặt Trời có thể cắt đứt sự cung ứng điện, sóng điện thoại, gây tê liệt các thiết bị vệ tinh và ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Các bức xạ hạt làm thay đổi sóng vô tuyến, gây ra những hiện tượng tự động ngắt mạch của các thiết bị điều khiển của các đường dây tải điện, các máy hoạt động tự động trên các vệ tinh. Tiếp đến chúng sẽ đi vào tầng khí quyển, thay đổi tầng ion, tác động đến tầng ozone, thâm nhập sâu trong khí quyển gây ra các bệnh ung thư da, tăng các bệnh về tim mạch, thần kinh.

“Bão mặt trời là một hiện tượng tự nhiên, giống như động đất hay sóng thần, nên không thể tránh được. Người ta chỉ có thể dự báo trước và có các công nghệ sản xuất vệ tinh bền vững hơn để ứng phó với các trận bão từ mạnh. Tuy nhiên, không thể tránh khỏi vệ tinh bị giảm tuổi thọ, hoặc các linh kiện bị hư hỏng”.

Theo chuyên gia, trong dự báo ngắn hạn thì có thể dự báo trước khoảng 2-3 ngày khi bão mặt trời xảy ra. Việc dự báo này sẽ dựa trên việc quan sát các vết đen xuất hiện ở mặt trời. Khi mặt trời xuất hiện các vết đen này thì có nghĩa các chùm plasma đang rơi xuống trái đất. Trận bão mặt trời mạnh thì sau khoảng 1 ngày sẽ rơi xuống trái đất, trận bình thường thì sẽ là 2-3 ngày.

Chuyên gia khuyến cáo, trong những giai đoạn Mặt trời đang hoạt động mạnh, người dân cũng nên hạn chế thời gian bị phơi quá lâu dưới ánh nắng Mặt Trời. Tắt thiết bị điện ngay sau khi sử dụng, tắt định vị vệ tinh, sạc sẵn tất cả điện thoại, máy tính là một cách để bảo vệ đồ dùng khi có những hoạt động đặc biệt mạnh của Mặt trời.

Hiện việc dự báo bão Mặt trời vẫn còn những khó khăn bởi để có số liệu chính xác cần phải quan sát chi tiết từ các kính thiên văn hiện đại ở mặt đất cũng như ngoài không gian. Với công nghệ hiện có ở Việt Nam thì chúng ta chưa thể theo dõi và dự đoán được chính xác bão Mặt trời.

Tác Dụng Chữa Bệnh Của Cây Chanh | SKĐS

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/hom-nay-trai-dat-hung-chiu-bao-mat-troi-dinh-diem-169230510105724107.htm