Hơn 1.000 người Nga đổ tiền mua 'hộ chiếu vàng' của Cyprus

Hơn 1.000 người Nga đã mua hộ chiếu Cyprus thông qua chương trình đầu tư đổi quốc tịch của đảo quốc, thông tin được hé lộ sau khi hơn 1.400 tài liệu bị rò rỉ.

Những tài liệu mà Al Jazeera thu thập được, tức "Hồ sơ Cyprus", bao gồm 1.471 đơn đăng ký, có tên của 2.544 người nhận được hộ chiếu Cyprus từ 2017 đến cuối năm 2019.

Tài liệu cho thấy gần một nửa số đơn đến từ Nga, cho thấy cách thức giới thượng lưu chính trị, doanh nhân, các tỷ phú và tội phạm nước này mua "vé" vào EU, giúp họ có thể đi lại, làm việc và giao dịch ngân hàng ở mọi nơi trong khối.

 Hơn 1.000 người Nga đã có hộ chiếu Cyprus thông qua chương trình đầu tư đổi quốc tịch. Ảnh: Wikimedia Commons.

Hơn 1.000 người Nga đã có hộ chiếu Cyprus thông qua chương trình đầu tư đổi quốc tịch. Ảnh: Wikimedia Commons.

Lo sợ tài sản gặp rủi ro

Những người nộp đơn cùng 2,5 triệu USD này hầu hết đầu tư vào bất động sản để đủ điều kiện nhập tịch Cyprus.

Tại sân bay quốc tế Larnaca, những tấm biển bằng tiếng Nga nói về cơ hội đầu tư, bất động sản sang trọng và quảng cáo nhiều nơi có thể xử lý đơn xin nhập tịch, cho thấy Nga quan trọng thế nào với chương trình này.

Nhiều người Nga nộp đơn xin nhập tịch Cyprus kiếm tiền thông qua các mối quan hệ chính trị và kinh tế với chính quyền, trong đó một số người giữ các vị trí chính thức trong cơ quan nhà nước - những người được gọi là PEP.

Theo quy định mới được áp dụng vào năm ngoái, những người như vậy giờ đã bị cấm mua hộ chiếu nhưng những người đã mua có thể tiếp tục giữ hộ chiếu.

Trong số những người được cấp hộ chiếu có cựu thứ trưởng Igor Reva và cựu nghị sĩ Vadim Moshkovich. Danh sách này còn có ông chủ cũ một công ty con thuộc tập đoàn đường sắt nhà nước, Vitaly Evdokimenko, cũng như Vladimir Khristenko, người xuất thân từ một gia đình có quan hệ chính trị thuộc dạng sừng sỏ khi mẹ kế của ông là phó thủ tướng Nga đương nhiệm.

Tấm biển tại thành phố lớn thứ hai Cyprus, Limassol, đề là "Limassolgrad". Ảnh: Al Jazeera.

Nigel Gould-Davies, chuyên gia về Nga tại Viện Chiến lược Quốc tế ở Anh, nói lý do những người có quan hệ chính trị này hướng về Cyprus, cũng tức là EU, là vì họ lo sợ tài sản của họ có thể gặp rủi ro ở quê nhà.

"Họ đang tìm kiếm một nơi có pháp quyền và cũng sẽ không xem xét đơn của họ quá kỹ lưỡng, giúp họ dễ dàng chuyển tiền và có quốc tịch", ông nói.

Song đó không phải là rủi ro duy nhất.

Trừng phạt của Mỹ và EU

Từ năm 2014, Mỹ và EU đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, nhằm đáp trả việc Nga sáp nhập Crimea, các vụ tấn công mạng, tham nhũng và vi phạm nhân quyền.

"Ví dụ điển hình cho chuyện đó là vụ tấn công bằng chất độc thần kinh ở Salisbury, Anh, vào tháng 3/2018. Anh và Mỹ bắt đầu áp đặt các biện pháp trừng phạt mới và ngay lập tức, chúng ta thấy sự gia tăng đột biến dòng tiền chảy khỏi Nga, tìm kiếm những nơi an toàn", ông nói.

Năm 2014, VTB - thường được gọi là "Ngân hàng của Điện Kremlin" - và các công ty con của họ nằm trong số một vài ngân hàng lớn của Nga bị Mỹ và EU trừng phạt sau vụ sáp nhập Crimea.

Vụ sáp nhập Crimea đã khiến Nga hứng chịu trừng phạt từ phương Tây. Ảnh: Wikimedia Commons.

Tuy nhiên, Cyprus dường như không xem xét bất kỳ xung đột nào trong việc bán quyền công dân EU cho 3 lãnh đạo cao cấp của VTB - Victoria Vanurina, Vitaly Buzorevya và Alexsey Yakovitsky - họ được cấp hộ chiếu cùng ngày vào tháng 5/2018.

Danh sách 1.000 người Nga nói trên có một số người giàu nhất đất nước, trong đó Al Jazeera xác định được ít nhất 9 nhà tài phiệt, mỗi người đều có tài sản hơn 1 tỷ USD.

Hơn một chục người thân của họ hiện là công dân Cyprus, có thể chuyển tiền đi khắp nơi trên thế giới với ít nguy cơ bị gắn nhãn "rủi ro cao" vì họ giờ có thể sử dụng quyền công dân EU của mình.

Sau tiết lộ của Al Jazeera, đã có những lời kêu gọi thay đổi chương trình đầu tư đổi lấy quốc tịch mà Cyprus và một số quốc gia thành viên khác của EU áp dụng.

Trong bức thư gửi tới cao ủy tư pháp châu Âu, thành viên Nghị viện châu Âu Sophie in 't Veld cho biết "đã đến lúc Ủy ban (Tư pháp) cần hướng tới hành động quyết đoán hơn trên mặt trận này".

"Rõ ràng, tình hình đang trở nên không thể bào chữa được, không thể giải thích đối với các công dân EU, những người đấu tranh cho bình đẳng và chống tham nhũng", bức thư của bà Veld viết.

"Do đó, việc EU đưa ra chính sách và khung quy định tham vọng hơn là cần thiết".

Kinh tế thịnh vượng

Cyprus đã đẩy mạnh chương trình đầu tư đổi lấy quốc tịch để giải cứu nền kinh tế sau cuộc khủng hoảng mà nước này phải đối mặt vào năm 2013. Kể từ đó, 8 tỷ USD, phần lớn là từ người Nga, đã giữ cho nền kinh tế trụ vững.

Để đối phó với việc quá nhiều tiền di chuyển ra ngoài biên giới của mình, Nga đã cố gắng đảo ngược dòng tài chính, yêu cầu một thỏa thuận mới để tăng thuế phải trả cho tiền chuyển vào các ngân hàng Cyprus.

Chương trình đầu tư đổi lấy quốc tịch đã giúp nền kinh tế Cyprus phục hồi. Ảnh: Wikimedia Commons.

"Ông Putin ngày càng gây nhiều áp lực lên một số nhân vật cao cấp nhất trong giới kinh doanh để ngăn chặn việc chuyển tiền ra nước ngoài, và thay vào đó đầu tư vào Nga", chuyên gia Gould-Davies nói. "Dù ông ấy rất quyền lực, họ có thể lặng lẽ phớt lờ... ông đang tìm cách để gây khó khăn hơn".

Một nhóm doanh nhân giàu có, quan hệ rộng một thời, bị cáo buộc các tội tài chính nhưng hộ chiếu Cyprus đã giúp họ tránh xa tầm với của Nga.

Cựu giám đốc điều hành Gazprom, Nikolay Gornovskiy, là một trong số đó. Ông Gornovskiy đang bị Nga truy nã vì lạm dụng quyền lực, nhưng Anh cho đến nay vẫn từ chối dẫn độ ông.

Yuri Obodovsky, chủ một ngân hàng ở Nga, bị truy nã vì tội hối lộ và tham nhũng trong các hợp đồng đường sắt nhà nước. Ông này được cho là đang lẩn trốn ở Mỹ.

Cuối cùng, anh em Alexey và Dmitry Ananiev bị buộc tội tham ô tại ngân hàng mà họ thành lập. Dmitry sống ở Cyprus, Alexey sống ở London.

"Ngựa thành Troy"

Kể từ khi chương trình đầu tư đổi lấy quốc tịch ra đời vào năm 2013, EU thường xuyên chỉ trích, cho rằng đó là cửa sau để vào EU.

"Tội phạm đang gây nguy hiểm cho an ninh của châu Âu hoặc muốn tham gia vào hoạt động rửa tiền ở đây", Vera Jourova, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu năm 2018, nói. "Chúng tôi không muốn có những con ngựa thành Troy này trong Liên minh".

Do đó, Cyprus đã thay đổi các quy định của mình vào năm 2019 và gần đây nhất là vào tháng 7/2020, cho phép quốc gia này tước quyền công dân được bán cho bất kỳ ai hiện bị coi là gây tổn hại đến lợi ích quốc gia của Cyprus.

Trong một văn bản trả lời Al Jazeera, Bộ trưởng Nội vụ Cyprus, Nicos Nouris, tuyên bố: "Không có vụ cấp quốc tịch nào vi phạm quy định có hiệu lực vào thời điểm đã nêu".

"Cộng hòa Cyprus, với tư cách là quốc gia thành viên của EU, đang hoạt động với sự minh bạch tuyệt đối", ông nói thêm.

Đông Phong

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hon-1000-nguoi-nga-do-tien-mua-ho-chieu-vang-cua-cyprus-post1124217.html