Hơn 1.200 km đê chưa đạt yêu cầu về phòng, chống bão, lũ

Theo Vụ Quản lý đê điều (Tổng cục Phòng, chống thiên tai), hiện vẫn còn 244 km đê từ cấp III đến cấp đặc biệt thiếu cao trình, có khả năng bị tràn khi gặp lũ lớn; 726 km đê còn nhỏ, hẹp, chưa đủ yêu cầu so với thiết kế; hơn 12 km đê thường xuyên xảy ra mạch sủi, 66 km đê bị rò rỉ chưa được xử lý; 220 km kè bị hư hỏng, sạt lở và tồn tại 239 vị trí trọng điểm xung yếu cần phải xây dựng phương án bảo vệ.

Tàu Cảnh sát biển Việt Nam lai dắt tàu cá mang số hiệu BĐ 95861 - TS cùng các ngư dân gặp nạn trên biển vào bờ an toàn. Ảnh: CÔNG CƯỜNG

Theo Vụ Quản lý đê điều (Tổng cục Phòng, chống thiên tai), hiện vẫn còn 244 km đê từ cấp III đến cấp đặc biệt thiếu cao trình, có khả năng bị tràn khi gặp lũ lớn; 726 km đê còn nhỏ, hẹp, chưa đủ yêu cầu so với thiết kế; hơn 12 km đê thường xuyên xảy ra mạch sủi, 66 km đê bị rò rỉ chưa được xử lý; 220 km kè bị hư hỏng, sạt lở và tồn tại 239 vị trí trọng điểm xung yếu cần phải xây dựng phương án bảo vệ.

* Theo Tổng cục Phòng, chống thiên tai (PCTT), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu mùa lũ 2018 đến nay, đã có 1.548 ha lúa ở đồng bằng sông Cửu Long bị mất trắng; đáng chú ý, triều cường gây ngập lụt tại nhiều tỉnh. Các địa phương cần nâng cao kỹ năng ứng phó thiên tai của người dân; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo nhằm giảm nhẹ rủi ro... Hiện, thiên tai gây thiệt hại hơn 1% GDP quốc gia và có thể tăng từ 3 đến 5% GDP vào năm 2030.

* Huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình đã chuyển đổi những diện tích đất làm muối, cấy lúa năng suất thấp sang nuôi trồng thủy sản với tổng diện tích hơn 4.780 ha; sản lượng khai thác đạt hơn 24.500 tấn mỗi năm. Giá trị ngành thủy sản trung bình đạt 2.100 tỷ đồng.

* Từ năm 2014 đến nay, tỉnh Trà Vinh đã chuyển đổi gần 13.300 ha; trong đó, hơn 8.840 ha chuyển sang trồng màu, hơn 2.260 ha trồng cây ăn trái và dừa, hơn 740 ha trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản và gần 1.450 ha chuyên nuôi thủy sản. Phần lớn các mô hình chuyển đổi cho hiệu quả tăng từ 1,5 đến 4 lần so với trồng chuyên canh lúa trước đây.

* Cứu bảy thuyền viên gặp nạn trên biển

Sáng 14-10, tàu cá Bình Ðịnh mang số hiệu BÐ 95861-TS cùng bảy ngư dân được tàu Cảnh sát biển Việt Nam 4038 lai dắt vào bờ an toàn. Trước đó, ngày 12-10, tàu cá BÐ 95861-TS, công suất 410 CV, bị hỏng máy khi đang hoạt động ở vùng biển cách đông bắc Quy Nhơn 72 hải lý. Nhận được tín hiệu cấp cứu tàu Cảnh sát biển 4038 xuất phát từ đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đi cứu nạn tàu BÐ 95861-TS. Ðến 15 giờ 45 phút ngày 13-10, tàu Cảnh sát biển 4038 đã tiếp cận được với tàu bị nạn, lai dắt về bờ.

* Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, ở phía bắc có một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống phía nam. Hôm nay 15-10, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến một số nơi ở các tỉnh vùng núi phía bắc, đêm mai ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc Bộ và một số nơi thuộc Bắc Trung Bộ. Gió chuyển hướng đông bắc trong đất liền các tỉnh Ðông Bắc Bộ cấp 2, cấp 3. Do ảnh hưởng của không khí lạnh nén rãnh áp thấp, hôm nay mưa dông mở rộng ra các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa, riêng khu vực vùng núi Ðông Bắc và Việt Bắc mưa vừa, có nơi mưa to và dông mạnh. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

* Mực nước sông Cửu Long sẽ lên lại từ ngày 18-10. Ðến ngày 25-10, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu ở mức 3,05 m; tại Châu Ðốc ở mức 2,95 m, tại các trạm hạ lưu sông Cửu Long ở mức báo động 1 - báo động 2. Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp tại tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/37922602-hon-1-200-km-de-chua-dat-yeu-cau-ve-phong-chong-bao-lu.html