Hơn 1.800 tỷ đồng đầu tư xây dựng khu công nghiệp Dốc Đá Trắng (Khánh Hòa)

Dự án khu công nghiệp Dốc Đá Trắng có tổng vốn đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng trên địa bàn huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa do Viglacera Yên Mỹ là Chủ đầu tư.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 234/QĐ-TTg ngày 18/3/2024 chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Dốc Đá Trắng, tỉnh Khánh Hòa.

Công ty cổ phần phát triển khu công nghiệp Viglacera Yên Mỹ là nhà đầu tư Dự án. Dự án được triển khai tại xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh và xã Ninh Thọ, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa với tổng vốn đầu tư 1.807,474 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 271,121 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày 18/3/2024.

Dự án được triển khai tại xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh và xã Ninh Thọ, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa với tổng vốn đầu tư hơn 1.807 tỷ đồng. (Ảnh minh họa)

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về những nội dung được giao thẩm định chủ trương đầu tư dự án và thực hiện quản lý nhà nước về khu công nghiệp theo quy định của Luật Đầu tư và pháp luật có liên quan.

Các Bộ, ngành có liên quan chịu trách nhiệm về nội dung thẩm định chủ trương đầu tư dự án thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của Luật Đầu tư và pháp luật có liên quan.

Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa có trách nhiệm đảm bảo tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo, thống kê, kiểm kê đất đai và rừng, hiện trạng sử dụng đất và rừng, các nội dung thẩm định theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm về sự phù hợp của dự án với các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành.

Cập nhật vị trí và quy mô diện tích của khu công nghiệp Dốc Đá Trắng vào kế hoạch sử dụng đất tỉnh Khánh Hòa 05 năm 2021-2025 theo quy định của pháp luật về đất đai; tổ chức lập và phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp Dốc Đá Trắng theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Tổ chức xây dựng và thực hiện phương án thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cho thuê đất để thực hiện dự án phù hợp với các văn bản đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt về quy mô diện tích, địa điểm và tiến độ thực hiện dự án; đảm bảo không có tranh chấp, khiếu kiện về quyền sử dụng địa điểm thực hiện dự án; có kế hoạch bổ sung diện tích đất hoặc tăng hiệu quả sử dụng đất trồng lúa khác để bù lại đất trồng lúa bị chuyển đổi theo quy định tại khoản 1 Điều 134 Luật Đất đai.

Trường hợp trong khu vực thực hiện dự án có tài sản công, đề nghị thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, đảm bảo không thất thoát tài sản nhà nước.

Việc giao đất, cho thuê đất đối với các thửa đất nhỏ, hẹp do Nhà nước quản lý (nếu có) cần đảm bảo đáp ứng tiêu chí theo quy định tại khoản 1 Điều 14a Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đất đai (được bổ sung tại khoản 11 Điều 1 Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai).

Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo Ban Quản lý khu kinh tế Vân Phong và các cơ quan có liên quan rà soát, đảm bảo khu vực thực hiện dự án phù hợp với yêu cầu bảo vệ, phát huy giá trị của di sản văn hóa và các điều kiện theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát nhà đầu tư thực hiện theo quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp Dốc Đá Trắng được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hoàn thành thủ tục xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng; đảm bảo địa điểm, quy mô diện tích của dự án phù hợp với chủ trương đầu tư dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; cơ cấu sử dụng đất của dự án và khoảng cách an toàn về môi trường tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng và quy định khác của pháp luật có liên quan; thu hút các dự án đầu tư vào khu công nghiệp phù hợp định hướng phát triển vùng và liên kết vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa yêu cầu nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án nếu phát hiện khoáng sản có giá trị cao hơn khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường thì phải báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật về khoáng sản; phối hợp trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và đầu tư xây dựng nhà ở công nhân, các công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp; tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa.

Cùng với đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa kiểm tra, xác định nhà đầu tư đáp ứng điều kiện được Nhà nước cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất tại thời điểm cho thuê đất; giám sát chặt chẽ tiến độ thực hiện dự án, việc sử dụng vốn góp chủ sở hữu theo cam kết để thực hiện dự án và việc đáp ứng đủ các điều kiện của nhà đầu tư theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 02/2022/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản khi thực hiện hoạt động kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp.

Công ty cổ phần phát triển khu công nghiệp Viglacera Yên Mỹ (nhà đầu tư) có trách nhiệm chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, chính xác, trung thực của nội dung hồ sơ dự án và văn bản gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Sử dụng vốn góp chủ sở hữu theo đúng cam kết để thực hiện dự án và tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan; đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 02/2022/NĐ-CP khi thực hiện hoạt động kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp.

Nhà đầu tư chỉ được thực hiện dự án sau khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, bao gồm được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa và có trách nhiệm nộp một khoản tiền để bảo vệ, phát triển đất trồng lúa theo quy định tại khoản 3 Điều 134 Luật Đất đai và Điều 45 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP. Thực hiện đầy đủ các thủ tục về bảo vệ môi trường theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn có liên quan...

Theo Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 29/3/2023, diện tích đất phân bổ cho khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030 khoảng 1.120 ha, gồm 03 khu công nghiệp hiện có và 02 khu công nghiệp dự kiến mở rộng, phát triển mới. Trong đó 03 khu công nghiệp hiện có là Khu công nghiệp Suối Dầu (huyện Cam Lâm, 137 ha); Khu công nghiệp Ninh Thủy (thị xã Ninh Hòa, 208 ha); Khu công nghiệp Dốc Đá Trắng (huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa, 288 ha). 02 khu công nghiệp đang triển khai và phát triển mới đến năm 2030 gồm: Khu công nghiệp Nam Cam Ranh (Thành phố Cam Ranh, 352ha); Khu công nghiệp Ninh Diêm 3 giai đoạn 1 (thị xã Ninh Hòa, 135ha).

Giai đoạn sau năm 2030, tỉnh Khánh Hòa dự kiến mở rộng, phát triển mới thêm 10 khu công nghiệp với diện tích đất phân bổ khoảng 3.320 ha. Các khu công nghiệp này bao gồm: Khu công nghiệp Ninh Diêm 1 (thị xã Ninh Hòa, 250 ha); Khu công nghiệp Ninh Diêm 2, 215 ha); Khu công nghiệp Ninh Diêm 3 giai đoạn 2 (thị xã Ninh Hòa, 155 ha); Khu công nghiệp Ninh Thọ (thị xã Ninh Hòa, 370 ha); Khu công nghiệp Ninh Sơn (thị xã Ninh Hòa, 480 ha); Khu công nghiệp Diên Thọ (huyện Diên Khánh, 300 ha); Khu công nghiệp Ninh An (thị xã Ninh Hòa, 150 ha); Khu công nghiệp Xuân Sơn (huyện Vạn Ninh, 200 ha); Khu công nghiệp Vạn Lương (huyện Vạn Ninh, 200 ha); Khu công nghiệp Ninh Xuân (thị xã Ninh Hòa, 1.000 ha).

Thanh Hà

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.com.vn/bai-viet/hon-1800-ty-dong-dau-tu-xay-dung-khu-cong-nghiep-doc-da-trang-khanh-hoa-118238.htm