Hơn 1.900 tỷ USD của Nhật Bản bị 'đóng băng' do bệnh mất trí nhớ

Số tiền tương đương 40% GDP của Nhật Bản. Đây là tài sản ước tính của người già bị mất trí nhớ tại Nhật Bản tính đến năm 2030.

Hơn 1.900 tỷ USD, tương đương 40% GDP của Nhật Bản có thể sẽ bị "đóng băng". Đây là tài sản ước tính của người già bị mất trí nhớ tại Nhật Bản tính đến năm 2030.

Hiện số tài sản bị "đóng băng" này đã lên tới 1.300 tỷ USD. Dẫn nguồn dữ liệu từ Viện nghiên cứu kinh tế đời sống Daiichi, tài sản dưới dạng tiền tiết kiệm của những người mắc bệnh mất trí nhớ đang tăng nhanh do tình trạng già hóa dân số. Ước tính vào năm 2030, số tài sản này đạt tới 215.000 tỷ Yen, gấp 1,5 lần hiện nay và tương đương 40% GDP của Nhật Bản. Số tiền này nếu bị "đóng băng" sẽ trở thành gánh nặng cho kinh tế Nhật Bản và khu vực.

Một giải pháp được nhiều chuyên gia đưa ra, hiện số người già sống một mình, xa người thân ngày càng tăng nên cần mở rộng đối tượng có thể trở thành người giám hộ cho cả những người quen biết.

Để bảo vệ tài sản của người bị mất trí nhớ và ngăn chặn hành vi bất chính của người giám hộ, cần thiết phải có sự phối hợp của 3 cơ quan là Hiệp hội ngân hàng Nhật Bản, Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính. Những người già sẽ được mở 2 tài khoản song song, một tài khoản dành cho sinh hoạt phí, một tài khoản tiết kiệm. Cơ quan tài chính và tòa án gia đình sẽ giám sát chặt chẽ hoạt động của người giám hộ đối với tài khoản tiết kiệm của người bị mất trí nhớ.

Viện nghiên cứu Mizuho, theo đó, cổ phiếu thuộc sở hữu của người già mất trí nhớ cũng đang trở thành gánh nặng đối với thị trường chứng khoán Nhật Bản. Dự báo đến năm 2035, giá trị cổ phiếu được nắm giữ bởi người già mất trí nhớ có thể chiếm đến 15% tổng giá trị cổ phiếu trên thị trường. Vì thế, cơ chế chuyển tài sản cho người trẻ hơn quản lý hoặc kêu gọi sự hiến tặng là việc cần thiết phải có.

Nhìn vào sơ đồ tỷ lệ nắm giữ tài sản theo độ tuổi do Viện nghiên cứu an sinh xã hội và nhân khẩu học đưa ra, tỷ lệ tài sản do người trên 75 tuổi nắm giữ ngày càng tăng và là thành phần nắm giữ nhiều tài sản nhất của Nhật Bản. Do đó, chính sách cần thiết phải có các dịch vụ như quản lý tài sản và các sản phẩm hướng đến các nhà đầu tư cao tuổi.

Thêm những thông tin về sự già hóa dân số của Nhật Bản, báo cáo mới nhất của IMF cho thấy sự già hóa dân số của Nhật sẽ khiến tăng trưởng GDP bình quân giảm 1 điểm phần trăm mỗi năm trong vòng 30 năm tới.

Đồng quan điểm trên, nghiên cứu của tờ Financial Times cho thấy dân số Nhật Bản giảm hơn 11% trong giai đoạn 2000-2018. Đây là điều khá buồn cho nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới khi dân số Mỹ, nền kinh tế số 1, tăng 16% còn Anh tăng 13%, Canada tăng 21%.

Tăng trưởng GDP bình quân 1988-2018 của nhóm G7

Nếu tính từ năm 2010, Nhật Bản đã mất đi 1,3 triệu người do quá trình lão hóa dân số. Đến năm 2065, Liên Hiệp Quốc dự báo dân số Nhật Bản sẽ còn giảm thêm 28 triệu người, tương đương mức suy giảm 22%. Trái ngược lại, các nền kinh tế phát triển được dự báo sẽ tăng 3% dân số trong cùng kỳ.

Không chỉ suy giảm lực lượng lao động, chất lượng nguồn nhân viên Nhật cũng suy giảm do già hóa dân số. Kể từ năm 2000, trong khi dân số thuộc độ tuổi lao động tại Mỹ tăng 13% thì Nhật Bản lại giảm với tỷ lệ tương tự. Tính đến năm 2040, hơn 1/3 số người Nhật sẽ lớn hơn 65 tuổi, mức cao nhất trên thế giới.

Tồi tệ hơn, chuyên gia kinh tế trưởng Rob Carnell của ING tại Châu Á Thái Bình Dương nhận định với dân số già nhanh như hiện nay, ngay cả khi năng suất tăng thì GDP Nhật vẫn sẽ giảm đều qua từng năm. Trớ trêu thay, việc giảm dân số khiến GDP bình quân đầu người của nước này lại khả quan hơn.

Nguồn Nikkei Asean Review

Diễm Quỳnh

Nguồn NCĐT: https://nhipcaudautu.vn/song/hon-1900-ty-usd-cua-nhat-ban-bi-dong-bang-do-benh-mat-tri-nho-3325693/