Hơn 1 tiếng 'cân não' bảo tồn tử cung và cứu mẹ con sản phụ bị rau bong non

Khi đang mang thai ở tuần 33, sản phụ được xác định bị rau bong non thể nặng. Sau hơn 1 tiếng ''cân não'', kíp mổ đã cứu sống mẹ con sản phụ, đồng thời bảo tồn tử cung cho mẹ.

Ngày 17/4, bác sĩ Vũ Thị Dung, Trưởng khoa Điều trị theo yêu cầu (BV Việt Nam - Thụy Điển, Uông Bí, Quảng Ninh) cho biết, BV vừa phẫu thuật cấp cứu cứu sống mẹ con sản phụ Nguyễn Thị Thùy (23 tuổi, thị xã Đông Triều, Quảng Ninh) bị rau bong non thể nặng.

Trước đó, khi đang mang thai ở tuần 33, sản phụ đột nhiên thấy ra máu nhiều vùng âm đạo, đau bụng dữ dội và ngay lập tức được gia đình đưa tới BV cấp cứu.

Theo bác sĩ Dung, sản phụ nhập viện trong tình trạng ra máu nhiều vùng âm đạo, đau bụng dữ dội, rối loạn cơn co tử cung, rối loạn nhịp tim thai. Kết quả siêu âm cho thấy, vùng tử cung của sản phụ có khối máu tụ sau bánh rau đường kính 7x10cm. Đây là biểu hiện của bánh rau đã bong, rất nguy hiểm cho thai nhi nên BV chỉ định phẫu thuật cấp cứu. Kíp phẫu thuật đã lấy ra em bé nặng hơn 2kg.

Sau phẫu thuật, sức khỏe của mẹ con sản phụ đã ổn định

Sau phẫu thuật, sức khỏe của mẹ con sản phụ đã ổn định

Tuy nhiên, tử cung của sản phụ bị tụ huyết nhiều vị trí. Thậm chí, vị trí bị tụ huyết lớn nhất lên đến 7cm, toàn bộ phần đáy tử cung tím đen do máu tụ. Vì vâỵ̣, sau khi lấy thành công thai nhi, bài toán đặt ra với kíp mổ là bảo tồn hay cắt bỏ tử cung của sản phụ.

Do sản phụ mang thai lần đầu và còn rất trẻ, vì vậy các bác sĩ đã sử dụng nhiều phương pháp như điều chỉnh rối loạn đông cầm máu, loại bỏ huyết khối máu tụ để đảm bảo sức khỏe mà vẫn bảo tồn được tử cung cho người bệnh. Tổng thời gian cả phẫu thuật lấy thai và bảo tồn tử cung cho sản phụ thực hiện trong hơn 1 tiếng đồng hồ.

Sau 10 ngày điều trị, hiện tại sức khỏe 2 mẹ con sản phụ Thùy ổn định.

Các chuyên gia cho biết, rau bong non thường chỉ xuất hiện ở những sản phụ có tiền sử cao huyết áp thai kì, tiền sản giật hoặc sau chấn thương mạnh vùng tử cung bị va đập, tai nạn và một số bệnh mạn tính thiếu máu. Vì vậy, những sản phụ có tiền sử trên khi mang thai cần đi khám định kỳ để được các bác sĩ tư vấn, theo dõi, tránh tai biến đáng tiếc có thể xảy ra..

Linh Trần

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/ky-nang/hon-1-tieng-can-nao-bao-ton-tu-cung-va-cuu-me-con-san-phu-bi-rau-bong-non-post58129.html