Hơn 1 triệu người tử vong do COVID-19

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 10h45' ngày 28/9 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 33.306.022 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.002.389 ca tử vong. Số bệnh nhân bình phục hiện nay là 24.637.458 người.

Ba quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch COVID-19 lần lượt là Mỹ với hơn 7,32 triệu ca mắc bệnh, trong đó có 209.453 ca tử vong; Ấn Độ với hơn 6,07 triệu ca mắc, trong đó có 95.574 ca tử vong; Brazil với hơn 4,73 triệu ca mắc, trong đó có 141.776 ca không qua khỏi.

Châu Mỹ hiện ghi nhận 16.659.550 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 556.426 ca tử vong và 12.315.294 bệnh nhân bình phục.

Ở Mỹ, kết quả một nghiên cứu mới trên hàng chục nghìn mẫu máu cho thấy gần 1/10 người dân nước này có thể đã nhiễm COVID-19.

Cụ thể, các nhà khoa học tại Đại học Y khoa Stanford đã xét nghiệm huyết tương của hơn 28.500 bệnh nhân tại các trung tâm lọc máu thận vào tháng 7, thời kỳ đỉnh điểm thứ hai của đại dịch COVID-19 ở Mỹ. Nghiên cứu cho thấy, khoảng 9,3% các mẫu có bằng chứng về sự lây nhiễm của virus.

Phát hiện trên cho thấy, một tỉ lệ rất lớn người Mỹ vẫn còn có thể lây nhiễm virus này, đồng thời khả năng có hàng triệu ca nhiễm mà không được phát hiện. Ngay cả khi năng lực xét nghiệm được nâng cao, hàng chục triệu người Mỹ vẫn có khả năng mắc COVID-19 mà không biết.

Tại châu Á, đến nay, số ca nhiễm COVID-19 đã vượt 10 triệu người, lên 10.297.370, trong đó có 189.527 trường hợp tử vong và 8.591.181 bệnh nhân bình phục.

Trong những ngày qua, Ấn Độ tiếp tục duy trì số ca nhiễm mới trong ngày ở mức hơn 80.000 ca, là quốc gia có số ca nhiễm mới mỗi ngày cao nhất thế giới. Cho đến nay, số ca nhiễm mới ở Ấn Độ chiếm 3/5 tổng số ca nhiễm toàn châu lục.

Khu vực châu Âu đang ghi nhận số ca nhiễm mới ở nhiều nước tăng mạnh trở lại. Đến nay, châu lục này ghi nhận 4.849.779 ca nhiễm COVID-19 với 220.291 trường hợp tử vong và 2.488.997 bệnh nhân bình phục.

Chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất khu vực và cao thứ 4 thế giới là Nga với 1.151.438 bệnh nhân nhiễm COVID-19, trong đó, số người không qua khỏi là 20.324. Nga đang chứng kiến số ca nhiễm tăng mạnh trong những ngày gần đây. Trong 24 giờ qua, Nga ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất kể từ ngày 20/6 với 7.867 trường hợp, nghiêm trọng nhất là ở Moscow, nơi có số ca nhiễm cao nhất kể từ cuối tháng 6.

Hôm 25/9, Thị trưởng thủ đô Moscow Sergei Sobyanin đã buộc phải yêu cầu người lớn tuổi ở trong nhà và đề nghị giới chủ cho nhân viên làm việc ở nhà, cảnh báo rằng, việc đồng thời cảm lạnh và nhiễm COVID-19 khi mùa Đông đang tới rất nguy hiểm đối với người có tuổi và những người thể trạng yếu.

Tại Australia, bang Victoria, điểm nóng dịch bệnh của quốc gia này, đã lần đầu tiên trong 3 tháng ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức một con số. Cụ thể, trong 24 giờ qua, bang Victoria ghi nhận thêm 4 ca nhiễm mới và 3 ca tử vong, thấp hơn nhiều so với con số 700 ca nhiễm mới vào đầu tháng 8. Thủ tướng Australia Scott Morrison tuyên bố bang này cần nỗ lực hơn nữa nhằm đẩy mạnh việc nới lỏng các biện pháp hạn chế trong những tuần tới. Dự kiến khoảng 127.000 lao động tại bang Victoria sẽ quay lại làm việc trong ngày 28/9.

Liên quan đến nguồn gốc virus, trong cuộc họp báo về đại dịch COVID-19, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định virus này "xuất phát từ tự nhiên". Ông nêu rõ: "WHO tin vào khoa học và bằng chứng thực tế, vì vậy chúng tôi kêu gọi thúc đẩy khoa học, giải pháp và đoàn kết".

BT

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/quocte/hon-1-trieu-nguoi-tu-vong-do-covid19/408773.vgp