Hơn 1 triệu người xuống đường biểu tình ở Pháp

Người biểu tình đã đụng độ với lực lượng an ninh Pháp hôm 23/3, đánh dấu vụ bạo lực nghiêm trọng nhất trong phong trào chống lại cải cách hưu trí gây tranh cãi của Tổng thống Emmanuel Macron kéo dài 3 tháng qua.

Người biểu tình che chắn hơi cay bằng ô trong khi đụng độ với cảnh sát chống bạo động, trong cuộc biểu tình ở Nantes, miền Tây nước Pháp, hôm 23/3. Ảnh: AP

Theo Bộ Nội vụ Pháp, cuộc tuần hành biến thành bạo lực ở Paris hôm 23/3 đã thu hút 119.000 người, là một kỷ lục đối với thủ đô nước này trong các cuộc biểu tình về lương hưu. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Gerald Darmanin đã đến thăm trụ sở cảnh sát vào tối thứ Năm khi lửa vẫn cháy tại một số khu phố ở Paris, rất lâu sau khi cuộc tuần hành kết thúc.

Thăm dò cho thấy hầu hết người Pháp phản đối dự luật của Tổng thống Emmanuel Macron tăng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64 - điều mà ông cho là cần thiết để duy trì nền kinh tế. Dựa trên số lượng cử tri phản đối mạnh mẽ, các công đoàn đã nhanh chóng kêu gọi tổ chức các cuộc biểu tình và đình công mới vào đầu tuần tới, khi Vua Charles III của Vương quốc Anh dự kiến công du Pháp, cũng là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên mà ông thực hiện với tư cách là một vị vua.

Tháp Eiffel và Cung điện Versailles, nơi Quốc vương Anh dự kiến sẽ dùng bữa với ông Macron, đã phải đóng cửa hôm 23/3 do các cuộc đình công. Cánh cửa gỗ của Tòa thị chính ở Bordeaux, nơi Vua Charles III sẽ đến thăm vào ngày 28/3, đã bị đốt cháy bởi một người biểu tình quá khích. Trên toàn quốc, Bộ nội vụ ước tính có hơn 1 triệu người đã tham gia các cuộc tuần hành phản đối được tổ chức tại nhiều thành phố và thị trấn hôm 23/3.

Sự kiện hôm thứ Năm là cuộc biểu tình thứ 9 do công đoàn tổ chức kể từ tháng Giêng năm nay. Nó diễn ra chỉ một ngày sau khi ông Macron tiếp tục chọc giận những người chỉ trích ông bằng cách kiên quyết ủng hộ dự luật hưu trí mà Chính phủ của ông đã buộc Quốc hội phải thông qua mà không cần bỏ phiếu.

Những người phản đối cũng đề xuất các giải pháp khác, bao gồm đánh thuế cao hơn đối với những người giàu có hoặc các công ty - điều mà ông Macron cho rằng sẽ gây tổn hại với nền kinh tế. Trong một cuộc phỏng vấn hôm 22/3, Tổng thống Pháp khẳng định dự luật tăng tuổi nghỉ hưu của Chính phủ phải được thực hiện vào cuối năm nay.

Tại Paris, các cuộc đụng độ trên đường phố giữa cảnh sát và các nhóm đeo mặt nạ đen đã tấn công ít nhất 2 nhà hàng thức ăn nhanh, 1 siêu thị và 1 ngân hàng. Cảnh sát, bị ném bởi các đồ vật và pháo hoa, đã sử dụng hơi cay để giải tán những kẻ bạo loạn. Cảnh sát ước tính "các phần tử cực đoan" vào khoảng 1.000 người.

Bạo lực đã làm hỏng các cuộc tuần hành ôn hòa khác. Đáng chú ý, ở các thành phố phía Tây Nantes, Rennes và Lorient, một số tòa nhà hành chính đã bị tấn công, trong khi sân của đồn cảnh sát ở Lyon bị phóng hỏa và đập phá.

Những người biểu tình hôm 23/3 cũng đã phong tỏa các nhà ga xe lửa, sân bay Charles de Gaulle ở Paris, các nhà máy lọc dầu và cảng, cản trở đáng kể nhiều hoạt động thường nhật. Khoảng 30% chuyến bay tại sân bay Orly ở Paris đã bị hủy.

Ở vùng ngoại ô phía Bắc Paris, hàng chục thành viên công đoàn đã chặn một bến xe buýt ở Pantin, ngăn không cho khoảng 200 phương tiện ra vào giờ cao điểm. Nadia Belhoum, một tài xế xe buýt 48 tuổi tham gia hành động này, đã chỉ trích quyết định của Tổng thống Macron: "Tổng thống của nền cộng hòa... không phải là một vị vua. Ông ấy nên lắng nghe người dân của mình".

Nam Trung

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/hon-1-trieu-nguoi-xuong-duong-bieu-tinh-o-phap.html