Hơn 100 đoàn hành hương về dự Lễ hội Tháp Bà Ponagar năm 2023

Hơn 100 đoàn hành hương từ các tỉnh, thành trong cả nước đã về dự Lễ hội Tháp Bà Ponagar năm 2023.

Sáng 10/5, Lễ hội Tháp Bà Ponagar năm 2023 chính thức được khai mạc. Đông đảo người dân các tỉnh, thành trong cả nước và du khách đã về dự lễ.

Theo truyền thuyết, Thiên Y A Na Thánh Mẫu (người Chăm gọi là Po Inư Nagar) là người “Mẹ xứ sở”, có công dạy nhân dân cách làm ăn, giáo hóa văn minh, đem lại cuộc sống hòa bình, no đủ. Bà là vị phúc thần của nhân dân Khánh Hòa, các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, được nhân dân tôn kính, thờ phụng.

Biểu diễn múa Chăm tại Lễ khai mạc Tháp Bà Ponagar năm 2023.

Biểu diễn múa Chăm tại Lễ khai mạc Tháp Bà Ponagar năm 2023.

Ông Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa đánh trống khai hội Tháp Bà Ponagar năm 2023.

Sau phần diễn văn khai mạc của đại diện ban tổ chức lễ hội, ông Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa đã đánh hồi trống khai hội Tháp Bà Ponagar năm 2023. Các đại biểu dâng hương tưởng nhớ công lao của Thiên Y Ana Thánh Mẫu và cầu mong cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cuộc sống bình yên.

Lễ hội Tháp Bà Ponagar năm nay diễn ra từ ngày 9 đến 12/5 (ngày 20-23/3 âm lịch), với các hoạt động nghi thức như lễ thay y Mẫu, lễ cầu quốc thái dân an, lễ thí thực, lễ cúng giờ Tý, lễ tế cổ truyền cùng hoạt động dâng hương lễ Mẫu, múa dâng Mẫu của các đoàn hành hương.

Đông đảo người dân và du khách về dâng hương, cúng Mẫu.

Đoàn người xếp hàng chờ vào tháp chính dâng lễ.

Ông Lê Văn Hoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa cho biết, năm nay, có hơn 100 đoàn hành hương trong và ngoài tỉnh đã đăng ký với ban tổ chức về dự lễ, dâng hương tại tháp. Các đoàn được ban tổ chức sắp xếp vào viếng lễ Mẫu trong tháp chính. Đồng thời, ban tổ chức bố trí cho các đoàn đến múa biểu diễn nghệ thuật nhằm tán dương công đức của Thiên Y Ana Thánh Mẫu; cầu cho mưa thuận gió hòa, ấm no hạnh phúc.

Bên cạnh các nghi thức tín ngưỡng, tại Lễ hội Tháp Bà Ponagar còn có nhiều hoạt động văn hóa như diễn tuồng, múa Chăm, dệt vải… nhằm tôn vinh những giá trị trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Chăm cũng như đồng bào các dân tộc vùng Nam Trung Bộ.

Người dân dâng hương lễ Mẫu.

Đồng bào người Chăm sửa soạn lễ cúng.

Ông Quảng Đại Diện (trú Tp.Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận) cho biết, Lễ hội Tháp Bà Ponagar cũng là lễ đầu năm mới của người Chăm và còn tồn tại đến bây giờ là điều đáng mừng. Lễ hội với ý nghĩa cầu mưa, cầu may với các hoạt động ngư nghiệp, nông nghiệp…

Du khách nước ngoài tham quan tại lễ hội.

Du khách chụp hình lưu niệm với nghệ nhân người Chăm.

Hàng ngàn người dân và du khách về dự lễ, dâng hương, cúng Mẫu.

Tháp Bà Ponagar tọa lạc trên đồi Cù Lao thuộc phường Vĩnh Phước, Tp.Nha Trang. Nơi đây là trung tâm tôn giáo thờ Nữ thần Ponagar (người Mẹ xứ sở của dân tộc Chăm) và được người Việt tiếp tục gìn giữ, phát triển làm nơi thờ Thiên Y Thánh Mẫu của cộng đồng cư dân khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Với những giá trị tiêu biểu, di tích đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1979.

Lễ hội Tháp Bà Ponagar diễn ra hàng năm từ ngày 20-23/3 âm lịch và được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2012.

Tháp Bà Ponagar được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1979.

Châu Tường

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/hon-100-doan-hanh-huong-ve-du-le-hoi-thap-ba-ponagar-nam-2023-a607109.html