Hơn 11.000 người nhập cảnh trái phép từ đầu năm

Nhiều đường dây nhập cảnh trái phép sử dụng người dân bản địa làm 'chim mồi'. Họ theo dõi lực lượng chức năng để tìm cơ hội đưa người vượt biên.

Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho hay từ đầu năm đến nay, lực lượng biên phòng các tỉnh, thành phố trên toàn quốc đã xử lý hơn 3.200 vụ xuất nhập cảnh trái phép, bắt giữ hơn 17.600 người.

Riêng hành vi nhập cảnh trái phép, lực lượng này ghi nhận 2.586 vụ với tổng cộng hơn 11.200 người.

Chủ yếu diễn ra ở phía Bắc

Theo số liệu của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, trong 4 tháng đầu năm, cơ quan chức năng đã khởi tố 52 vụ án hình sự xuất, nhập cảnh trái phép, điều tra 127 bị can. Ngoài ra, nhà chức trách xử phạt hành chính hơn 9.200 người với tổng số tiền hơn 30 tỷ đồng.

So với khu vực giáp ranh với Lào và Campuchia, biên giới Việt Nam - Trung Quốc có số vụ xuất nhập cảnh trái phép nhiều hơn hẳn, với hơn 1.700 vụ và gần 14.000 người.

Trong 5 tháng qua, biên giới tiếp giáp Campuchia và Lào lần lượt ghi nhận hơn 2.500 và 1.000 người xuất nhập cảnh trái phép.

 Nhóm người Trung Quốc nhập cảnh, cư trú bất hợp pháp tại Hà Nội. Ảnh: An ninh Thủ đô.

Nhóm người Trung Quốc nhập cảnh, cư trú bất hợp pháp tại Hà Nội. Ảnh: An ninh Thủ đô.

Trong hơn 17.600 người xuất nhập cảnh trái phép từ đầu năm, có hơn 16.800 người Việt Nam, 664 công dân Trung Quốc, còn lại là người đến từ Lào, Campuchia, Nigieria..

Theo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, thời gian vừa qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và các nước trong khu vực diễn biến phức tạp, đã góp phần dẫn đến tình trạng trên.

"Các hoạt động xuất nhập cảnh bị hạn chế, làm ảnh hưởng đến nhu cầu mưu sinh, dẫn đến hoạt động xuất nhập cảnh trái phép của người Việt Nam và người nước ngoài có hướng gia tăng, phức tạp", Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho hay.

"Chim mồi" theo dõi lực lượng chức năng

Theo cơ quan chức năng, công tác phòng chống xuất nhập cảnh trái phép gặp nhiều khó khăn. Kẻ chủ mưu, cầm đầu thường ở nước ngoài. Họ móc nối, hướng dẫn người xuất nhập cảnh trái phép qua mạng xã hội.

Thông qua người Việt Nam, kẻ cầm đầu tổ chức đường dây có tính chuyên nghiệp. Họ bố trí, phân công người theo từng đoạn và tổ chức đưa đón, dẫn đường cho người nhập cảnh trái phép di chuyển từ biên giới vào nội địa.

Việc tuần tra dọc biên giới Tây Nam đang được lực lượng chức năng triển khai 24/24. Ảnh: Phạm Ngôn.

Nói về "chim mồi" đưa dẫn người xuất nhập cảnh trái phép, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết họ chủ yếu là công dân địa phương thông thạo địa hình khu vực biên giới. Một số người đứng ra móc nối hoặc trực tiếp kinh doanh dịch vụ nhà hàng, khách sạn, vận tải... để tiếp xúc người muốn xuất nhập cảnh trái phép.

Chia sẻ với Zing, một cán bộ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai cho biết các vụ xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc hầu hết có người Việt Nam làm "chim mồi".

"Họ theo dõi hoạt động, thời gian đi tuần của lực lượng bộ đội rồi nhằm lúc sơ hở để dẫn người qua biên giới. Với những trường hợp được người địa phương trực tiếp hướng dẫn, lực lượng chức năng rất khó để bắt hay ngăn chặn", vị cán bộ nói.

Chia sẻ thêm, vị này cho biết đường biên giới tại tỉnh này gồm đất liền và sông, suối. Đường đất liền thường là núi cao, rừng rậm, còn sông, suối rất nhỏ, nước nông, mùa cạn chỉ cần lội bộ cũng sang được biên giới nước láng giềng.

"Ở vùng tiếp giáp, nhân dân 2 nước thường có mối quan hệ thân thiết từ lâu. Có những nơi họ coi nhau như người quen, người thân và qua lại thường xuyên, không thông qua các chốt hay đồn", vị cán bộ nói.

Phần biên giới đất liền thường là núi cao, rừng sâu. Ảnh: Việt Linh.

Công tác xử lý, xử phạt những người xuất nhập cảnh trái phép tại vùng biên cũng gặp nhiều khó khăn. Người dân không có tiền để nộp phạt nên nhiều lần lực lượng chức năng lập biên bản rồi nộp tiền thay người vi phạm.

Về tình trạng xuất nhập cảnh trái phép thời gian tới, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng nhận định tình hình sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, địa bàn trọng điểm vẫn là các tỉnh tuyến biên giới phía Bắc, Tây Nam.

"Tình hình dịch bệnh tại các nước trong khu vực ngày càng nghiêm trọng. Chính phủ các nước sẽ tiếp tục phong tỏa biên giới dẫn đến thiếu việc làm. Các đường dây đưa, dẫn người nhập cảnh trái phép sẽ sử dụng nhiều phương thức thủ đoạn tinh vi hơn để thu lợi bất chính hoặc có thể lợi dụng dụ dỗ, lôi kéo người ra nước ngoài lao động", Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đánh giá.

Hải Nam

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hon-11000-nguoi-nhap-canh-trai-phep-tu-dau-nam-post1212329.html