Hơn 14.000 tỷ đồng đầu tư cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh được huy động từ đâu?

Dự án cao tốc Đồng Đăng- Trà Lĩnh được triển khai theo hình thức đối tác công tư (PPP) với tổng mức đầu tư giai đoạn 14.167 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn nhà đầu tư huy động hơn 3.553 tỷ đồng (gồm: VPBank đồng ý cấp nguồn tín dụng 2.500 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư tự thu xếp hơn 1.000 tỷ đồng); vốn ngân sách Nhà nước 9.800 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu 814 tỷ đồng.

Dự án điểm về phương thức đối tác công tư (PPP), dài hơn 93km

Ngày đầu tiên của năm mới 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát lệnh khởi công Dự án đầu tư tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng).

Cao tốc Đồng Đăng- Trà Lĩnh có chiều dài 93,35km, điểm đầu tại tại nút giao cửa khẩu Tân Thanh - huyện Văn Lãng - tỉnh Lạng Sơn và điểm cuối tại nút giao Quốc lộ 3 thuộc xã Chí Thảo - huyện Quảng Hòa - tỉnh Cao Bằng.

Dự án được phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, tuyến cao tốc được triển khai theo tiêu chuẩn TCVN 5729-2012, vận tốc thiết kế 80 km/h, bề rộng mặt cắt ngang nền đường 17m đối với các đoạn thông thường và 13,5m đối với các đoạn phức tạp.

Phối cảnh cao tốc Đồng Đăng- Trà Lĩnh (Ảnh: Chủ đầu tư)

Tỉnh Cao Bằng là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện dự án.

Liên danh Tập đoàn Đèo Cả - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng ICV Việt Nam - Công ty CP đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) - Công ty CP Xây dựng Công trình 568 là nhà đầu tư dự án theo hình thức PPP, hợp đồng BOT theo quyết định số 1629/QĐ-UBND của UBND tỉnh Cao Bằng.

Ngày 15/11/2021, trong buổi làm việc với tỉnh Cao Bằng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu địa phương dồn toàn lực để thực hiện dự án, không đầu tư dàn trải, manh mún. Dự án điểm về phương thức đối tác công tư (PPP) này cũng được Thủ tướng chỉ đạo khởi công vào ngày đầu năm 2024, tạo ra cú hích thúc đẩy hơn nữa tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, “chỉ tiến không lùi” cho ngành giao thông.

Phát biểu chỉ đạo tại lễ khởi công ngày 1/1/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Tôi có niềm tin rất lớn rằng đây sẽ là một dự án hợp tác công tư thí điểm, từ đó nhân rộng mô hình đầu tư đối tác công tư tạo ra một “cao tốc đối ngoại huyền thoại” kết nối các trung tâm trong nước và quốc tế”.

Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của Dự án là 14.331 tỷ đồng, thời gian thực hiện 36 tháng.

Mô hình huy động vốn của Dự án Cao tốc Đồng Đăng- Trà Lĩnh

Mô hình huy động vốn Dự án cao tốc Đồng Đăng- Trà Lĩnh từ 3 nguồn cụ thể, gồm:

Thứ nhất, vốn ngân sách Nhà nước. Theo Quyết định số 106/2023/QH15 ngày 28/11/2023, tỷ lệ vốn ngân sách nhà nước tham gia dự án không vượt quá 70% tổng mức đầu tư của dự án. Trên cơ sở tính toán về phương án tài chính và sự phù hợp với tính khả thi để có thể thu xếp vốn nhưng đảm bảo tiết kiệm tối đa cho ngân sách nhà nước, UBND tỉnh Cao Bằng đề xuất vốn ngân sách tham gia khoảng 9.800 tỷ đồng (chiếm 68,76% tổng mức đầu tư). Trong 9.800 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước có: vốn ngân sách Trung ương 5.720 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 4.080 tỷ đồng. Với vốn ngân sách địa phương, phía tỉnh Cao Bằng đã cắt giảm 22 dự án đầu tư công, dồn nguồn lực, tăng vốn tham gia của ngân sách địa phương từ 2.500 tỷ đồng lên 4.080 tỷ đồng.

Mô hình huy động vốn Dự án Cao tốc Đồng Đăng- Trà Lĩnh (Ảnh: Website DeoCaGroup)

Thứ 2, vốn chủ sở sở hữu là 814 tỷ đồng gồm vốn của các nhà đầu tư DCG, ICV, HHV là 568 tỷ đồng đã chứng minh bằng báo cáo tài chính được kiểm toán; nhà đầu tư thứ cấp: Nhà thầu (ủy thá đầu tư, BCC…)

Thứ 3, nguồn vốn nhà đầu tư huy động hơn 3.553 tỷ đồng (chiếm 31,24% tổng mức đầu tư) đã được các nhà đầu tư thu xếp đủ, trong đó ngân hàng VPBank đồng ý cấp nguồn tín dụng 2.500 tỷ đồng cho dự án. Vốn nhà đầu tư thu xếp (vốn BCC) là 1.053 tỷ đồng.

VPBank đã ký biên bản cam kết cấp tín dụng 2.500 tỷ đồng cho Dự án Cao tốc Đồng Đăng- Trà Lĩnh

Phát biểu tại lễ khởi công ngày 1/1/2024, ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT làm đầu mối để cùng các Bộ ngành, các cơ quan chức năng quan tâm.

Ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả phát biểu tại Lễ khởi công

Một là: Xậy dựng chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nghành giao thông hợp tác, học tập các mô hình của doanh nghiệp quốc tế là Nhật Bản, Trung Quốc... về các công nghệ lõi của ngành giao thông sẽ phải triển khai trong thời gian tới nhằm đón bắt cơ hội phát triển doanh nghiệp như Metro, Đường sắt, Cầu dây văng, Dây võng, Thí nghiệm đặc thù… để tiếp nhận việc chuyển giao ứng dụng công nghệ mới trong quá trình hợp tác.

Hai là: Có cơ chế, chính sách đầu tư cho việc nghiên cứu phát triển khoa học - công nghệ thông qua mô hình hợp tác của doanh nghiệp với các đơn vị đào tạo là các Trường Đại học, Cao đẳng, trường nghề nhằm chuẩn bị kiến thức và con người sẵn sàng tiếp nhận, làm chủ các công nghệ đột phá để doanh nghiệp Việt Nam có thể đón đầu các công việc đòi hỏi kỹ thuật, công nghệ cao trong lĩnh vực hạ tầng giao thông.

Ba là: Tổ chức đào tạo, ứng dụng công nghệ số đồng bộ không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho các đối tác, đơn vị tư vấn, cơ quan quản lý và ban ngành chuyên môn để nhất quán và thuận lợi trong quá trình thực hiện. Đồng thời tổ chức đánh giá để qua đó điều chỉnh tiêu chuẩn, quy định pháp luật phù hợp để có hành lang pháp lý tạo sự minh bạch trong quản lý đầu tư, thi công.

Tại dự án này, Tập đoàn Đèo Cả sẽ hợp tác với các trường đại học, trường đào tạo nghề, để nâng cao tay nghề cho công nhân, khả năng thực hành, ứng dụng công nghệ cho kỹ sư và đúc kết mô hình quản lý, thi công chuẩn mực cho doanh nghiệp. Việc ứng dụng công nghệ số, mô hình BIM để kiểm soát giải phóng mặt bằng, minh bạch trong thiết kế, tối ưu hóa chi phí…

Việc cải tiến phương pháp thi công hầm bằng “công nghệ NATM hệ Đèo Cả” giúp tăng mũi đào và bước đào, rút ngắn chu kỳ đào một gương hầm để tăng từ 4 mũi lên 6 mũi sẽ rút ngắn tiến độ thi công.

Hà Lâm

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/tai-chinh/hon-14000-ty-dong-dau-tu-cao-toc-dong-dang-tra-linh-duoc-huy-dong-tu-dau-119681.html