Hơn 2.000 tỷ đồng sửa chữa QL5

Phương án sửa chữa QL5 chia làm 2 đợt. Thời gian thực hiện từ năm 2019-2021.

Mặt đường xuống cấp, QL5 tiềm ẩn nguy cơ TNGT

QL5 - tuyến đường huyết mạch nối Thủ đô Hà Nội với Hải Phòng, đi qua các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương với lưu lượng khoảng 30 nghìn lượt xe/ngày lưu thông đang tiềm ẩn nguy cơ TNGT bởi mặt đường xuống cấp, vạch sơn, biển báo ở một số vị trí chưa phù hợp Quy chuẩn 41...

PV Báo Giao thông đã nhiều lần thực tế ghi nhận trên tuyến QL5. Theo đó, nhiều vị trí mặt đường bị hằn lún vệt bánh xe, nắp cống thoát nước gãy, vạch sơn phân làn đường bị mờ; hàng rào phân cách hỏng… Một số vị trí trên tuyến, hệ thống biển báo, sơn kẻ chưa đồng bộ, không đúng với Quy chuẩn 41:2016 của Bộ GTVT. Cụ thể, hệ thống biển báo hiệu lệnh trên tuyến không gắn trên giá long môn theo quy chuẩn mà gắn ở thành các cây cầu vượt như: Quán Toan, Quán Nam, chợ Hàng, Đông Hải…

Trên tuyến, biển báo phân chia làn đường vẫn dùng biển R403 (là biển làn đường dành cho xe ô tô) chứ không phải biển làn đường dành riêng cho xe ô tô, hơn nữa biển này không đúng quy chuẩn, vạch kẻ đường cũng không phải vạch 2.3. Vì vậy, tại các tuyến đường huyết mạch như Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Bỉnh Khiêm xảy ra tình trạng bát nháo, xe container, xe khách tràn sang làn đường dành cho xe mô tô, xe thô sơ mà CSGT không thể xử lý lỗi đi sai làn đường được.

Đại tá Hoàng Tiến Nam, Trưởng phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (Công an tỉnh Hải Dương) cho biết, mặt đường xuống cấp là một nguyên nhân khiến nhiều năm qua, QL5 là tuyến đường xảy ra nhiều vụ TNGT nhất trong số các tuyến quốc lộ chạy qua địa bàn tỉnh Hải Dương.

Ông Hoàng Triệu Hùng, Phó giám đốc Sở GTVT Hải Phòng đề xuất, một số vị trí biển báo trên QL5 qua Hải Phòng không thống nhất theo Quy chuẩn 41 khiến công tác đảm bảo ATGT, xử lý vi phạm của lực lượng chức năng gặp khó khăn.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) cho biết, Bộ GTVT đã phê duyệt phương án sửa chữa QL5 với tổng kinh phí lên tới 2.040 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2017-2021.

Phương án sửa chữa QL5 chia làm 2 đợt. Đợt 1 từ năm 2017-2018, tập trung sửa chữa một phần mặt đường, một phần cầu và các hạng mục ATGT như hộ lan, dải phân cách giữa, sơn kẻ vạch, hệ thống thoát nước… từ Km 11+135 - Km 76+000 với kinh phí 840 tỷ đồng. Đợt 2 từ năm 2019 -2021 thực hiện sửa chữa phần còn lại của đoạn tuyến gồm sửa chữa mặt đường, nâng cấp các hạng mục phụ trợ (hộ lan, dải phân cách giữa, sơn kẻ vạch, hệ thống thoát nước...) với chi phí khoảng 1.200 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2019-2021.

“Trong năm 2018, Vidifi đã tiến hành thi công khôi phục vạch sơn kẻ đường đoạn Km 104 - Km 106 qua Hải Phòng, vạch sơn kẻ đường tại 7 nút giao địa bàn Hưng Yên, lắp đặt biển báo hạn chế tốc độ xe tải qua nút giao QL5 với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, sửa chữa đột xuất một số biển báo phân làn theo Quy chuẩn 41 tại một số điểm.... Từ nay tới cuối năm, Vidifi sẽ triển khai hệ thống tổ chức giao thông tại khu vực từ cầu vượt Nguyễn Bỉnh Khiêm tới cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, khôi phục vạch sơn kẻ đường, lắp hộ lan tại một số điểm tại Hải Dương, Hưng Yên”, ông Tỉnh thông tin.

Việt Hòa

Nguồn ATGT: http://www.atgt.vn/hon-2000-ty-dong-sua-chua-ql5-d278526.html