Hơn 2.300 người Việt Nam bị lừa bán sang Trung Quốc trong 3 năm gần đây

Số liệu của Bộ Công an cho hay, tình hình hoạt động mua bán người (MBN) trên thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là MBN thông qua đưa người di cư trái phép từ Châu Á, Châu Phi, Trung Đông sang Châu Âu.

Tại Việt Nam, từ năm 2016 đến 6 tháng đầu năm 2019, toàn quốc phát hiện xảy ra hơn 1.000 vụ, với gần 1.500 đối tượng, lừa bán hơn 2.600 nạn nhân, trong đó có 892 vụ MBN sang Trung Quốc, với 1.187 đối tượng, lừa bán 2.319 nạn nhân...

Phát biểu tại Lễ mít tinh hưởng ứng "Ngày Toàn dân phòng, chống MBN - 30/7" năm 2019, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương đề nghị đẩy mạnh công tác truyền thông tại cộng đồng cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng với những nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với lứa tuổi, vùng miền, phê phán, lên án, vạch trần tội ác, tạo ra sự lan tỏa trong toàn xã hội và nhân dân nâng cao nhận thức chủ động phòng ngừa, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm MBN.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương. Ảnh: Bộ Công an

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương. Ảnh: Bộ Công an

Đồng thời Thứ trưởng yêu cầu lực lượng Cảnh sát hình sự phối hợp chặt chẽ với lực lượng Biên phòng các cấp đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, nắm chắc tình hình hoạt động tội phạm MBN và các đối tượng khác có liên quan.

Chủ động phòng ngừa, phát hiện đấu tranh với những đối tượng chủ mưu cầm đầu, các đường dây tội phạm mua bán người; triển khai hiệu quả cao điểm tấn công trấn áp tội phạm MBN trên phạm vi toàn quốc, trọng tâm là hiệp đồng với các cơ quan chức năng các nước Tiểu vùng sông Mê-Công, nhất là với Trung Quốc để kịp thời trao đổi thông tin, điều tra, triệt phá các đường dây tội phạm MBN, lừa đảo hôn nhân xuyên quốc gia, kịp thời giải cứu nạn nhân bị mua bán.

Phối hợp với Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân các cấp đẩy mạnh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án MBN, bảo đảm không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội; lựa chọn vụ án điểm nhằm tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật, đấu tranh phòng ngừa chung trong nhân dân và răn đe tội phạm.

Phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác xác minh, tiếp nhận, bảo vệ, hỗ trợ cho nạn nhân bị mua bán trở về; triển khai có hiệu quả Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em (số máy 111); đáp ứng cơ chế chuyển tuyến và thực hiện quy trình hỗ trợ cho nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng…/.

Thái Linh

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/hon-2300-nguoi-viet-nam-bi-lua-ban-sang-trung-quoc-trong-3-nam-gan-day-20190731113047109.htm