Hơn 20 năm trao 'cơ nghiệp' cho đồng bào vùng biên

Thiếu tá Hà Văn Tuyên, Đội phó Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Nậm Lạnh, BĐBP Sơn La là người có 21 năm lăn lộn trên biên giới để phục vụ nhân dân. Nhập ngũ năm 1992, sau thời gian huấn luyện chiến sĩ mới, anh về công tác tại Đồn Biên phòng Chiềng Khương, được giao nhiệm vụ 'cắm bản' dạy xóa mù chữ cho đồng bào. Thấy bà con trên địa bàn còn nhiều khó khăn, sau nhiều đêm không ngủ, anh quyết định về nhà đưa trâu, bò của gia đình mình cho đồng bào mượn nuôi, khi gia súc sinh trưởng, phát triển lợi nhuận được chia đôi. Cứ thế 21 năm qua, anh đã giúp được hàng trăm gia đình thoát nghèo, nhiều hộ nay đã vươn lên làm giàu.

Thiếu tá Hà Văn Tuyên bên đàn gia súc nuôi chung với nhân dân. Ảnh: Viết Hà

Tôi gặp lại Thiếu tá Hà Văn Tuyên sau 10 năm, ngày đó anh là cán bộ cắm bản Pá Hốc, xã Dồm Cang, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. Thời điểm đó, Pá Hốc là địa bàn “nóng” nạn tái trồng cây thuốc phiện, tỷ lệ người nghiện cao, các đối tượng buôn bán, vận chuyển ma túy luôn lôi kéo người dân vào con đường phạm tội.

Thiếu tá Tuyên kể, những ngày đầu nhận nhiệm vụ ở Pá Hốc, anh dành hết thời gian cùng bà con đi làm nương rẫy, đêm xuống lại đến thăm từng nhà người dân, già làng, trưởng bản để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ người nghiện ma túy cao. Chỉ sau thời gian ngắn, anh hiểu rõ những uẩn khúc dẫn người dân đến nghèo khó, nghiện ngập.

“Nắm rõ được nguyên nhân, nhưng để giải quyết tận gốc vấn đề, tôi tìm đến già làng, vận động già cai nghiện. Nhiều đêm liền, bên bếp lửa bập bùng, tôi tỉ tê to nhỏ vận động già xuống núi cai nghiện, cuối cùng già đã đồng ý. Sau 6 tháng quyết tâm, già trở về bản với sức khỏe ổn định, từ bỏ hẳn “nàng tiên nâu”. Từ đó, già làng trở thành người tích cực khuyên nhủ con cháu đi cai nghiện, từ bỏ ma túy. Cùng với giúp người dân cai nghiện, tôi về Sông Mã dắt 20 con trâu cho 6 hộ dân mượn nuôi, mọi khâu chăm sóc, thuốc thú y tôi đảm trách và hướng dẫn bà con kỹ thuật để sau khi tách đàn, người dân chủ động trong các khâu chăm sóc. Sau 3 năm kiên trì giúp dân, nhiều hộ đã thoát nghèo, tự chủ được việc chăm sóc đàn vật nuôi của gia đình. Pá Hốc không còn là điểm “nóng” tái trồng cây thuốc phiện và nghiện ma túy” – Thiếu tá Hà Văn Tuyên tâm sự.

Nói về quãng thời gian 21 năm giúp người nghèo nơi biên giới, Thiếu tá Hà Văn Tuyên chia sẻ, năm 1997, anh được đơn vị cử đi dạy xóa mù chữ cho bà con bản Kéo Co, xã Mường Hung, huyện Sông Mã. Trong thời gian này, anh thấy được những tiềm năng của bản có thể giúp đồng bào thoát nghèo, đó là những bãi đất rộng, quanh năm cỏ mọc xanh tốt có thể chăn thả gia súc. Thế rồi, anh ngỏ ý muốn đầu tư giúp một số hộ giống vật nuôi với hình thức, bà con bỏ công sức chăm sóc, bảo vệ, phân công nhau chăn thả, còn toàn bộ các khâu kỹ thuật, thuốc thú y do anh đảm nhiệm, khi vật nuôi phát triển, lợi nhuận sẽ được chia đôi. Nếu gặp rủi ro trâu bò bị bệnh dịch chết, anh hoàn toàn chịu trách nhiệm. Khi các hộ dân đồng ý, anh về mang trâu bò của bố mẹ, chọn những con tốt nhất giao cho người dân. Và những hộ dân ở bàn Kéo Co được Thiếu tá Tuyên hỗ trợ ngày đó, nay đã trở thành những người giàu có nhờ phát triển đàn gia súc.

Khi anh được giao nhiệm vụ Đội phó Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Nậm Lạnh, trên địa bàn đơn vị quản lý xuất hiện tình trạng các hộ dân di cư tự do. Anh đã đến từng nhà vận động người dân không di cư và cho họ mượn gia súc chăn nuôi phát triển kinh tế, cách làm này đã giúp 60 hộ bỏ ý định di cư, chăm lo làm ăn, nuôi con ăn học nên người. Trong đó, bản Hua Lạnh, xã Nậm Lạnh trực tiếp được Thiếu tá Tuyên hướng dẫn phát triển chăn nuôi đã vươn lên thoát nghèo, người dân bỏ hẳn ý định di cư.

Để hiểu hết việc làm ý nghĩa, nhân văn của Thiếu tá Hà Văn Tuyên, chúng tôi đến gia đình Giàng Bá Vừ, bản Hua Lạnh, sau khi được sự đầu tư gia súc từ anh Tuyên, Vừ cùng vợ chú tâm chăm sóc tốt cho 6 con trâu, sau 2 năm, gia đình Vừ đã có được 4 con nghé của riêng mình. Năm 2017, Vừ bán đi một con để sửa sang nhà cửa, mua sắm một số vật dụng sinh hoạt. “Những năm trước, do đời sống quá khó khăn và nghe một số người xấu rỉ tai bên Lào đất tốt, dễ làm ăn, nên tôi có ý định di cư sang đó. Nhưng khi được bộ đội Tuyên hỗ trợ trâu cùng với sự động viên của anh nên tôi đã bỏ hẳn ý định di cư tự do. Hiện nay, tôi đã có một số vốn nhất định tiếp tục cùng bộ đội Tuyên chăm sóc đàn gia súc phát triển tốt, nâng cao đời sống gia đình”.

Thấy được hiệu quả của công tác giúp người dân thoát nghèo, khi chuyển công tác đến địa bàn nào, Thiếu tá Hà Văn Tuyên cũng tìm hiểu, giúp các hộ nghèo phát triển đàn gia súc. Đến thời điểm hiện nay, anh đã cho bà con mượn trên 100 con gia súc, giúp hàng trăm gia đình thoát nghèo bền vững.

Rời bản Hua Lạnh, chúng tôi đến gia đình ông Xộm A Lậu, bản Huổi Dương, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, người đã mượn gia súc của Thiếu tá Hà Văn Tuyên nuôi thành công. Đến nay, tổng đàn trâu, bò của gia đình ông lên đến 30 con, kinh tế gia đình khá giả, có điều kiện cho con theo học các trường cao đẳng, đại học.

Ông Xộm A Lậu tâm sự: “Cách đây 10 năm, gia đình tôi thuộc diện đặc biệt khó khăn, dù vợ chồng chăm chỉ lao động sản xuất, nhưng thiếu vốn, nên nhiều lần định rời quê hương vào Tây Nguyên kiếm việc làm. Nhưng được bộ đội Tuyên giúp đỡ 4 con trâu, bò, cùng anh chăm sóc. Từ đó, đàn trâu, bò phát triển tốt, khi có trong tay 4 con trâu, bò, tôi đã xin phép bộ đội Tuyên được tách đàn và anh đồng ý. Trong quá trình nuôi, chúng tôi đã học được kỹ thuật chăn nuôi từ anh Tuyên nên sau khi tách đàn, vợ chồng chăm sóc tốt, nay đàn gia súc phát triển lên 30 con”.

Viết Hà

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/hon-20-nam-trao-co-nghiep-cho-dong-bao-vung-bien/