Hơn 21,3 triệu người mắc COVID-19

Nhân viên y tế làm việc tại khu vực điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại bệnh viện ở San Salvador, El Salvador, ngày 12/8 - Ảnh: AFP/TTXVN

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến gần 9 giờ sáng 15/8 (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 21.345.731 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 762.430 ca tử vong.

Số bệnh nhân phục hồi hiện nay là 14.127.194 người và vẫn còn 64.584 trường hợp bệnh nặng và nguy kịch. Mỹ đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất của đại dịch với 5.360.033 ca nhiễm (tăng hơn 60.000 bệnh nhân trong 24 giờ qua) và 169.124 ca tử vong. Ngày 14/8, California trở thành bang đầu tiên của Mỹ ghi nhận hơn 600.000 bệnh nhân COVID-19. Sau Mỹ, số bệnh nhân tại Brazil hơn 3.278.000 người (tăng thêm hơn 49.000 người).

Trong khi đó, Ấn Độ tiếp tục ghi nhận mức tăng kỷ lục số người nhiễm mới virus SARS-CoV-2 - hơn 65.000 người, đưa tổng số bệnh nhân COVID-19 lên mức 2.525.000 người. Số ca mắc COVID-19 tại nhiều nước Trung Đông khác cũng có dấu hiệu tăng mạnh trở lại.

Theo số liệu do Bộ Y tế Iraq công bố ngày 14/8, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 4.013 ca nhiễm mới - mức cao nhất từ đầu dịch tới nay tại nước này, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 lên 168.290 người, gồm cả 5.709 bệnh nhân tử vong.

Iran cũng thông báo thêm 2.501 ca nhiễm mới, nâng tổng số bệnh nhân nhiễm lên 338.825 người, trong đó hơn 19.300 người đã tử vong. Ả-rập Xê-út báo cáo thêm 1.383 ca nhiễm mới và hiện bệnh nhân COVID-19 tại nước này là 295.902 người, gồm 3.338 người không qua khỏi.

Trong 24 giờ qua, tại Đông Nam Á, Philippines và Indonesia lần lượt ghi nhận thêm 6.216 và 2.307 bệnh nhân nhiễm mới. Tại châu Âu, Pháp và Đức lần lượt ghi nhận thêm 2.846 và 1.505 ca nhiễm mới.

Trước diễn biến dịch bệnh phức tạp, nhiều nước đã tăng cường các biện pháp phòng ngừa. Đức cảnh báo du lịch tới toàn bộ phần đất liền của Tây Ban Nha. Bộ Y tế liên bang Đức xác nhận chính phủ nước này ngày 14/8 đã quyết định đưa Tây Ban Nha vào danh sách các nước và khu vực rủi ro đối với virus SARS-CoV-2, ngoại trừ quần đảo Canary.

Bộ Ngoại giao Đức cũng đã ban hành cảnh báo du lịch đối với tất cả các khu vực thuộc diện nguy cơ cao. Theo đó, các trường hợp trở về Đức sẽ có hai lựa chọn hoặc xét nghiệm mất phí ở nơi du lịch 48 giờ trước khi về Đức, hoặc được xét nghiệm miễn phí trong tối đa 3 ngày sau khi về nước. Tất cả các trường hợp buộc phải tự cách ly cho đến khi có kết quả xét nghiệm, thường kéo dài từ 24-48 giờ.

Ngày 14/8, nhà chức trách Tây Ban Nha đã áp đặt thêm một loạt biện pháp nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19 lây lan.

Đáng chú ý trong số đó có lệnh đóng cửa các hộp đêm, cấm các quán rượu, quán càphê phục vụ khách ở không gian ngoài trời, và cấm hút thuốc lá khi không đảm bảo khoảng cách an toàn tối thiểu.

Phát biểu họp báo, Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Salvador Illa cho biết các quán bar và nhà hàng cũng sẽ phải đóng cửa trước 1 giờ sáng. Ông đồng thời khuyến cáo người dân, đặc biệt là giới trẻ, tránh tụ tập hơn 10 người.

Cùng ngày, Chính phủ Anh đã gia hạn lệnh phong tỏa tại các khu vực ở phía tây bắc vùng England, với lý do không có bằng chứng cho thấy tỉ lệ mắc COVID-19 đang giảm tại đây. Trong thông báo, Chính phủ Anh cho biết Bộ Y tế nước này cùng lãnh đạo các địa phương đã nhất trí duy trì các biện pháp phong tỏa tại khu vực Tây Bắc England.

Các số liệu mới nhất cho thấy tỉ lệ mắc COVID-19 tính trên 100.000 dân ở vùng này không có chiều hướng giảm. Quyết định trên được đưa ra sau khi giới chức y tế kết thúc hai tuần đánh giá kết quả thực hiện các biện pháp hạn chế ở vùng Greater Manchester, Tây Yorkshire và Đông Lancashire, trong đó cấm những người không cùng một gia đình gặp gỡ ở không gian kín.

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến thời điểm hiện tại, Anh ghi nhận gần 314.000 ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 41.000 ca tử vong.

Tại Na Uy, tình hình dịch COVID-19 cũng chưa có dấu hiệu lắng dịu. Ngày 14/8, chính phủ nước này đã lần đầu tiên khuyến cáo người dân đeo khẩu trang, cụ thể là trên các phương tiện giao thông công cộng ở thủ đô Oslo và các vùng lân cận.

Phát biểu họp báo, Bộ trưởng Y tế Na Uy Bent Hoie cho biết việc đeo khẩu trang được khuyến khích như một biện pháp phòng ngừa bổ sung khi không thể giữ khoảng cách tối thiểu 1 mét trên các phương tiện giao thông công cộng.

Trong khi nhiều nước ở châu Âu đã ra quy định bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng, các nước Bắc Âu vẫn nằm ngoài các quy định này. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, nhà chức trách Phần Lan và Đan Mạch đã thay đổi quan điểm về vấn đề khẩu trang, và đã khuyến cáo đeo khẩu trang trong một số trường hợp.Trong khi đó, Thụy Điển vẫn giữ quan điểm không khuyến khích đeo khẩu trang do nghi ngờ hiệu quả của biện pháp này.

Liên quan tình hình dịch COVID-19 ở Na Uy, Viện Y tế công cộng nước này cho biết mặc dù số ca mắc bệnh ở các địa phương gia tăng, song không có dấu hiệu cho thấy dịch bệnh sẽ lan ra cả nước.

Tuần trước, quốc gia 5,4 triệu dân này phát hiện thêm 357 ca mắc COVID-19, mức cao nhất kể từ tháng 4 vừa qua, nhưng vẫn thấp hơn mức 1.733 ca/tuần ghi nhận hồi cuối tháng 3. Đến thời điểm hiện tại, Na Uy có gần 9.900 ca mắc COVID-19 và 261 ca tử vong.

Canada, Mỹ tiếp tục hạn chế hoạt động đi lại không cần thiết qua biên giới. Ngày 14/8, quyền Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Chad Wolf khẳng định Mỹ sẽ gia hạn lệnh cấm đối với hoạt động đi lại không cần thiết giữa nước này với Canada và Mexico thêm 30 ngày, tới 21/9, trong bối cảnh một số bang của Mỹ đang vật lộn để kiềm chế tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2.

Trên mạng xã hội Twitter, ông Wolf viết: "Chúng tôi tiếp tục phối hợp với các đối tác Canada và Mexico để làm chậm đà lây lan của COVID-19. Theo đó, chúng tôi đã nhất trí gia hạn lệnh hạn chế đối với hoạt động đi lại không cần thiết tại các cửa khẩu trên bộ chung tới ngày 21/9”.

Cùng ngày, cũng trên mạng xã hội Twitter Bộ trưởng An ninh Công cộng Canada, ông Bill Blair xác nhận biên giới Canada - Mỹ sẽ đóng cửa thêm 30 ngày nữa. Ông Blair nêu rõ: "Chúng tôi sẽ tiếp tục làm những gì cần thiết để cộng đồng của chúng ta được an toàn”.

Tại Argentina, Tổng thống nước này Alberto Fernandez đã công bố quyết định kéo dài các biện pháp giãn cách xã hội tới ngày 30/8, đồng thời kêu gọi người dân nêu cao trách nhiệm công dân trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

Một điểm sáng trong bức tranh dịch bệnh là quyết định của chính quyền TP New York của Mỹ, theo đó sẽ mở cửa trở lại nhiều điểm tham quan từ tuần cuối tháng 8. Ngày 14/8, Thống đốc bang New York Andrew Cuomo cho biết sẽ chính thức cho mở cửa lại các bảo tàng và địa chỉ văn hóa ở bang này từ ngày 24/8, sau 5 tháng đóng cửa vì đại dịch COVID-19.

Quyết định trên được đưa ra sau khi số liệu thống kê cho thấy tỉ lệ xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 trên toàn bang ít hơn 1% trong 7 ngày liên tiếp. Ngoài việc mở cửa lại các bảo tàng và điểm văn hóa, Thống đốc Cuomo cũng cho biết sẽ công bố hướng dẫn cụ thể về việc mở cửa lại các phòng tập luyện thể thao vào ngày 17/8 để các trung tâm này sớm có thể hoạt động lại.

Theo số liệu thống kê, đến nay bang New York đã ghi nhận 454.111 ca mắc COVID-19 và khiến 32.894 người trong số này tử vong. Hiện New York vẫn còn 70.690 ca bệnh đang phải điều trị.

Tại châu Phi, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp. Ngày 14/8, Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) châu Phi công bố báo cáo tình hình dịch COVID-19, cho thấy tổng số nhiễm ở khu vực này đã tăng lên 1.084.687 ca, trong đó 24.060 ca tử vong.

Nam Phi hiện có nước có số ca mắc và số ca tử vong do COVID-19 cao nhất "Lục địa Đen," lần lượt là 572.865 ca và 11.270 ca. Tiếp sau đó là Ai Cập (96.108 bệnh nhân và 5.107 ca tử vong) và Nigeria (48.116 ca mắc và 966 ca tử vong). Theo CDC châu Phi, Nam Phi cũng là nước có tỉ lệ người dân mắc COVID-19 cao nhất với 9.792 bệnh nhân COVID-19/triệu người.

CDC châu Phi xác định 9 nước châu Phi có tỉ lệ tử vong cao hơn tỉ lệ tử vong trung bình 3,7% của thế giới gồm Chad, Sudan, Liberia, Niger, Ai Cập, Mali, Angola, Burkina Faso và Tanzania. CDC châu Phi cho biết có 23 nước trong khu vực đang thực hiện biện pháp hạn chế xuất-nhập cảnh, yêu cầu người nhập cảnh phải xét nghiệm hoặc xuất trình giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.

Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, CDC châu Phi đã kêu gọi sự hợp tác giữa các châu lục và toàn cầu để khống chế dịch bệnh tại châu lục nghèo đói và thường xuyên xảy ra xung đột vũ trang này.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/244465/hon-21-3-trieu-nguoi-mac-covid-19.html