Hơn 30.000 ha cây trồng ở Tây Nguyên có nguy cơ thiếu nước tưới

Tổng cục Thủy lợi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) cho biết, từ đầu năm đến nay, tổng lượng mưa trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên phổ biến dưới 30 mm, thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 15%. Các tỉnh Tây Nguyên có nguy cơ cao xảy ra hạn hán, thiếu nước vào mùa khô, có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 30.000 ha cây trồng, trong đó tỉnh Kon Tum có khoảng 1.000 ha, Gia Lai 8.000 ha, Đác Lắc 10.000 ha, Đác Nông 5.000 ha, Lâm Đồng 5.000 ha…

Nhiều vườn tiêu tại xã Kong Htok, huyện Chư Sê (Gia Lai) chết do khô hạn. Ảnh: TẠ VĨNH YÊN

Nhiều vườn tiêu tại xã Kong Htok, huyện Chư Sê (Gia Lai) chết do khô hạn. Ảnh: TẠ VĨNH YÊN

* UBND thành phố Hà Nội vừa chấp thuận chủ trương đầu tư 485,5 tỷ đồng và giao Sở NN và PTNT Hà Nội, UBND huyện Chương Mỹ và UBND huyện Quốc Oai làm chủ đầu tư thực hiện 22 dự án khắc phục sự cố đê điều theo hình thức xử lý khẩn cấp, có tính chất cấp bách và hoàn thành các dự án này trước mùa mưa bão năm 2019.

* Ngày 15-3, đoàn công tác của Cục Thú y (Bộ NN và PTNT) tổ chức kiểm tra việc phòng, chống dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tại xã Xuân Mãn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. DTLCP đã được phát hiện tại hộ gia đình ông Mã Ngọc Khăm, ở xã Xuân Mãn; cơ quan chuyên môn đã tổ chức tiêu hủy toàn bộ 11 con lợn ốm, chết; thực hiện phun tiêu độc khử trùng, rắc vôi bột toàn bộ khu vực chuồng trại. Cùng với đó, UBND huyện Lộc Bình đã hỗ trợ kịp thời hộ chăn nuôi bị thiệt hại do bệnh dịch theo đúng quy định.

* Ngày 15-3, tỉnh Quảng Ninh họp trực tuyến khẩn cấp với tất cả 14 địa phương trong tỉnh về công tác phòng, chống DTLCP. Theo báo cáo của Sở NN và PTNT Quảng Ninh, tính đến 16 giờ ngày 14-3, toàn tỉnh xuất hiện bảy ổ dịch ở bảy xã, phường của bốn huyện, thị xã, thành phố với 197 con lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy. Các lực lượng chức năng cũng đã kiểm soát được 317 phương tiện vận chuyển 11.724 con lợn, phát hiện 12 xe vận chuyển 363 con lợn không đầy đủ giấy tờ, phun tiêu độc khử trùng, yêu cầu chủ hàng cho xe quay đầu về nơi xuất phát...

* Đến chiều 15-3, huyện Mường Ảng (Điện Biên) đã hoàn thành tiêu hủy 15 con lợn của người dân bản Huổi Cắm, xã Búng Lao mắc bệnh TLCP. Như vậy, đến thời điểm này, tỉnh Điện Biên có hai huyện ghi nhận có bệnh TLCP là Mường Ảng và Tuần Giáo.

* UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Kế hoạch số 425/KH-UBND về hành động ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp DTLCP. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, nhất là huyện có đường biên giới giáp với Cam-pu-chia tổ chức đoàn kiểm tra thường xuyên, đột xuất việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật từ nước ngoài vào Việt Nam, xử lý nghiêm nếu phát hiện trường hợp vi phạm...

* Tỉnh Đồng Nai đã lập hai chốt kiểm dịch để kiểm soát 24/24 giờ tất cả các phương tiện vận chuyển lợn trên quốc lộ 1A và quốc lộ 20, bảo đảm tất cả các xe chở lợn từ các tỉnh, thành phố phía bắc và miền trung, Tây Nguyên qua địa bàn Đồng Nai đều được kiểm dịch, phun khử bằng hóa chất và test kiểm tra nhanh DTLCP...

* Tỉnh Bình Dương thành lập Đội kiểm tra liên ngành nhằm tăng cường kiểm tra nguồn gốc lợn nhập vào các cơ sở giết mổ và việc vận chuyển sản phẩm lợn từ các tỉnh lân cận vào địa phương. Qua kiểm tra, đã phát hiện và xử lý 10 trường hợp vận chuyển sản phẩm lợn không bảo đảm vệ sinh thú y, xử phạt số tiền hơn 30 triệu đồng.

* Huyện Cư Kuin (Đác Lắc) vừa công bố năm ổ dịch lở mồm long móng (LMLM) tại các xã Cư Evi, Ea B’hốk, Đrây Bhăng và Ea Tiêu. Cơ quan chức năng của huyện đã tiêu hủy 132/143 con lợn bị mắc bệnh. Đồng thời chủ động cấp 60 lít hóa chất, 720 kg vôi bột để tiêu độc, khử trùng vùng xảy ra dịch bệnh; lập bốn điểm chốt chặn trên các đầu mối giao thông trọng điểm để ngăn chặn dịch lây lan.

* Từ đầu tháng 3 đến nay, cơ quan chức năng tỉnh Bến Tre đã ghi nhận tình hình nghêu chết tại Hợp tác xã (HTX) An Thủy (Ba Tri) với diện tích gần 100 ha, với tỷ lệ chết 10%, tương đương khoảng hơn 100 tấn, cỡ nghêu từ 50 đến 80 con/kg. Tại các HTX Bảo Thuận, Tân Thủy (huyện Ba Tri) cũng xuất hiện nghêu chết nhưng với tỷ lệ ít hơn, khoảng 5%. Nguyên nhân ban đầu được cơ quan chức năng nhận định do độ mặn tăng cao (khoảng 20‰ đến 29‰) và nhiệt độ tăng.

* Khoảng 20 giờ 30 phút ngày 14-3, tại gia đình ông Hoàng Văn Việt, ở thôn Nà Giảo, xã Yến Dương, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Cạn xảy ra sạt lở ta-luy dương phía sau nhà, vùi lấp một phần ngôi nhà, khiến hai cháu ngoại là Ma Hoàng Diễm (SN 2009) và Ma Hoàng An Nguyên (SN 2015) tử vong do đa chấn thương nặng. Sáng 15-3, UBND tỉnh Bắc Cạn và huyện Ba Bể đã đến động viên, thăm hỏi, hỗ trợ gia đình nạn nhân.

* Ngày 15-3, Bộ đội Biên phòng tỉnh Bến Tre cho biết, rạng sáng 14-3, cách cửa sông Hàm Luông (tỉnh Bến Tre) khoảng 9 hải lý, ghe câu mực biển kiểm soát BV-9368 TS do ông Nguyễn Văn Thượng (ngụ phường 6, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chủ phương tiện) bị vướng cạn dẫn đến phá nước, nên phát tín hiệu cứu nạn. Nhận tin báo, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Bến Tre đã chỉ đạo Đồn Biên phòng Hàm Luông, phối hợp Hải đội Biên phòng 2 và lực lượng kiểm ngư của Sở NN và PTNT tỉnh điều động lực lượng, phương tiện nhanh chóng ra hiện trường ứng cứu. Đến 15 giờ 30 phút cùng ngày, lực lượng ứng cứu đã tiếp cận và đưa các thuyền viên trên tàu gặp nạn về Cảng cá Ba Tri an toàn.

* Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến khu vực phía đông Bắc Bộ, một số nơi ở Bắc Trung Bộ và phía tây Bắc Bộ. Do ảnh hưởng của không khí lạnh nên ngày 16-3 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ có mưa rào và dông rải rác. Khu vực Vịnh Bắc Bộ có gió đông bắc mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7; biển động. Các tỉnh miền núi cần đề phòng khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh; cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/39517802-hon-30-000-ha-cay-trong-o-tay-nguyen-co-nguy-co-thieu-nuoc-tuoi.html