Hơn 300 tham luận tại hội thảo về thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày 19-5, tại Hà Nội đã diễn ra phiên toàn thể Hội thảo khoa học quốc gia 'Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau theo Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh' do Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức.

Bác Hồ với mỹ thuật Việt Nam

Tham dự hội thảo có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong. Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản và đông đảo các nhà khoa học, nhà quản lý, những người hoạt động thực tiễn, cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên.

Hội thảo đã nhận được hơn 300 bài tham luận từ các nhà khoa học, nhà quản lý, những người hoạt động thực tiễn, các tỉnh, thành đoàn và đoàn trực thuộc, đoàn viên, thanh niên. Tại phiên toàn thể, các đại biểu đã trao đổi, làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn và những nội dung chính trong tư tưởng Hồ Chí Minh về bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau.

Những ý kiến trong các bài tham luận giúp thế hệ trẻ nhận thức đầy đủ hơn về giá trị cốt lõi của bản Di chúc, trong đó có vấn đề giáo dục đạo đức, lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ; tổng kết, đánh giá thực tiễn triển khai của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh trong thực hiện Di chúc của Người; đề ra các giải pháp bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ trong thời gian tới…

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng đánh giá cao việc tổ chức hội thảo đúng dịp kỷ niệm sinh nhật Bác; khẳng định những ý kiến đóng góp tại các hội thảo chuyên đề đã phản ánh toàn diện tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng thời, từ thực tiễn triển khai đã đúc kết được nhiều bài học, kinh nghiệm hay, hết sức thiết thực có ý nghĩa lan tỏa, đặc biệt đối với phong trào của đoàn viên, thanh niên...

Theo đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, sinh thời, Bác Hồ luôn quan tâm đến công tác cán bộ và đào tạo cán bộ. Đối với Bác, công tác cán bộ hết sức quan trọng, Bác gọi đó là công việc gốc của Đảng, muôn sự thành công chủ yếu hay phần nhiều là do cán bộ tốt, cho nên đào tạo cán bộ là công việc của Đảng, công việc thường xuyên và tư tưởng đó được Người nhấn mạnh ở rất nhiều những buổi làm việc, gặp gỡ...

"Bác đi từ những điều rất cụ thể. Trước hết học là phải làm người, làm việc rồi mới làm cán bộ. Tư tưởng này vô cùng quan trọng, bởi đâu đó và đặc biệt hiện nay, không ít người nghĩ học để làm cán bộ rồi mới làm việc, mới làm người. Điều này trái với tư tưởng, đạo đức của Bác", đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng, Bác coi trọng việc "có đức, có tài", cho nên trong Di chúc, Bác nhấn mạnh đào tạo cán bộ cách mạng cho đời sau là điều rất quan trọng, cần thiết, thể hiện hai phẩm chất lớn "vừa hồng, vừa chuyên". Và điều Bác dặn không phải là đạo đức thuần túy, không chỉ "nhân, lễ, nghĩa, trí, tín" mà đạo đức phải nâng lên ở đạo đức cách mạng thể hiện ở lý tưởng, mục tiêu, bản lĩnh, sự xả thân vì sự nghiệp mà Bác Hồ và thế hệ cha ông phấn đấu không ngừng nghỉ.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/935368/hon-300-tham-luan-tai-hoi-thao-ve-thuc-hien-di-chuc-chu-tich-ho-chi-minh