Hơn 35 nghìn lượt khách sử dụng tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông mỗi ngày

Sau gần 3 năm vận hành, mỗi ngày, tuyến đường sắt trên cao số 2A Cát Linh-Hà Đông ghi nhận đón hơn 35 nghìn lượt khách, 47% trong đó là người đi làm, 45% là người đi học và 8% là các mục đích khác. Con số trên cho thấy, nhiều người đã lựa chọn tuyến metro làm phương tiện di chuyển chủ yếu hằng ngày.

Hiện nay, mỗi ngày có hơn 35 nghìn hành khách sử dụng tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông làm phương tiện đi lại.

Hiện nay, mỗi ngày có hơn 35 nghìn hành khách sử dụng tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông làm phương tiện đi lại.

Ngày 22/5, tại Hội thảo “Giải bài toán phát triển giao thông đô thị” do Báo Lao Động tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã chia sẻ về những khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển giao thông đô thị theo hướng bền vững.

Trình bày về vấn đề về xây dựng giao thông trên địa bàn Thủ đô từ góc nhìn tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông, Tiến sĩ Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Hà Nội Metro tập trung thảo luận về vấn đề văn hóa giao thông.

Hiện nay, mỗi ngày có hơn 35 nghìn hành khách sử dụng tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông làm phương tiện đi lại. Theo đó, có 47% trong tổng số là những người đi làm, 45% là những người đi học và 8% còn lại là đi lại với các mục đích khác.

Tiến sĩ Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Hà Nội Metro

Theo Tiến sĩ Vũ Hồng Trường, khái niệm văn hóa giao thông là hành vi ứng xử của mỗi người khi tham gia giao thông, bao gồm nhận thức của mỗi người về ý nghĩa, tầm quan trọng của giao thông, những tác động của giao thông đối với việc phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao dân trí, bảo vệ môi trường.

“Mức độ cao nhất của văn hóa giao thông chính là việc người dân có ý thức bảo vệ lợi ích của cộng đồng thông qua hành vi lựa chọn phương tiện đi lại hàng ngày. Điều này thể hiện qua sự hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, gây chiếm dụng lòng đường, ô nhiễm, nguy cơ gây tai nạn giao thông để chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng vì sự phát triển bền vững của đô thị”, Tiến sĩ Vũ Hồng Trường nhấn mạnh.

Tiến sĩ Vũ Hồng Trường chia sẻ tại buổi hội thảo. (Ảnh: TÔ THẾ)

Tiến sĩ Vũ Hồng Trường chia sẻ tại buổi hội thảo. (Ảnh: TÔ THẾ)

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), hằng năm, ô nhiễm không khí gây thiệt hại về kinh tế chiếm đến 5-7% GRDP của Việt Nam. Tính toán cho thấy, cứ 1 triệu chuyến di chuyển từ phương tiện cá nhân sang sử dụng đường sắt đô thị sẽ giảm được 487.000 giờ tham gia giao thông trên đường. Đồng thời, cũng giảm được khoảng 100 tấn phát thải khí CO, HC và Nox.

Kể từ ngày 6/11/2021, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội cũng như của cả nước Cát Linh-Hà Đông được chính thức đưa vào khai thác. Đến nay, đã đạt được kết quả tích cực với nhiều thành tựu nổi bật. Tuyến được đông đảo người dân ghi nhận là phương tiện đi lại nhanh chóng, an toàn, bảo đảm tiêu chí “xanh, sạch, đẹp”.

Tổng Giám đốc Hà Nội Metro Vũ Hồng Trường cho biết: “Hiện nay, mỗi ngày có hơn 35 nghìn hành khách sử dụng tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông làm phương tiện đi lại. Theo đó, có 47% trong tổng số là những người đi làm, 45% là những người đi học và 8% còn lại là đi lại với các mục đích khác”.

Nếu như thời gian đầu hành khách đi lại trên tuyến chủ yếu là những người đi trải nghiệm thì giờ đây đã trở thành những khách hàng thân thiết, mua vé theo tháng. Tỷ lệ bình quân trong ngày của nhóm đối tượng này chiếm 70%. Đặc biệt, khách di chuyển bằng vé tháng trong giờ cao điểm chiếm đến hơn 85%. Điều này đã góp phần giảm thiểu mật độ phương tiện trên hành lang trong tuyến giờ cao điểm tại thành phố Hà Nội. Từ đó, từng bước giảm thiểu ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

Quang cảnh Hội thảo "Giải bài toán phát triển giao thông đô thị”. (Ảnh: NGỌC KHÁNH)

Quang cảnh Hội thảo "Giải bài toán phát triển giao thông đô thị”. (Ảnh: NGỌC KHÁNH)

“Văn hóa sử dụng phương tiện công cộng của du khách có nhiều thay đổi. Ở giai đoạn mới vận hành, dễ thấy những hành vi chưa đẹp trên các nhà ga và tàu như: vứt rác bừa bãi, nói chuyện ồn ào, không nhường ghế cho người già, phụ nữ, trẻ em… thì đến nay chỉ còn những hình ảnh đẹp về sự chấp hành nội quy đi tàu, sự thân thiện giữa nhân viên quản lý với hành khách. Điều đáng mừng là văn hóa này đang từng bước lan tỏa sang các phương tiện công cộng khác ở Hà Nội”, Tiến sĩ Vũ Hồng Trường thông tin thêm.

Trong khuôn khổ Hội thảo “Giải bài toán phát triển giao thông đô thị”, những vấn đề về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành giao thông tại đô thị và phát triển theo hướng bền vững phải hài hòa, cân bằng giữa các mục tiêu kinh tế-xã hội với gìn giữ bảo vệ môi trường cũng được bàn luận.

Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, 2 đô thị lớn nhất cả nước, đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn về giao thông. Với hệ thống đường sắt đô thị - trục “xương sống” của mạng lưới kết cấu hạ tầng, việc đầu tư sớm và vận hành hiệu quả hệ thống này sẽ nâng cao tỷ trọng vận tải hành khách công cộng, giảm phương tiện di chuyển cá nhân. Qua đó, đem lại hiệu quả tích cực về phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường, tránh ùn tắc và tai nạn giao thông ở địa phương.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/hon-35-nghin-luot-khach-su-dung-tuyen-duong-sat-cat-linh-ha-dong-moi-ngay-post810563.html