Hơn 381 tỷ đồng hỗ trợ 11 tỉnh miền núi phía bắc khắc phục hậu quả thiên tai

Chính phủ sẽ hỗ trợ hơn 381 tỷ đồng cho 11 tỉnh miền núi phía bắc khắc phục hậu quả do mưa đá, dông lốc, lũ, lũ quét, sạt lở đất.

Chính phủ sẽ hỗ trợ hơn 381 tỷ đồng cho 11 tỉnh miền núi phía bắc khắc phục hậu quả do mưa đá, dông lốc, lũ, lũ quét, sạt lở đất.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 1930/QĐ-TTg hỗ trợ kinh phí cho các địa phương khắc phục hậu quả do mưa đá, dông lốc và mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi phía bắc tám tháng đầu năm 2020.

Theo đó, trích 61,876 tỷ từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2020 để hỗ trợ bốn địa phương khắc phục thiệt hại về nhà ở do mưa đá, dông lốc gây ra.

Số tiền hỗ trợ bốn địa phương được phân bổ cụ thể: Bắc Kạn 13,436 tỷ đồng; Lạng Sơn 2,16 tỷ đồng; Lai Châu 38,19 tỷ đồng; Lào Cai 8 tỷ đồng.

Cùng với đó, tạm cấp bổ sung 320 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2020 cho chín địa phương để khắc phục thiệt hại do mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất tám tháng đầu năm 2020 gây ra theo đề nghị của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai theo thứ tự ưu tiên như sau:

Thứ nhất, hỗ trợ dân sinh (hỗ trợ gia đình có người bị chết, mất tích, nhà ở bị hư hỏng), di dân khẩn cấp khu vực vừa bị thiệt hại, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại.

Thứ hai, khắc phục cấp bách cơ sở hạ tầng thiết yếu bị hư hỏng nặng do mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất: đê điều, thủy lợi, giao thông nội tỉnh, y tế, trường học, công trình cung cấp nước sạch, trụ sở và các công trình thiết yếu khác.

Giao UBND các tỉnh được tạm cấp kinh phí căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, có trách nhiệm sử dụng nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ, chủ động sử dụng ngân sách địa phương và các nguồn tài chính hợp pháp khác để kịp thời thực hiện khắc phục hậu quả thiên tai gây ra theo thứ tự ưu tiên như trên, bảo đảm đúng đối tượng, chế độ, định mức quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21-10-2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các văn bản pháp luật có liên quan; quyết định cụ thể danh mục công trình bị thiệt hại nặng do mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất tám tháng đầu năm 2020 gây ra cần xử lý cấp bách.

Kiểm tra, tổng hợp số liệu thiệt hại do thiên tai; kết quả chi thực hiện công tác khắc phục hậu quả thiên tai theo chế độ quy định; báo cáo nhu cầu kinh phí để thực hiện khắc phục hậu quả thiên tai và chính sách an sinh xã hội gửi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định mức hỗ trợ chính thức từ ngân sách trung ương cho ngân sách từng địa phương theo quy định tại Quyết định số 37/2019/QĐ-TTg ngày 27-12-2019 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 01/2016/QĐ-TTg ngày 19-1-2016 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, quy trình hỗ trợ kinh phí cho các địa phương để khắc phục hậu quả thiên tai.

Sử dụng nguồn ngân sách địa phương để hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản bị thiệt hại do thiên tai theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9-1-2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Đồng thời, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện gửi Bộ Tài chính theo quy định.

Trường hợp đề nghị hỗ trợ bằng hiện vật (giống cây trồng, vật nuôi), gửi đề xuất về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xuất cấp từ nguồn dự trữ quốc gia theo quy định.

Trường hợp cần hỗ trợ gạo cứu đói cho người dân vùng thiên tai, đề xuất nhu cầu để Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

Đối với kinh phí thực hiện các dự án đầu tư mang tính chất lâu dài, các địa phương bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm để thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và các quy định của pháp luật có liên quan.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, UBND các tỉnh: Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Điện Biên, Phú Thọ, Cao Bằng, Tuyên Quang, Sơn La, Hòa Bình, Lai Châu, Lào Cai chịu trách nhiệm toàn diện về tính chính xác của nội dung và số liệu báo cáo

UBND các tỉnh chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng số kinh phí được hỗ trợ, tạm cấp đúng mục đích, đối tượng, định mức theo quy định hiện hành. Đồng thời, báo cáo việc phân bổ và kết quả thực hiện về Ban Chỉ đạo TƯ về phòng, chống thiên tại và các bộ, ngành có liên quan để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

XUÂN ANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/hon-381-ty-dong-ho-tro-11-tinh-mien-nui-phia-bac-khac-phuc-hau-qua-thien-tai-625863/