Hơn 40.000 lao động ngành du lịch bị mất việc vì dịch Covid-19

Khi du lịch đang có dấu hiệu phục hồi tích cực thì dịch bệnh Covid-19 bùng phát hồi cuối tháng 7 khiến ngành du lịch thành phố Đà Nẵng lại một lần nữa lao đao.

Theo thống kê, tới thời điểm hiện tại, hơn 40.000 lao động trong ngành dịch vụ, du lịch ở thành phố này mất việc làm. Thế nhưng, hiện chỉ có một số ít nhân viên khách sạn, nhà hàng, hướng dẫn viên bị mất việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhận được hỗ trợ theo Nghị quyết 42 của Chính phủ.

Hàng loạt hướng dẫn viên du lịch ở Đà Nẵng mất việc làm.

Hàng loạt hướng dẫn viên du lịch ở Đà Nẵng mất việc làm.

Chị Nguyễn Thị Huế, hướng dẫn viên tiếng Pháp ở thành phố Đà Nẵng có thâm niên 13 năm trong nghề cho biết, vào cao điểm mùa du lịch, chị làm việc cả ngày lẫn đêm không hết việc. Nhưng đó là câu chuyện của những năm trước, còn từ tháng 3 đến nay chị phải nghỉ việc vì dịch Covid-19. Hàng ngày chị loanh quanh ở nhà lo cơm nước, nội trợ, chi tiêu gia đình dựa vào số tiền tiết kiệm từ trước đó và tiền lương của chồng nên rất khó khăn. Để có thêm thu nhập trong thời gian khó khăn này, như nhiều nhân viên khách sạn, nhà hàng, hướng dẫn viên du lịch, chị Huế buộc phải làm những công việc ngoài chuyên môn chờ đến khi du lịch hoạt động bình thường trở lại. Thế nhưng, không ít người phải đành chấp nhận “ngồi chơi xơi nước”.

Chị Huế cũng thử kiếm việc dạy thêm ở Trung tâm tiếng Pháp, cũng tập tành buôn bán online nhưng đều không thành công. Chị Nguyễn Thị Huế chia sẻ, cơ hội chuyển việc làm đối với những người lớn tuổi rất khó nên dự định sẽ bỏ nghề hướng dẫn viên: "Ngành du lịch hiện nay đang rất nhiều người thất nghiệp. Thị trường khách của tôi bên Pháp tình hình ngày càng căng thẳng, số ca nhiễm Covid-19 ngày càng tăng lên. Trong năm tới, tình hình du lịch có lẽ vẫn chưa thể khả quan, phải mất 2-3 năm tới mới có thể ổn định".

Các khu du lịch vắng khách mùa dịch

Khó khăn trong thời điểm hiện tại không chỉ là câu chuyện riêng của những người làm hướng dẫn du lịch mà còn của hàng ngàn lao động đang làm trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ khách sạn. Gần 3 tháng nay chị Nguyễn Thị Bốn, nhân viên một khách sạn ở quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng phải nghỉ việc vì khách sạn đóng cửa. Chị Bốn cho biết, vì có con nhỏ nên kiếm việc làm tạm cũng rất khó. Không có thu nhập nên việc chi tiêu của hai mẹ con phải hết sức tằn tiện. Theo chị Bốn, tình hình khó khăn sẽ còn kéo dài: "Đợt dịch đầu tôi thấy vẫn còn trụ được, tạm ổn. Nhưng đợt dịch sau này thì trong tình trạng khó khăn vì tôi có con nhỏ, lại phải ở trọ. Hiện tại bây giờ tôi vẫn chưa đi làm, phải tiết kiệm chi tiêu đến mức tối thiểu".

Theo thống kê sơ bộ, có khoảng hơn 20% số khách sạn tại thành phố Đà Nẵng phải rao bán vì không có doanh thu để duy trì hoạt động. Điều này cũng đồng nghĩa với việc người lao động có nguy cơ bị mất việc hàng loạt.

Chị Nguyễn Thanh, chủ một khách sạn 3 sao đang rao bán ở thành phố Đà Nẵng nhưng vẫn chưa có người hỏi: "Việc tiếp tục có khách hay không cũng còn rất khó khăn vì hiện tại chưa mở cửa đường bay thì lượng khách sẽ không có. Mà lượng khách nội địa không những chia ra các khách sạn mà còn chia ra các tỉnh, thành phố khác nên cũng sẽ không có nhiều để mình duy trì dài".

Theo Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng, hơn 90% doanh nghiệp đóng cửa đang đóng cửa, doanh thu của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch năm nay chỉ đạt từ 20% đến 25% so với năm ngoái. Thành phố Đà Nẵng hiện có khoảng 60.000 lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch, thì có đến hơn 40.000 lao động bị mất việc làm.

Thế nhưng đến nay, dù đã qua 2 đợt dịch Covid-19, rất nhiều người trong số này vẫn chưa nhận được hỗ trợ từ gói an sinh xã hội 62 nghìn tỉ đồng của Chính phủ. Để giữ chân người lao động, các doanh nghiệp phải điều tiết nhân sự, luân phiên hay làm việc online, khuyến khích nhân viên nghỉ phép...

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng cho biết, trong bối cảnh này mong muốn Chính phủ tách gói hỗ trợ dành riêng cho hướng dẫn viên du lịch, tạo điều kiện cho phép doanh nghiệp vay vốn duy trì hoạt động, đồng thời các doanh nghiệp được hưởng chính sách ưu đãi nhằm giữ chân người lao động có tay nghề cao để khi dịch được kiểm soát tốt, ngành du lịch sẽ có đủ nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đặt ra: "Hầu hết các doanh nghiệp có lao động nghỉ việc, mất việc thì vẫn chưa tiếp cận được gói 62.000 tỷ. Chúng tôi đã kiến nghị và nhận thấy có chủ trương để làm sao nới một số điều kiện. Thứ 2 là kiến nghị với Sở Lao động Thương binh và Xã hội tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có lao động mất việc tiếp cận được bảo hiểm thất nghiệp. Thứ 3 là Hiệp hội đã chủ động kêu gọi mạnh thường quân của cả nước cũng như tại Đà Nẵng hỗ trợ cho người lao động khó khăn thuộc các doanh nghiệp, Hiệp hội"./.

Phương Cúc/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/hon-40000-lao-dong-nganh-du-lich-bi-mat-viec-vi-dich-covid-19-783200.vov