Hơn 5.600 địa chỉ cho nạn nhân bạo lực gia đình

NDĐT- Thống kê chưa đầy đủ của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết, tại 55/63 tỉnh, thành phố đã có hơn 5.600 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng tiếp nhận các nạn nhân của bạo lực gia đình và buôn bán người, đặc biệt là đối tượng phụ nữ và trẻ em.

Đây là thông tin đưa ra trong buổi đối thoại chính sách về tăng cường các giải pháp nhằm xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức hôm nay.

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái, tình trạng bạo lực gia đình vi phạm quyền bình đẳng giữa nam và nữ, vi phạm Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt, đối xử với phụ nữ (CEDAW) mà Việt Nam là một trong những quốc gia sớm phê chuẩn văn bản này.

Trong thời gian tới, nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình tiếp tục được thực hiện trong tổng thể chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước Việt Nam, đặc biệt trong Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và Chương trình hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình.

Bà Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) cho biết, tới nay, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật về bình đẳng giới như Hiến pháp năm 1992, các luật như Bộ luật Lao động, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình… Tuy nhiên, việc triển khai trong thực tế cũng còn nhiều bất cập. Do đó, thời gian tới, cần rà soát, hỗ trợ hoàn thiện hệ thống pháp lý, cũng như đánh giá tình hình quá trình triển khai, thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.

Bà Ánh cũng đề nghị triển khai gói dịch vụ tối thiểu cho các nạn nhân của bạo lực gia đình gồm chăm sóc y tế, trợ giúp pháp lý và hỗ trợ can thiệp khẩn cấp.

Phụ nữ chiếm 50,8% dân số và 50,6% lực lượng lao động trong nước đang phải đối mặt nhiều thách thức trong đó có vấn đề bạo lực gia đình với nguyên nhân sâu xa là định kiến về giới ăn sâu vào tiềm thức của nhiều thế hệ trong gia đình và xã hội. Bởi vậy, các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình tiến tới chấm dứt vấn nạn này trong xã hội đòi hỏi sự kiên trì và chung tay của toàn xã hội.

Trên phạm vi toàn cầu, ngày 25-11 hằng năm đã được Liên hợp quốc chọn là Ngày quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ. Cơ quan này cũng đã phát động Chiến dịch UNITE nhằm ngăn chặn và xóa bỏ tất cả các hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trên toàn thế giới vào năm 2015.

Chiến dịch nhằm tạo cơ hội đặc biệt để thúc đẩy hành động và đẩy nhanh quá trình hướng tới một cuộc sống không có bạo lực cho đối tượng này. Qua đó, Liên hợp quốc chung sức cùng các chính phủ, các tổ chức xã hội - dân sự… nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, tăng cường ý chí và nguồn lực, củng cố sự hợp tác nhằm xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/doi-song/i-s-ng-tin-chung/h-n-5-600-a-ch-cho-n-n-nhan-b-o-l-c-gia-inh-1.322415