Hơn 500.000 ca tử vong, nhiều người Brazil vẫn kén chọn vaccine

Nhiều người Brazil từ chối tiêm chủng nếu không được sử dụng loại vaccine như ý muốn, bất chấp quốc gia Nam Mỹ này đang là nơi dịch bệnh hoành hành nghiêm trọng nhất khu vực.

Những ngày này, một câu hỏi thường được truyền nhau giữa dòng người xếp hàng chờ bên ngoài trung tâm tiêm chủng ở Rio de Jaineiro là "loại vaccine nào đang được sử dụng", theo South China Morning Post.

Dù là quốc gia có số người chết vì Covid-19 nhiều thứ hai thế giới, cũng như tình trạng lây nhiễm tiếp tục ở mức cao, không ít người trên khắp Brazil từ chối tiêm chủng nếu không có loại vaccine đúng theo mong muốn của họ.

Truyền thông Brazil lên án và chế nhạo những người này với biệt danh "chuyên gia vaccine".

Kén chọn vaccine dù dịch bệnh tồi tệ

Hiện nay, hệ thống dịch vụ chăm sóc y tế của Brazil đang triển khai tiêm chủng 4 loại vaccine gồm AstraZeneca, Pfizer/BioNTech, CoronaVac và Johnson & Johnson.

Nhưng bởi nhiều lý do, từ chính trị, xã hội, y tế cho tới lo lắng về khả năng di chuyển quốc tế, một số loại vaccine bị "hắt hủi", trong khi loại khác lại được người dân ưu tiên hơn.

Nhiều người Brazil tin tưởng nhất vaccine của Pfizer/BioNTech, bởi báo cáo về tỷ lệ hiệu quả lên đến hơn 90% của loại vaccine này trong ngăn ngừa các triệu chứng.

Tuy nhiên, trong những người ủng hộ Tổng thống Jair Bolsonaro, không ít người hoài nghi vaccine của Pfizer/BioNTech. Trước đó, Tổng thống Bolsonaro từng mỉa mai người tiêm vaccine này có thể biến thành cá sấu.

Một người được tiêm chủng ở Sao Paulo. Ảnh: Reuters.

Một số người không muốn tiêm vaccine của Trung Quốc bởi loại này chưa được Mỹ và châu Âu phê chuẩn, vì vậy không thể giúp họ di chuyển tới các quốc gia nói trên.

Trong khi đó, nhà chức trách Brazil cho biết nạn tin giả về vaccine hoành hành khiến người dân từ chối tiêm vaccine của AstraZeneca, dù loại này đã chứng tỏ phát huy hiệu quả cao trước các biến chủng virus.

Những tuần gần đây, nhiều nhóm trên mạng xã hội nhằm truy tìm thông tin loại vaccine được sử dụng ở các địa điểm tiêm chủng.

Hàng nghìn người đã tham gia các nhóm kiểu như vậy. Vaccine của Pfizer và Johnson & Johnson là loại được quan tâm và truy tìm nhiều nhất.

Tới nay, chưa có số liệu thống kê chính thức về tổng số người "kén cá chọn canh" từ chối vaccine.

Tuy nhiên, hàng chục thành phố, thị trấn ở Brazil phải tìm cách xử lý hành vi kén chọn vaccine, bằng cách đưa tên những người từ chối vaccine được phát xuống cuối hàng chờ tiêm chủng.

Các chuyên gia nói gì?

Các chuyên gia y tế tại Brazil cảnh báo việc lan truyền những thông tin sai lệch, hay không hiểu đúng về vaccine, cũng như hiện tượng người dân kén chọn vaccine, có thể làm trật bánh chiến dịch tiêm chủng ở nước này.

"Người dân đang liều lĩnh với chính sức khỏe của họ và đẩy toàn bộ hệ thống chăm sóc y tế vào nguy hiểm. Hành động kén chọn vaccine cho thấy sự ích kỷ khủng khiếp cũng như thiếu thông cảm với xã hội", ông Alexandre Naime Barbosa, giáo sư bệnh truyền nhiễm tại Đại học Sao Paulo, nhận xét.

Thị trưởng Rio de Janeiro Eduardo Paes kêu gọi người dân chấm dứt hành động ích kỷ. Ông khẳng định người dân Brazil đều được tiêm các loại vaccine chất lượng cao và an toàn, theo Guardian.

Các chuyên gia y tế Brazil cũng tìm cách loại bỏ lo ngại của công chúng đối với tính hiệu quả của các loại vaccine, trong đó có AstraZeneca và CoronaVac.

Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối tại Brazil cho thấy tỷ lệ hiệu quả của vaccine CoronaVac là 50%, của vaccine AstraZeneca là 76%. Vaccine Pfizer đạt tỷ lệ hiệu quả tới 95%.

Tuy nhiên, kết quả trong sử dụng thực tế cho thấy tất cả các loại vaccine chứng tỏ hiệu quả rất cao, giúp giảm số người nhập viện và tử vong, đặc biệt là AstraZeneca.

Người dân xếp hàng chờ tiêm chủng tại thành phố Betim, bang Minas Gerais. Ảnh: Reuters.

"Khi nhìn vào những khía cạnh quan trọng nhất là giảm số người nhập viện và tử vong, tất cả vaccine ở Brazil đều cho thấy hiệu quả cao", giáo sư Barbosa cho biết.

Các chuyên gia y tế công cộng cũng nhấn mạnh nguy cơ gặp phải hiện tượng cục máu đông khi tiêm vaccine AstraZeneca là cực kỳ hiếm. Đồng thời, không loại vaccine nào có thể bảo đảm an toàn 100%.

Giới chức các địa phương ở Brazil bắt đầu ra tay ngăn chặn hiện tượng người dân vì kén chọn mà từ chối tiêm loại vaccine mà họ không mong muốn.

Tại hai thành phố Bernado do Campo và Caetano do Sul của bang Sau Paulo, những người từ chối một số loại vaccine cụ thể sẽ bị đưa xuống cuối danh sách tiêm chủng.

Những người này sẽ chỉ được tiêm vaccine sau khi tất cả người đủ 18 tuổi trở lên đã được tiêm chủng.

Hôm 7/7, thành phố Recife tại bang Pernambuco thông báo những người kén chọn, từ chối tiêm vaccine sẽ phải chờ ít nhất 60 ngày trước khi có thể đăng ký tiêm chủng lại.

Tuần trước, thành phố Guarapari tại bang Espírito Santo cho biết người dân sẽ không được thông báo về loại vaccine họ sẽ được tiêm khi đặt lịch hẹn tiêm chủng.

"Vaccine không giống như một chai rượu vang mà chúng ta có thể tới cửa hàng và chọn mua nhãn hiệu mình muốn. Tiêm chủng là chiến lược y tế cộng đồng, và đặc biệt là ở Brazil, chúng ta không có sự lựa chọn khác", Natalia Pasternak, chuyên gia vi sinh vật học hàng đầu của Đại học Sao Paulo, cho biết.

Cũng như nhiều nhà khoa học, bà Pasternak hối thúc người dân Brazil chấp nhận bất cứ loại vaccine nào họ được tiêm.

"Điều chúng ta cần để có thể kiểm soát đại dịch là tiêm chủng cho càng nhiều người càng tốt, trong thời gian ngắn nhất có thể", giáo sư Pasternak nói thêm.

Trong ngày 9/7, Brazil ghi nhận 57.737 người dương tính với virus SARS-CoV-2, cùng 1.509 ca tử vong, biến quốc gia Nam Mỹ này trở thành nước có số ca mắc và tử vong vì Covid-19 trong 24 giờ cao nhất thế giới.

Tới nay, Brazil ghi nhận hơn 19 triệu ca mắc Covid-19, đứng thứ ba thế giới chỉ sau Mỹ và Ấn Độ. Số người chết vì virus SARS-CoV-2 ở Brazil là 531.777, cao thứ hai thế giới.

Hiện khoảng 83,7 triệu người Brazil được tiêm ít nhất một liều vaccine, tương đương 39,7% dân số. Trong đó, số người đã tiêm đủ liều vaccine là triệu 29,5 triệu, tương đương 14% dân số.

Duy Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gioi-chuc-brazil-ken-chon-vaccine-la-bieu-hien-ich-ky-post1236963.html