Hơn 500 công trình điện mặt trời mái nhà tư nhân đã kết nối với điện lưới của PC Khánh Hòa

Trước xu thế phát triển điện mặt trời trên mái nhà tạ các tỉnh Duyên hải miền Trung, Khánh Hòa không nằm ngoại lệ. Trước tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm các năm gần đây (luôn ở mức trên 2 con số), Công ty CP Điện lực Khánh Hòa (PC Khánh Hòa) cũng đã thực hiện rất nhiều chương trình đầu tư xây dựng mới, cải tạo hệ thống lưới điện để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, khuyến khích, hỗ trợ người dân đầu tư các công trình điện mặt trời áp mái.

Riêng năm 2019, Khánh Hòa đã có trên 1.000 tỷ đồng được đầu tư để xây dựng mới các trạm biến áp 100kV tại khu vực thành phố Nha Trang, Cam Ranh, Vạn Ninh; xây dựng đường dây Cam Ranh- Suối Dầu,... Một trong những vấn đề đang nhận được rất nhiều sự quan tâm hiện nay đối với lĩnh vực năng lượng đó là dự án điện mặt trời. Với đặc thù của một ngành công nghiệp năng lượng sạch, sử dụng nguồn nhiên liệu tái tạo, thân thiện với môi trường, có tính tương thích cao với điều kiện khí hậu của Việt Nam và nhận được sự ủng hộ của cơ quan ban ngành Nhà nước với nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi; điện mặt trời và điện mặt trời trên mái nhà đã phát triển mạnh.

Hệ thống pin mặt trời được lắp trên tầng 13 của Tòa nhà PC Khánh Hòa

Tính từ tháng 3/2019, cả tỉnh Khánh Hòa chỉ có 109 khách hàng đầu tư hệ thống điện mặt trời trên mái nhà với tổng công suất lắp đặt khiêm tốn là 606kWp, sản lượng phát ngược lên lưới điện quốc gia là 68.676 kWh; thì đến đầu tháng 9/2019 con số này đã tăng trưởng nhanh chóng với trên 500 khách hàng, công suất lắp đặt đạt trên 21MWp, sản lượng điện phát ngược lên hệ thống lưới điện lên trên 3.350.437 kWh.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có hơn 500 công trình điện mặt trời mái nhà của các hộ dân, đơn vị đã kết nối với điện lưới của PC Khánh Hòa. Trong đó, tổng công suất hơn 21.000 kwp (Kilo-Watts Peak). Thông qua hệ thống đo đếm, sau khi sử dụng, lượng điện sản xuất dư từ các mô hình điện mặt trời phát lên lưới đạt hơn 3,5 triệu kWh. Nếu nhân với đơn giá mua điện năm 2019 là 2.134 đồng/kwh thì số tiền ngành điện phải chi trả cho việc mua điện mặt trời từ người dân là hơn 7,5 tỉ đồng. (Trước đó, năm 2018 giá mua điện là 2.086 đồng/kwh). Từ năm 2020 và các năm tiếp theo, giá mua điện sẽ được tính sự chênh lệch tỷ giá từng năm cụ thể.

Sản lượng điện phát ngược lên hệ thống lưới điện sẽ được ghi nhận 3 tháng một lần và thanh toán cho người dân vào cuối năm. Sản lượng điện sản xuất từ mô hình điện mặt trời áp mái sẽ không cấn trừ với sản lượng điện tiêu thụ từ lưới điện quốc gia.. Khách hàng sử dụng điện từ lưới điện quốc gia sẽ thanh toán lượng điện tiêu thụ cho ngành điện bình thường như bao lâu nay. Lượng điện dư thừa phát ngược lên lưới điện quốc gia của khách hàng sẽ được ngành điện mua lại và thanh toán riêng cho khách hàng sau đó.

Quỳnh Mỹ

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hon-500-cong-trinh-dien-mat-troi-mai-nha-tu-nhan-da-ket-noi-voi-dien-luoi-cua-pc-khanh-hoa-125871.html