Hơn 587.000 gương người tốt việc tốt được tuyên dương

Cuộc vận động 'Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa' thực hiện tại TP.HCM qua 15 năm đã ghi nhận hơn 587.000 lượt gương người tốt, việc tốt.

Sáng 19-1, Ban chỉ đạo "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" TP.HCM đã tổng kết 15 năm thực hiện phong trào "toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2000-2015.

Sau 15 năm triển khai, phong trào đã không ngừng nâng cao chất lượng, lan tỏa và đi vào nhận thức của các tầng lớp nhân dân, tạo nên ý thức tự giác, tự nguyện, tự quản của mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng dân cư. Nhiều cuộc vận động đã trở thành quen thuộc và nhận được sự hưởng ứng của người dân như “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Vì người nghèo”, “Vì thành phố văn minh – sạch đẹp – an toàn”, “Đền ơn đáp nghĩa”...

Nhân dịp này, 24 hộ gia đình và 72 tập thể có thành tích xuất sắc xây dựng phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã vinh dự nhận bằng khen do UBND TP trao tặng.

Nhân dịp này, 24 hộ gia đình và 72 tập thể có thành tích xuất sắc xây dựng phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã vinh dự nhận bằng khen do UBND TP trao tặng.

Trong 15 năm đã có hơn 587.000 lượt gương "người tốt việc tốt" trên các lĩnh vực được tuyên dương. Đó là những gương hiến đất làm đường, mở trường, tham gia tích cực phong trào đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người già neo đơn, không tham của rơi, đấu tranh phòng chống tham nhũng...Trong đó, có nhiều tấm gương được tuyên dương nhiều năm liền như anh Nguyễn Trương Minh Tiến (quận Tân Phú) được mệnh danh là hiệp sĩ đường phố đã có trên 600 lần dũng cảm truy đuổi bắt cướp. Gia đình ông Hồ Văn Chức (trú tại số 69 đường số 13A, tổ 137, khu phố 21, quận Bình Tân) là gia đình văn hóa từ năm 2000 đến nay.

Cạnh đó, chương trình đã có giao lưu với đại diện tập thể và cá nhân điển hình trong xây dựng phong trào. Ông Nguyễn Văn Nhựt, Phó chủ tịch UBND xã Nhuận Đức (Củ Chi), chia sẻ: "Đặc thù của xã phần đông là nông dân nên bà con thường đi làm đồng, không có thời gian rảnh vào ban ngày nên chúng tôi thường lưu ý ấp tổ chức họp ngắn gọn vào buổi tối, lắng nghe ý kiến chính đáng của bà con nên thường được bà con ủng hộ rất nhiệt tình. Ngoài ra, chúng tôi cũng chiếu video clip về các tấm gương điển hình trong các hội nghị và sinh hoạt tại ấp, trang bị hệ thống loa tuyên truyền liên tục để bà con nghe hiểu thông rồi mới tự giác tự nguyện tham gia...”, ông Nhựt nói.

Các gương điển hình giao lưu tại chương trình

Bà Nguyễn Thị Ngọc Mai, đại diện công viên nước Đầm Sen, cho rằng ngoài phát triển kinh doanh thì mỗi doanh nghiệp có trách nhiệm đóng góp phát triển văn hóa cộng đồng. Hằng năm, công ty tạo điều kiện tổ chức các hoạt động nhân đạo như đi bộ vì người nghèo, hiến máu nhân đạo và thưởng xứng đáng cho nhân viên nhặt được của rơi trả lại cho khách.

Bà Nguyễn Thị Thu Hường, Phó Chủ tịch UBND quận 1 nhìn nhận xây dựng văn hóa cốt lõi là xây dựng giá trị con người nên quận luôn quan tâm nâng cao giáo dục ý thức giữ gìn văn minh đô thị cho các học sinh từ cấp tiểu học, lưu ý đào tạo kỹ năng sống ngoài cho cán bộ còn lưu ý đến những đối tượng đặc biệt như người hồi gia, vợ chồng mới cưới.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP đánh giá cao sự cố gắng nỗ lực và hưởng ứng của cộng đồng dân cư đã làm cho phong trào lan tỏa, đi sâu vào nếp nghĩ các tầng lớp nhân dân. Đồng thời đề nghị ban chỉ đạo phong trào các cấp không chạy theo thành tích bề nổi mà không mang lại hiệu quả. "Ban chỉ đạo phong trào các cấp cần nghiên cứu các giải pháp lồng ghép nội dung phong trào với các nghị quyết xây dựng phát triển văn hóa con người Việt Nam, thực hiện nếp sống văn minh, gắn kết với nông thôn mới và đô thị văn minh, chương trình giảm nghèo bền vững, bảo vệ an ninh Tổ quốc trong thời kỳ mới...", ông Phong lưu ý.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc văn hóa, dân tộc. Từ năm 1995 đến năm 2002, Trung ương MTTQ Việt Nam triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Đến năm 2006, theo chỉ đạo của Trung ương, phong trào chính thức mag tên “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai sâu rộng từ trung ương đến các tỉnh, thành, quận, huyện, phường, xã giao cho ngành Văn hóa Thông tin (nay là ngành Văn hóa Thể thao) làm thường trực Ban chỉ đạo phong trào ở cơ sở.

HOÀNG LAN

Nguồn PLO: http://plo.vn/xa-hoi/hon-587000-guong-nguoi-tot-viec-tot-duoc-tuyen-duong-678599.html