Tọa đàm 'Quy định mới về nhà ở xã hội: từ chính sách đến thực thi'

Chiều 10.5, tại Trụ sở Văn phòng Quốc hội - 35 Ngô Quyền, Hà Nội, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức Tọa đàm 'Quy định mới về nhà ở xã hội: từ chính sách đến thực thi'.

Các đại biểu dự Tọa đàm “Quy định mới về nhà ở xã hội: từ chính sách đến thực thi”. Ảnh: Duy Thông

Luật Nhà ở năm 2023 được Quốc hội Khóa XV thông qua ngày 27.11.2023. Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp và giới chuyên gia, Luật Nhà ở năm 2023 có chất lượng tốt nhất trong hơn 30 năm qua, kể từ Pháp lệnh Nhà ở 1991. Những quy định phù hợp với thực tiễn, đồng bộ với hệ thống pháp luật của Luật sẽ thúc đẩy quá trình thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở cho người dân.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu phát biểu. Ảnh: Duy Thông

Trong đó, Chương VI của Luật Nhà ở năm 2023 đã quy định đồng bộ các cơ chế để phát triển nhà ở xã hội, trước hết là nhằm thực hiện Chương trình phát triển tối thiểu 1 triệu căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021 - 2030 với nhiều chính sách nổi bật.

“Luật quy định rõ UBND cấp tỉnh phải bố trí đủ quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội theo chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh đã được phê duyệt. Cùng với đó, cho phép các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định được cho vay ưu đãi với các đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội. Luật cũng quy định đối tượng thuê nhà ở xã hội thì không phải đáp ứng điều kiện về nhà ở và thu nhập, như vậy rất hợp tình, hợp lý với người lao động”, Tổng Biên tập Phạm Thị Thanh Huyền nêu rõ.

Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền phát biểu khai mạc Tọa đàm. Ảnh: Duy Thông

Luật Nhà ở năm 2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2025. Tuy nhiên để sớm đưa những chính sách tốt đẹp về nhà ở nói chung và nhà ở xã hội nói riêng đi vào cuộc sống, Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ ban hành văn bản hướng dẫn và bảo đảm chất lượng, trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho phép thi hành Luật Nhà ở năm 2023 sớm hơn, có thể là từ tháng 7.2024, cùng với Luật Đất đai và Luật Kinh doanh bất động sản

Hiện, Bộ Xây dựng đã tập trung hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở năm 2023 trong đó có dự thảo Nghị định quy đinh chi tiết một số điều về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Mục đích nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn phát triển và quản lý nhà ở xã hội; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hành chính và bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: Duy Thông

Tại tọa đàm, các đại biểu là đại diện cơ quan của Quốc hội, đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, các chuyên gia và doanh nghiệp đã cùng tập trung thảo luận về các quy định mới về nhà ở xã hội trong Luật Nhà ở và đánh giá các tác động của những quy định mới này đến chủ trương phát triển nhà ở cho người dân của Đảng và Nhà nước ta, đặc biệt là nhà ở cho người thu nhập thấp và người nghèo; những yêu cầu, đòi hỏi tiếp tục cụ thể hóa trong việc soạn thảo, ban hành quy định hướng dẫn các quy định mới về nhà ở xã hội nhằm bảo đảm tính khả thi, và nhanh chóng đi vào cuộc sống. Cùng với đó là đề xuất các giải pháp giúp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của các chủ thể liên quan đến phát triển nhà ở xã hội hiện nay trên nền tảng là các quy định mới trong Luật Nhà ở năm 2023.

Những ý kiến trao đổi tại tọa đàm sẽ đóng góp hữu ích vào tiến trình thực hiện chính sách nhà ở xã hội cũng như quá trình xây dựng dự thảo Nghị định phát triển và quản lý nhà ở xã hội.

Song Hà

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/hon-61-000-luot-nguoi-vao-lang-vieng-bac-dip-le-30-4-1-5-i369889/