Hơn 7.000 tài xế taxi viết tâm thư kiến nghị Thủ tướng

Mới đây, tập thể 180 đoàn viên thanh niên thuộc Đoàn cơ sở Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun Taxi) cùng 7.688 tài xế đã viết tâm thư lên Thủ tướng kiến nghị một số sửa đổi trong dự thảo Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải ô tô…

ảnh minh họa

ảnh minh họa

Kiến nghị sửa đổi Nghị định 86

Tập thể này cho rằng, Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải ô tô đang gây bất bình đẳng giữa loại hình taxi truyền thống và taxi đặt qua phần mềm. Theo nội dung tâm thư, Đề án 24 về ứng dụng công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối xe hợp đồng đã kết thúc hơn 18 tháng. Vì vậy, bản chất của taxi Grab cũng giống như taxi truyền thống nhưng đặt xe và chốt giá trước bằng phần mềm. Hiện nay, ở Việt Nam, các hãng taxi truyền thống như Vinasun, Mai Linh từ lâu cũng đã cung cấp cho khách hàng các ứng dụng đặt xe và chốt giá. Như vậy, vì sao cùng một dịch vụ, cùng một đối tượng khách hàng nhưng taxi truyền thống và taxi Grab lại bị đối xử khác nhau? - câu hỏi được các tài xế nêu ra.

Là một trong những người viết thư kiến nghị, tài xế Nguyễn Phan Định (trú tại TP HCM) có ý kiến: “Thời gian qua, Grab taxi được phép hoạt động tại TP HCM nhưng được ưu ái không cần phải lắp hộp đèn trên mui xe, không dán lô gô. Chính vì vậy, nhiều người không phân biệt được xe Grab taxi và xe cá nhân. Trong khi đó, taxi truyền thống lại phải gắn hộp đèn, gắn lô gô và niêm yết giá cước. Do đó, chúng tôi cho rằng không có sự công bằng giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ”.

“Chúng tôi tha thiết mong Thủ tướng Chính phủ cần xem xét lại, sớm ban hành sửa đổi Nghị định 86/2014, bắt buộc Grab taxi phải gắn hộp đèn trên mui xe và niêm yết giá cước. Như vậy mới lập lại công bằng cho taxi truyền thống”, tài xế Định nêu ý kiến.

Đề nghị mọi xe taxi phải gắn hộp đèn

Tập thể tài xế đứng thư trên còn cho hay: “Cho dù cơ quan thuế nhiều lần thanh tra, kiểm tra Grab nhưng không chỉ ra được bằng chứng trốn lậu thuế. Bởi lẽ, các xe Grab hoạt động “vô hình”, số lượng xe hoạt động không ai kiểm soát, cùng với đó doanh thu thực tế và quãng đường vận chuyển hành khách chỉ có Grab biết”.

Đơn cử, trong 3 năm từ năm 2014 đến năm 2016, trong khi hãng taxi chính thống Vinasun chỉ hoạt động ở TP HCM với 6.000 xe taxi đã nộp vào ngân sách Nhà nước 1.200 tỉ đồng. Trong khi đó, Grab với hơn 37.000 xe thì chỉ nộp thuế có 9,5 tỉ đồng (chỉ bằng 1/130 số thuế mà Vinasun đã nộp).

Thư kiến nghị cũng dẫn chứng, đến tháng 12/2017, Uber và Gab báo cáo số liệu về Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) có 866 hợp tác xã, doanh nghiệp vận tải hoạt động với 36.809 xe hoạt động thì chỉ 4 tháng sau (tháng 4/2018) Uber, Grab lại báo cáo chỉ còn 491 đơn vị tham gia thí điểm. Tuy nhiên, theo số liệu của Cục Thuế TP HCM, tính đến hết 31/12/2018 (tức là 3 tháng sau đó), riêng Grab đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với 1.656 tổ chức, hợp tác xã trên 6 tỉnh, thành phố trong cả nước, gấp 3 lần số thống kê của Bộ GTVT.

Tại phiên chất vấn của Quốc hội trong Kỳ họp thứ 7 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cũng thừa nhận là Bộ không thể quản lý được số lượng xe ô tô tham gia chạy cho Grab…

Cho rằng những quy định hiện nay là bất bình đẳng trong hoạt động giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ, tập thể tài xế Vinasun mong muốn Thủ tướng Chính phủ giữ nguyên quyết định gắn mào cho xe hợp đồng điện tử như dự thảo lần thứ 9 của Nghị định thay thế Nghị định 86/2014 do Bộ GTVT trình Chính phủ.

Cũng theo đơn thư, kinh nghiệm của các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore... cũng quy định 2 loại hình taxi công nghệ và taxi chính thống đều phải gắn hộp đèn trên nóc xe để thuận tiện trong việc nhận diện và quản lý. Do vậy, kiến nghị của các tài xế taxi truyền thống là phù hợp.

Hoàng quý

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/trong-nuoc/hon-7000-tai-xe-taxi-viet-tam-thu-kien-nghi-thu-tuong-465958.html