Hơn 70% doanh nghiệp tư nhân chưa tiếp cận được nguồn tín dụng

Mặc dù, nhiều chính sách được ban hành hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân, song hiện nay vẫn còn tới hơn 70% doanh nghiệp này chưa tiếp cận được nguồn vốn.

Doanh nghiệp tư nhân rất khó tiếp cận các nguồn lực trong đầu tư và phát triển. Nổi bật là nguồn vốn, bởi thủ tục cho vay còn khá khó khăn...Theo ông, Lý Thành Sinh, Giám đốc công ty cổ phần may thêu Minh Long Hưng mặc dù hệ thống ngân hàng đã có nhiều chính sách mở, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tiếp cận, nhất là những doanh nghiệp có quy mô nhỏ. “Chúng tôi cũng đã nhiều lần đề nghị ngân hàng giúp đỡ để đầu tư máy móc thiết bị, thế nhưng ngân hàng từ chối, bởi vì máy móc thiết bị của ngành may không có giấy chứng nhận đăng ký như một cái giấy đăng ký của một chiếc xe ô tô hay là một cái sổ hồng của cái nhà nên ngân hàng từ chối”, ông Sinh chia sẻ.

Thống kê cho thấy, hiện cả nước có trên 1 triệu doanh nghiệp, trong đó có tới hơn 700 doanh nghiệp tư nhân chưa tiếp cận được nguồn vốn, dù đã có nhiều chính sách tăng trưởng tín dụng cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngay tại TP.HCM, cũng có đến 44,5% doanh nghiệp chưa tiếp cận tín dụng.

Lý giải nguyên nhân nhiều doanh nghiệp tư nhân trong tiếp cận vốn vay ngân hàng, ông Phạm Ngọc Hưng, phó chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM cho rằng, doanh nghiệp tư nhân phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, do đó năng lực tài chính còn hạn chế, thông tin tài chính thiếu minh bạch, trong khi lại thiếu tài sản đảm bảo. “Việc tiếp cận nguồn vốn thì rõ ràng rằng là doanh nghiệp tư nhân thì tiếp cận nguồn vốn rất khó tại vì điều kiện người ta vay không có tài sản thế chấp thì rất là khó vay”, ông Hưng nhấn mạnh.

Kinh tế tư nhân hiện đang đóng góp tới 40% GDP cả nước. Ảnh: qdnd.vn

Chẳng những thế, theo báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2018, minh bạch thông tin chưa có nhiều cải thiện: doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận thông tin. Cụ thể, với thang điểm từ 1 đến 5, khả năng tiếp cận của doanh nghiệp với các tài liệu quy hoạch chỉ đạt 2,38 điểm theo điều tra năm 2018, thấp hơn đáng kể mức 2,63 điểm của điều tra năm 2006.

Khả năng tiếp cận của doanh nghiệp với các tài liệu pháp lý có khá hơn, ở mức 3,01 điểm trong năm 2018, song cũng chưa có nhiều cải thiện kể từ những năm đầu tiến hành điều tra. Hiện vẫn có tới 69,4% doanh nghiệp cho biết cần có mối quan hệ để được các tài liệu của tỉnh ( năm 2017 là 70%).

Điều tra PCI 2018 cũng cho thấy, 34% doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin các giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh ngành nghề kinh doanh có điều kiện, 30% gặp khó khăn khi xin giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy, 29% doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin cấp chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật hoặc các loại giấy chứng nhận khác và 17% gặp khó khăn khi xin giấy phép quảng cáo.

Chính vì việc tiếp cận thông tin chưa thuận lợi, nên khả năng các doanh nghiệp dự đoán được việc thực hiện của địa phương đối với các quy định pháp luật của Trung ương rất hạn chế và khiến các doanh nghiệp bị động. Điều này cũng cản trở các kế hoạch mở rộng đầu tư và kinh doanh của doanh nghiệp.

Hà Linh

Nguồn NCĐT: https://nhipcaudautu.vn/thuong-truong/hon-70-doanh-nghiep-tu-nhan-chua-tiep-can-duoc-nguon-tin-dung-3329336/