Hơn 700 loại thuốc vừa được gia hạn

Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa gia hạn thêm 715 thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vắc-xin và sinh phẩm y tế.

Theo đó, số thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vắc-xin và sinh phẩm y tế này được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/2024. Đây là đợt gia hạn thứ 2 của năm 2023 theo Nghị quyết số 80 của Quốc hội.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trong số 715 thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vắc-xin và sinh phẩm y tế được gia hạn lần này, có 713 thuốc sản xuất trong nước; 2 sản phẩm thuốc nước ngoài.

Các thuốc, nguyên liệu làm thuốc được công bố gia hạn đợt này có cả thuốc điều trị bệnh lý thông thường đến điều trị bệnh lý chuyên khoa đặc trị như tim mạch, tiêu hóa, tiểu đường, cơ xương khớp, hô hấp, nhiễm khuẩn, ung thư... kháng sinh, kháng viêm.

Cục Quản lý Dược nêu rõ, trong trường hợp thuốc, nguyên liệu làm thuốc đã thực hiện thay đổi, bổ sung trong quá trình lưu hành hoặc có đính chính, sửa đổi thông tin liên quan đến giấy đăng ký lưu hành đã được cấp, doanh nghiệp xuất trình văn bản phê duyệt hoặc xác nhận của Cục Quản lý Dược với các cơ quan, đơn vị liên quan để thực hiện các thủ tục theo quy định pháp luật.

Trước đó, ngày 8/2, tại quyết định số 62/QĐ-QLD, Cục trưởng Cục Quản lý Dược đã gia hạn gần 8.880 thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vắc-xin và sinh phẩm y tế.

Như vậy, sau 2 đợt gia hạn theo Nghị quyết số 80 ngày 9/1/2023 của Quốc hội, đến nay đã có gần 9.600 thuốc và sinh phẩm y tế được gia hạn.

Cũng về thuốc chữa bệnh, ngày 22/2, Hội đồng đàm phán giá thuốc Bộ Y tế đã đàm phán thành công 64 loại thuốc còn lại trong số 69 loại thuốc biệt dược gốc mời thầu.

Đây là thuốc Navelbine điều trị ung thư (hàm lượng 10mg, dạng tiêm; 20mg và 30mg là thuốc viên). Kết quả đàm phán giá 3 thuốc này giảm được khoảng hơn 5%, tiết kiệm được khoảng 40 tỷ đồng.

Ông Lê Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia, Bộ Y tế cho biết, thời gian qua, Bộ Y tế đã tiến hành đàm phán giá với 69 loại thuốc biệt dược, thuốc gốc có giá trị sử dụng lớn.

Trong đó, đã đàm phán thành công 61 loại thuốc, 4 thuốc thiếu điều kiện (hồ sơ, số đăng ký…), đàm phán không thành công 1 loại thuốc.

Với việc đàm phán thành công 3 thuốc còn lại trong số 69 loại thuốc biệt dược gốc mời thầu, ước tính việc đàm phán thành công 64 loại thuốc đã giảm được giá khoảng 14,8%, tương đương với tổng gói thầu giảm được khoảng gần 2.000 tỷ đồng.

Bộ Y tế cho biết, tới đây, Bộ sẽ tiến hành đàm phán giá khoảng 100 loại thuốc khác. Về thuốc đấu thầu tập trung theo báo cáo của Sở y tế và nhà thầu thì việc cung ứng đáp ứng 97%.

Danh mục đàm phán giá chia thành các nhóm: Biệt dược gốc điều trị ung thư và điều hòa miễn dịch, biệt dược gốc chống nhiễm khuẩn, biệt dược gốc điều trị tim mạch, biệt dược gốc chứa Insulin và điều trị tiểu đường, biệt dược gốc tác dụng trên đường hô hấp, biệt dược gốc tác dụng đối với máu.

Đây là những thuốc có nhu cầu lớn tại các cơ sở y tế công lập và có giá trị sử dụng trên 100 tỷ đồng/năm.

Về giá thuốc theo Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan, thông qua đấu thầu, đấu thầu tập trung và đàm phán giá thuốc giúp tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng cho quỹ bảo hiểm y tế (theo báo cáo của Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia, thông qua đấu thầu tập trung cấp quốc gia năm 2022).

Tổng giá trị thuốc trúng thầu giảm 17,98% (giảm 1.419 tỷ) so với giá kế hoạch), giúp cho giá thuốc tại các cơ sở y tế được kiểm soát chặt chẽ, thống nhất tại từng địa phương, một số mặt hàng giá thuốc được thống nhất trên toàn quốc.

Giá thuốc biệt dược gốc tại Việt Nam thuộc vào hàng thấp nhất ASEAN ở hầu hết các nhóm thuốc điều trị chính.

Cụ thể, nhóm thuốc tim mạch: thấp hơn Malaysia 12%; thấp hơn Thái Lan 146%; thấp hơn Indonesia 90%, thấp hơn Philippines 52%; Nhóm thuốc điều trị ung thư: bằng Malaysia; thấp hơn Thái Lan 76%; thấp hơn Indonesia 51%, thấp hơn Philippines 50%).

Tỷ trọng sử dụng thuốc biệt dược gốc tại các cơ sở y tế tại Việt Nam là 11%, thấp hơn Malaysia (36%), Thái Lan (21%), Philippines (21%).

Mặt khác, thông qua việc triển khai các quy định ưu đãi trong mua thuốc tại Luật Đấu thầu, Thông tư số 03/2019/TT-BYT ngày 28/3/2019 giúp cho tỷ lệ sử dụng thuốc trong nước tại các cơ sở y tế đã tăng lên hơn theo từng năm và tỷ lệ này cao hơn tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện.

Cụ thể, tỷ lệ (%) trị giá thuốc sản xuất trong nước/tổng trị giá thuốc trúng thầu năm 2019 là 26,29; năm 2020 là 27,16; năm 2021 là 31,97.

Qua hoạt động rà soát sơ bộ giá thuốc kê khai trước khi công bố (thực hiện theo quy trình tiếp nhận, rà soát và công bố giá thuốc kê khai, kê khai lại trên Hệ thống dịch vụ công trực tuyến, qua đó giá thuốc kê khai được kiểm soát, không có hiện tượng tăng giá đột biến).

Giá thuốc kê khai, giá thuốc trúng thầu tại các cơ sở y tế được công bố công khai trên Trang thông tin điện tử của Cục Quản lý Dược giúp cho các đơn vị tham khảo trong quá trình xây dựng giá kế hoạch tại các kế hoạch lựa chọn nhà thầu

Cụ thể, tổng số lượng mặt hàng thuốc có giá kê khai được công bố đến hết năm 2022 là: 65.452 thuốc (tăng 1.446 thuốc so với năm 2021, tăng 3.359 thuốc so với năm 2020 và tăng 5.980 thuốc so với năm 2019) và số lượng mặt hàng thuốc có giá trúng thầu được công bố qua các năm như sau: Năm 2020: 93.733; năm 2021: 85.486 và năm 2022:81.063.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/hon-700-loai-thuoc-vua-duoc-gia-han-d184661.html