Hơn bảy thập kỷ may cờ Tổ quốc

Là một nghề mưu sinh như bao nghề khác, nhưng mỗi khi nói về sản phẩm, về nghề của mình, người dân làng Từ Vân (xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội) lại trào dâng niềm tự hào. Bởi công việc hàng ngày của họ là may những lá cờ Tổ quốc. Càng tự hào hơn, khi ngày Quốc khánh 2-9-1945, người dân làng Từ Vân đã có vinh dự may cờ chuẩn bị cho sự kiện trọng đại của dân tộc.

Những ngày cuối tháng 8, trên khắp những nẻo đường, cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới khiến lòng người thêm náo nức. Cũng bởi thế, nhịp độ công việc của người dân làng Từ Vân hối hả hơn để đáp ứng nhu cầu của xã hội. Ông Nguyễn Văn Hường, người có hơn 40 năm gắn bó với nghề may cờ cho biết: “Làng Từ Vân từ xưa đã nổi tiếng khắp nơi bởi nghề truyền thống thêu, dệt. Năm 1945 đã có không ít người dân trong làng lên Hà Nội mở cửa hàng bán các sản phẩm thêu truyền thống trên phố Hàng Bông. Và nhiều người trong số họ được giao nhiệm vụ may cờ Tổ quốc phục vụ Cách mạng. Đó là vinh dự, tự hào của người dân mỗi khi nhìn thấy lá cờ tung bay trên quảng trường Ba Đình lịch sử”. Kể từ đó, một số người làng Từ Vân đem nghề may cờ về quê hương.

Câu chuyện may cờ luôn đi cùng những bước thăng trầm của lịch sử. Chỉ hơn 1 năm sau khi nước nhà giành độc lập (1946), thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta lần thứ hai, Toàn quốc kháng chiến nổ ra. Bác Hồ và Trung ương rút lên Thủ đô gió ngàn Việt Bắc. Nhu cầu sản xuất cờ phục vụ Cách mạng vẫn hết sức cấp bách. Lúc này, làng Từ Vân thuộc vùng địch tạm chiếm. Công việc may cờ bỗng chốc trở thành công việc hết sức nguy hiểm. Bọn mật thám ráo riết truy tìm những người may cờ. Trong hoàn cảnh bị khủng bố gắt gao, những người thợ may làng Từ Vân vẫn bí mật sản xuất rồi chuyển cờ đến những chiến sĩ Cách mạng. Lá cờ của làng Từ Vân truyền lửa Cách mạng, đến ngày chúng ta giành chiến thắng hoàn toàn. Bước sang thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, lá cờ Từ Vân lại theo chân những anh bộ đội đi khắp các nẻo đường đất nước.

Người làng Từ Vân luôn tâm niệm, không phải ai cũng may mắn được may cờ và may được cờ. Để làm ra một chiếc cờ đẹp trải qua khoảng mười công đoạn, từ chọn vải, cho đến cắt, may. Tưởng đơn giản nhưng lá cờ được quy định chặt chẽ về kích thước, tỷ lệ nên người thợ phải làm việc hết sức cẩn thận. May cờ khó nhất là khâu đính sao vàng vào lá cờ theo đúng tỷ lệ. Công đoạn này đòi hỏi người thợ phải thao tác tỉ mỉ và chính xác tuyệt đối.

Một trong những gia đình nổi tiếng nhất ở Từ Vân là gia đình anh Nguyễn Văn Phục. Nghề may cờ đã được truyền qua 4 đời và anh Phục đã theo nghề ngót 20 năm. Gắn bó với nghề, và luôn tâm niệm lá cờ Tổ quốc luôn được dùng trong những ngày lễ trọng đại, được treo ở những nơi trang trọng nên anh Phục luôn tìm tòi cải tiến các công đoạn để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Chị Duyên, vợ của anh Phục, cho biết kể từ khi về làm dâu gia đình, chị cũng bắt đầu học nghề may cờ, đến nay đã trở thành một thợ làm cờ thành nghề. Dịp Quốc khánh 2/9, gia đình anh chị trở nên bận rộn hơn khi liên tục có những đơn đặt hàng từ Hà Nội và các tỉnh thành xung quanh. Có những hôm phải làm cả ngày cả đêm mới hoàn thành đơn hàng.

Tính đến thời điểm này, làng Từ Vân có hơn mười hộ gia đình may cờ, công việc bận rộn quanh năm. Cùng với niềm tự hào may lá cờ Tổ quốc, thì nghề may cờ đã mang lại đời sống no ấm cho vùng quê ngoại thành này.

Tuệ Phương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/xa-hoi/hon-bay-thap-ky-may-co-to-quoc-tintuc414392