Hơn cả sống còn (*)

Tại sao nhà lãnh đạo Kim Jong-un theo đuổi tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) - thứ vũ khí đem lại cho ông khả năng tấn công lục địa Mỹ bằng vũ khí hạt nhân?

Một phần của câu trả lời là "để sống còn", bởi Mỹ sẽ không tiến hành một cuộc chiến tranh ngăn ngừa nhằm vào Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng có khả năng đánh trả bằng vũ khí hạt nhân. Thế nhưng, nếu đó là lý do duy nhất thì tình hình đã không căng thẳng như lúc này.

Năng lực răn đe từng có tác dụng thời chiến tranh lạnh. Một khi ông Kim Jong-un có ICBM, cả hai bên đều phải dè chừng. Nhưng tham vọng của ông Kim dường như lớn hơn mục đích sinh tồn đơn thuần. Nhà lãnh đạo này còn trẻ và tin rằng mình sẽ nắm quyền lực thêm 40 năm nữa. Các quả ICBM sẽ là chìa khóa cho chiến lược dài hạn của ông.

Nhiều khả năng ông Kim Jong-un cho rằng ICBM ép được Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc, từ đó thay đổi cơ bản cán cân quyền lực trong khu vực. Có thể ông ta đúng. Hãy đọc lại bài phỏng vấn đáng chú ý của ông Steve Bannon, cựu Chiến lược gia trưởng của Tổng thống Mỹ Donald Trump, với trang The American Prospect. (Chỉ 2 ngày sau bài phỏng vấn này, ông Bannon bị cách chức).

Ông Bannon nói không có giải pháp quân sự đối với mối đe dọa ICBM và nghiêng về một thỏa thuận mà trong đó, Mỹ rút hết lực lượng - hiện khoảng 28.500 quân - ở Hàn Quốc để đổi lấy việc Triều Tiên đóng băng chương trình hạt nhân cũng như chấp nhận chịu giám sát.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong một bản tin phát sóng tại thủ đô Tokyo - Nhật Bản hôm 3-9 Ảnh: REUTERS

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong một bản tin phát sóng tại thủ đô Tokyo - Nhật Bản hôm 3-9 Ảnh: REUTERS

Nếu có đọc bài phỏng vấn này, hẳn ông Kim Jong-un rất hài lòng. Bài báo lột tả bản chất chủ nghĩa biệt lập của chính sách "Nước Mỹ trên hết" đang trỗi dậy tại Mỹ. Lợi ích của Mỹ là tối thượng. Với chính sách đối ngoại như thế, Mỹ sẽ không chịu đánh đổi sự an toàn của riêng mình với an ninh cho các đồng minh. Đã qua rồi những ngày chiến tranh lạnh, khi mà Mỹ sẵn sàng hy sinh New York để Tây Berlin hay Paris được bảo đảm. Mỹ có thể không rút quân khỏi Hàn Quốc ngay lập tức nhưng 10-20 năm nữa thì không biết chừng.

Ông Kim Jong-un chắc chắn sẽ tiếp tục gia tăng sức ép lên Mỹ một khi Triều Tiên có trong tay năng lực ICBM đáng tin cậy.

Trước hết, ông ta sẽ dùng lực lượng quy ước, như người cha Kim Jong-il đã dùng 2 lần vào năm 2010, để tấn công một tàu chiến Hàn Quốc và đảo Yeonpyeong, tiếp đó hứa hẹn đánh thẳng vào Mỹ nếu lực lượng của nước này đáp trả.

Những khủng hoảng này sẽ càng thổi bùng thành phần dân tộc chủ nghĩa ở Mỹ và mở đường cho một thỏa thuận như ông Bannon đề xuất ở trên. Trong trường hợp thỏa thuận thành công, Đông Bắc Á sẽ chịu ảnh hưởng khủng khiếp.

Trong khi một cuộc chiến tranh Triều Tiên mới có nguy cơ bùng nổ thì Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đi theo con đường hạt nhân để tự vệ. Nhiều khả năng Triều Tiên sẽ không tuân thủ thỏa thuận. Thay vào đó, họ tiếp tục theo đuổi chương trình ICBM một cách bí mật để có thể ngăn chặn bất cứ hỗ trợ nào của Mỹ dành cho Hàn Quốc hoặc Nhật Bản. Đây là một lỗ hổng trong cuộc tranh cãi hiện nay quanh chính sách về Triều Tiên.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump vẫn hy vọng có thể gây đủ áp lực để buộc ông Kim Jong-un chuyển hướng. Nhưng cơ hội này không cao. Triều Tiên từng chịu nạn đói nghiêm trọng vào những năm 1990 nhưng chưa bao giờ từ bỏ chương trình vũ khí.

Trong khi đó, kinh tế của họ lúc này đã khá hơn nhiều. Thay vì đặt hết trứng vào cái rổ trừng phạt, Mỹ phải chuẩn bị cho một thời kỳ mới. Mỹ phải đưa chương trình ICBM của ông Kim về lại giá trị cũ - sự sống còn.

Mỹ phải tăng sức ép chưa từng có lên Triều Tiên. Mỹ cũng phải lôi kéo được sự giúp đỡ của Trung Quốc trong nhiệm vụ này. Mặt khác, Mỹ nên tiếp tục củng cố quan hệ đồng minh trong khu vực để nhằm vào các điểm yếu của Bình Nhưỡng.

Nhưng Trung Quốc sẽ phản ứng ra sao? Kiềm chế Triều Tiên đồng nghĩa với việc tăng cường các hệ thống phòng thủ tên lửa và triển khai thêm lực lượng của Mỹ đến Đông Bắc Á. Đó là chưa kể khả năng Nhật Bản và Hàn Quốc có được vũ khí hạt nhân.

Điều này sẽ làm suy yếu môi trường chiến lược của Trung Quốc. Nếu Trung Quốc tham gia bao vây Triều Tiên, họ sẽ gia cố ảnh hưởng trong khu vực, nếu đứng bên lề thì họ mất cơ hội đó.

Kiềm chế Triều Tiên sẽ là phần cốt yếu trong chiến lược châu Á của Mỹ trong nhiều năm nữa, thậm chí nhiều thập kỷ nữa. Các tổng thống kế tiếp phải thực hiện nó một cách trách nhiệm - một điều khó khăn và nguy hiểm. Nhưng như thế còn tốt hơn, bởi giải pháp rút lực lượng Mỹ sẽ đẩy Đông Bắc Á tới bờ vực của một cuộc chiến tranh Triều Tiên mới.

(*) Tựa do tòa soạn đặt lại

HẢI NGỌC (lược dịch từ tạp chí Australian Financial Review)

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/hon-ca-song-con--20170906214119248.htm