Hòn đảo hội tụ đỉnh cao công nghệ vũ trụ của Nhật Bản

Đảo Tanegashima ở tỉnh Kagoshima được mệnh danh là 'đảo tên lửa' của Nhật Bản, song triển vọng kinh tế của hòn đảo đã suy yếu trong bối cảnh dân số giảm và thiếu cơ sở kinh doanh.

Vào tháng 4, thành phố cảng Nishinoomote, trên đảo Tanegashima, đã chào đón cửa hàng hamburger Mos Burger đầu tiên sau 20 năm không có một cơ sở kinh doanh thức ăn nhanh nào. Sự kiện này đánh dấu khởi đầu mới đầy tiềm năng cho nền kinh tế trên đảo.

Tanegashima không chỉ là hòn đảo cận nhiệt đới với những bãi biển nguyên sơ, mà còn là đỉnh cao công nghệ vũ trụ - nơi đặt bệ phóng tên lửa chính của Nhật Bản, Trung tâm Vũ trụ Tanegashima.

Tuy nhiên, triển vọng kinh tế của hòn đảo đã suy yếu trong bối cảnh dân số giảm, thiếu cơ sở công nghiệp và trung tâm nghiên cứu.

Dân số Tanegashima đã giảm gần một nửa trong 50 năm qua. Dịch vụ xe buýt không thường xuyên là phương tiện giao thông công cộng duy nhất trên đảo và chỉ có 4 chuyến bay từ đất liền mỗi ngày.

Tính đến tháng 12/2021, hòn đảo có 120 khách sạn và nhà trọ, song con số này đang giảm dần khi các chủ sở hữu nghỉ hưu vì thiếu người kế nhiệm. Số du khách đến đảo cũng giảm xuống còn 290.000 vào năm 2019, so với 450.000 năm 2007.

"Nhiều người Nhật biết cái tên Tanegashima, nhưng họ không biết nó ở đâu", Shuichi Takayama, quan chức tỉnh Kagoshima, than thở.

Tuy nhiên, sự kiện khai trương của Mos Burger có thể là dấu hiệu cho thấy vận may của hòn đảo đang hồi sinh, theo Nikkei Asia.

Vận may hồi sinh

Sự kiện khai trương cửa hàng hamburger diễn ra sau quyết định phát triển đường băng trên đảo Mageshima lân cận của Bộ Quốc phòng Nhật Bản. Đường băng mới được dùng để tổ chức các cuộc diễn tập hạ và cất cánh (FCLP) trên tàu sân bay của Hải quân Mỹ, vốn được tiến hành trên đảo Iwo Jima.

Quyết định chuyển địa điểm diễn tập nhằm triển khai hoạt động dễ dàng hơn và phù hợp với sự thay đổi trong kế hoạch phòng thủ của Nhật Bản.

Theo đó, hơn 500 lao động đang tham gia xây dựng đường băng. Khoảng 7h mỗi sáng, nhóm lao động này đến Mageshima trên những chiếc thuyền đánh cá từ thành phố Nishinoomote, Tanegashima.

Các công ty xây dựng trả tiền hậu hĩnh cho các chuyến đi, mang lại nguồn thu nhập béo bở cho chủ thuyền địa phương. Ngành công nghiệp khách sạn tại Tanegashima cũng đang hoạt động tốt hơn với số lượng công nhân xây dựng dự kiến tăng lên 3.000-4.000 vào năm 2024.

Ngoài các công nhân xây dựng, 100-150 binh sĩ từ Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) cũng sẽ cần nơi ở khi được điều đến Tanegashima hỗ trợ các hoạt động diễn tập.

Một số cư dân địa phương đã phản đối diễn tập vì lo ngại ô nhiễm tiếng ồn, khiến gia súc khó chịu và hạn chế hoạt động đánh bắt cá - ngành công nghiệp trụ cột của hòn đảo.

Các vùng biển xung quanh Mageshima sẽ bị cấm đánh bắt trong quá trình huấn luyện. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang bù đắp dưới hình thức hỗ trợ tài chính cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục địa phương.

Chính quyền Tanegashima cũng hy vọng các dự án xây dựng sẽ thúc đẩy đáng kể nền kinh tế trên đảo.

 Công nhân xây dựng đi từ Tanegashima đến Mageshima mỗi sáng. Ảnh: Nikkei Asia.

Công nhân xây dựng đi từ Tanegashima đến Mageshima mỗi sáng. Ảnh: Nikkei Asia.

Song các cơ hội phát triển đang bị hạn chế bởi tình trạng thiếu chỗ ở và phương tiện giao thông. Do các vụ phóng diễn ra không thường xuyên, doanh nghiệp không có động lực phát triển cơ sở sản xuất lâu dài, chỗ ở mới hoặc phương tiện giao thông công cộng trên đảo.

Triển vọng kinh tế u ám cũng thúc đẩy người dân địa phương rời đảo đến các thành phố lớn, khiến việc thu hút nhà sử dụng lao động khó khăn hơn.

Trong bối cảnh đó, Cơ quan Thám hiểm Hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) đang nỗ lực hỗ trợ ngành công nghiệp địa phương.

Việc phát triển tên lửa H3 có thể giúp khai phá tiềm năng của hòn đảo, dù lần thử nghiệm đầu tiên hôm 7/3 đã thất bại, theo CNN.

“Các nhà cung cấp sẽ có xu hướng đầu tư và kinh doanh ở Tanegashima nhiều hơn nếu có khả năng dự đoán tốt hơn về nhu cầu đối với dịch vụ của họ”, Takefumi Wakamatsu, quản lý tại Trung tâm Vũ trụ Tanegashima, cho biết.

Năm khó khăn

Đối với các nhà cung cấp ở Tanegashima, 2022 là một năm khó khăn. Hòn đảo này không có một vụ phóng nào trong năm 2022 vì JAXA tập trung chuẩn bị cho lần phóng đầu tiên của tên lửa H3.

Ông Jun Iwatsubo, Giám đốc điều hành cấp cao của Cosmotec - công ty chịu trách nhiệm duy trì cơ sở phóng với 250 nhân viên, chia sẻ sự gián đoạn "thực sự khiến tôi gặp khó khăn".

“Doanh số bán hàng của chúng tôi tăng và giảm tùy thuộc vào số lượng đợt phóng”, ông nói.

Cosmotec chịu trách nhiệm cung cấp mọi thứ từ điện, nước đến các chất đẩy như hydro và oxy lỏng. Công ty này vận hành các nhà máy nhiệt điện trong trạm vũ trụ, sửa chữa mọi hư hỏng do tên lửa gây ra cho bệ phóng và ngăn không khí mặn gây rỉ sét trên các đường ống.

Là người dân Tanegashima và đã có 40 năm gắn bó với Cosmotec, ông Iwatsubo cho biết việc tuyển dụng là một trong những thách thức lớn nhất đối với công ty.

Hòn đảo từng có 4 trường trung học nhưng hiện chỉ còn 2, và không có trường đại học. Trẻ em bắt đầu rời đảo từ cấp trung học và phần lớn không quay trở lại.

"Chúng tôi từng có 270 công nhân. Nhưng trong 4-5 năm gần đây, số lượng bắt đầu giảm nhanh. Mọi người rời đi, nói là cần chăm sóc cha mẹ già. Chúng tôi cố gắng tìm công nhân mới trên đảo, nhưng rất khó", ông Iwatsubo nói.

Hòn đảo này cũng đang cảm nhận tác động từ sự cạnh tranh toàn cầu. Nhà thầu chính sản xuất tên lửa Nhật Bản, Mitsubishi Heavy Industries, muốn cắt giảm chi phí phóng và thời gian thực hiện. Điều đó có nghĩa các nhà cung cấp như Cosmotec phải cắt giảm chi phí tương ứng.

“Sẽ rất khó kiếm đủ sống nếu chỉ làm việc cho Trung tâm Vũ trụ Tanegashima”, ông Iwatsubo nói và kỳ vọng vào đường băng ở Mageshima.

Trong khi đó, ông Tatsuya Hirahata, quản lý Space Service - công ty điều phối nhân sự với khách hàng chính là JAXA, cũng đang tìm kiếm chất xúc tác kinh tế trong quá trình phát triển Mageshima.

Sinh ra trên đảo Tanegashima, ông Hirahata nhận thấy vận may đang lụi tàn ở quê hương mình khi trở về nhà vào 6 năm trước. Ông nói có rất ít thanh niên trên đường phố và "lái xe rất suôn sẻ vì đường vắng".

Tanegashima được mệnh danh là "đảo tên lửa" của Nhật Bản. Ảnh: Nikkei Asia.

Đối với người dân bản địa ở Tanegashima, các vụ phóng tên lửa đã trở thành một phần cuộc sống.

“Như một trận động đất nhỏ vậy", Ayako Kayakiri, một người dân địa phương, chia sẻ. "(Chúng tôi) cảm nhận được ngay cả khi ở trong nhà và (vụ phóng) diễn ra từ xa. (Chúng tôi) nhận thấy sự rung chuyển khi cửa sổ bắt đầu kêu lạch cạch và nghe thấy tiếng gầm".

Yasunori Matogawa, cựu kỹ sư cao cấp của JAXA, cho rằng cơ quan hàng không vũ trụ nên đóng vai trò tích cực hơn trong việc phát triển ngành vũ trụ trên đảo Tanegashima.

"Mọi người đến Tanegashima để xem một vụ phóng tên lửa. Nhưng khi vụ phóng bị trì hoãn, họ không có việc gì khác để làm trên đảo. Tại sao JAXA không thể hợp tác với các tổ chức khác để biến hòn đảo thành một điểm tham quan thú vị?", ông đặt câu hỏi.

Ông Matogawa tin rằng việc cải thiện các dịch vụ giáo dục sẽ rất quan trọng nếu hòn đảo muốn thu hút nhiều cư dân hơn. Ông dẫn chứng các ví dụ thành công như một bảo tàng vũ trụ ở Yokohama đã thu hút du khách bằng cách tổ chức 1.000 sự kiện khoa học trực tiếp mỗi năm với sự giúp đỡ của các tình nguyện viên.

"Tanegashima có thiên nhiên phong phú. Thực vật và động vật là những chủ đề khoa học tuyệt vời", ông nói.

Hải Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dao-ten-lua-tro-thanh-buc-tranh-thu-nho-cua-nen-kinh-te-nhat-ban-post1435081.html