Hồn Gạc Ma trong những ngôi mộ gió

Đã 35 năm, thi thể 64 liệt sĩ Gạc Ma vẫn còn nằm lại nơi biển lạnh, thì cũng ngần ấy năm những ngôi mộ gió đã an ủi phần nào tâm can người sống, nhắc nhở thế hệ trẻ về một mảnh đất thiêng nhuộm máu cha ông chưa quy tụ về một mối với non sông, đất nước.

Linh thiêng mộ gió

Nắng chiều tháng 3 vàng ươm khu Nghĩa trang Liệt sĩ TP Đà Nẵng (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang). Nghĩa trang này là nơi an nghỉ của hơn 720 liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân của TP Đà Nẵng. Ngay sau tượng đài của nghĩa trang, 6 ngôi mộ gió nằm quây quần dưới bóng một gốc cây lớn, có cùng ngày hy sinh của 64 liệt sĩ ở đảo chìm Gạc Ma (quần đảo Trường Sa của Việt Nam), ngày 14/3/1988.

Ngày trước, nơi đây có 7 ngôi mộ gió, nhưng mộ liệt sĩ Nguyễn Phú Đoàn đã được dời về nghĩa trang liệt sĩ phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn) để gia đình tiện việc đi lại, hương khói. Tuy mộ gió, nhưng nghi lễ di dời về được gia đình, địa phương tổ chức đầy đủ, theo đúng truyền thống và rất trang trọng.

Anh Trần Văn Hùng và đồng nghiệp thắp hương, chăm sóc những ngôi mộ gió liệt sĩ Gạc Ma ở nghĩa trang liệt sĩ TP Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Thành

Đã 10 năm gắn bó với Nghĩa trang liệt sĩ TP Đà Nẵng, anh Trần Văn Hùng (44 tuổi, Tổ trưởng Tổ quản trang) thuộc từng dãy mộ, nhớ từng vị trí gần như chính xác mỗi khi dẫn thân nhân, khách, cán bộ lãnh đạo thành phố đến thăm viếng nghĩa trang mà không cần lật dở sơ đồ.

Nhà ở thôn Phú Sơn Nam (xã Hòa Khương) hàng ngày anh Hùng cùng anh Nguyễn Đức Sang (53 tuổi, thôn Phú Sơn 2, nhân viên tổ quản trang) thay phiên nhau túc trực, chăm sóc cây xanh, tạo khuôn viên và hương đèn cho các anh hùng liệt sĩ. Công việc lặng thầm nhưng đầy ý nghĩa, được các anh làm với tấm lòng tri ân, biết ơn các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống vì Tổ quốc.

Anh Hùng kể, được Sở Xây dựng phân công phụ trách Nghĩa trang liệt sĩ thành phố là một niềm vinh dự đối với anh và gia đình. Công việc hàng ngày khá nhẹ nhàng nhưng đòi hỏi tinh thần trách nhiệm. Khu vực tâm linh và ý nghĩa nên anh luôn dặn lòng phải hoàn thành và không bao giờ được chểnh mảng.

Với 6 ngôi mộ gió của liệt sĩ Gạc Ma, cả anh Hùng và anh Sang đều thuộc tên tuổi từng người. Anh Hùng cho biết: Ở nghĩa trang dù mộ gió, hay mộ liệt sĩ chưa xác định danh tính các anh cũng đều chăm nom, hương khói hàng ngày như nhau. Mỗi khi có đoàn thân nhân, khách đến dâng hương, thăm viếng nghĩa trang, anh vẫn thường kể, và nhắc nhở mọi người đến thăm viếng khu mộ gió của liệt sĩ Gạc Ma. Những ngày tháng 3, nhiều thân nhân, đồng đội đến nghĩa trang để thắp hương cho 6 ngôi mộ và các anh hùng liệt sĩ.

Thắp hương cho 6 ngôi mộ gió giữa bát ngát nghĩa trang các liệt sĩ, anh Hùng chia sẻ: “Tuy mộ các anh không hài cốt, nhưng tên tuổi khắc lên bia, đặt ở khu linh thiêng, tôi tin đều có hương hồn cả”.

Ước nguyện mẹ già

Mẹ Nguyễn Thị Trước năm nay 92 tuổi nhưng vẫn đau đáu nỗi nhớ thương về người con trai liệt sĩ Phạm Văn Lợi thân xác vẫn nằm ở Gạc Ma. Đã mấy năm nay tuổi cao, mẹ Trước không lên nghĩa trang viếng mộ gió con trai được. Mẹ bảo: “Mấy năm rồi không lên được nhưng cũng an lòng vì có anh em quản trang thay mẹ hương đèn cho con”.

Năm trước, tôi cùng anh em Ban liên lạc Bộ đội Trường Sa TP Đà Nẵng (giai đoạn 1984-1988) thăm gia đình, mẹ Trước hãy còn khỏe mạnh. Nay ghé thăm nhà, mẹ đã già yếu hẳn. Nghe tiếng gọi, mẹ Trước tay chống gậy, khập khiễng từ buồng bước ra một cách khó nhọc. Mẹ bảo, vừa bị té ngã, gãy xương đùi phải phẫu thuật bắt 3 vít trong xương.

Trong căn nhà nhỏ trên đường Lưu Nhân Chú (phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ) mẹ Trước kể, đời mẹ 7 lần sinh nở nhưng vì nghèo khó, ốm đau, bệnh tật mẹ mất đi 2 người con khi còn nhỏ. Năm 1988, Trung Quốc nổ súng chiếm Gạc Ma, anh Lợi hy sinh, mẹ chỉ còn 4 người con. Trong số 4 người con còn sống, người con út là Phạm Văn Tâm, 45 tuổi bị bệnh thiểu năng, 3 người con (2 gái, 1 trai) ai cũng có hoàn cảnh riêng nên không đỡ đần mẹ được nhiều. Căn nhà nhỏ của mẹ đang ở được xây dựng trên thửa đất tái định cư mà mấy chục năm trước gia đình được bố trí sau khi nhường đất cho cuộc kiến tạo xây dựng Đà Nẵng.

Mẹ Trước kể, anh Lợi sinh năm 1968 nhập ngũ và hy sinh khi tuổi vừa tròn 20. Dù tuổi cao, sức yếu, nhưng câu chuyện về cậu con trai hết mực yêu thương mẹ và em trai trong tâm thức mẹ Trước vẫn còn y nguyên. “Từ nhỏ thằng Lợi là đứa nhanh nhẹn, khỏe mạnh, thương mẹ cha. Gánh rau nặng nó giành gánh, không bao giờ để mẹ phải ghé vai. Em trai khờ dại, ốm đau, có gì ngon Lợi cũng để cho em hết”, bà Trước nhớ lại.

Gác lửng căn nhà, cạnh nơi thờ tự chồng con là hai tấm bằng Huân chương chiến công hạng Ba (12/1988) và Tổ quốc ghi công (12/1990) được Hội đồng Nhà nước truy tặng ghi nhận sự hy sinh anh dũng của liệt sĩ Phạm Văn Lợi vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bên cạnh hai tấm bằng sáng chói chiến công là bức ảnh cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa khổ lớn, mỗi lần nhìn ngắm mẹ Lợi đều xúc động nghẹn ngào. Chiếc Huân chương chiến công với sao vàng lấp lánh được truy tặng cho con trai, với mẹ Trước đó là kỷ vật duy nhất về anh Lợi. Bởi, ngày đó nhà nghèo, khăn gói lên đường anh không để lại vật dụng gì.

Mẹ Trước nhớ lại, vào quân ngũ được 1 năm thì anh Lợi về quê ăn Tết với gia đình 2 ngày rồi lại lên đường ra đảo. Đó là lần cuối mẹ Trước được thấy mặt con trai. Để rồi đến cuối tháng Giêng gia đình bàng hoàng nhận tin dữ, anh Lợi hy sinh ở Gạc Ma.

“Ở chốn linh thiêng, công việc tuy buồn nhưng niềm vui của anh em là được thay gia đình các anh hùng liệt sĩ, chăm nom cho những phần mộ. Hai anh em vẫn thường tâm niệm, làm việc bằng cái tâm cao quý thì anh linh các anh hùng liệt sĩ sẽ phù hộ cho gia đình mình luôn bình an, mạnh khỏe”. anh Trần Văn Hùng

“Giữa thời bình, đâu ai nghĩ có ngày con trai hy sinh, thân xác mất tích giữa biển khơi. Nếu như Lợi còn sống, thân già này chắc đỡ khổ hơn”, mẹ Trước vừa nói vừa nắn tay con trai út Phạm Văn Tâm đang nằm bẹp trên giường.

Gần 2 tháng nay, anh Tâm đổ bệnh tay chân sưng phù, ăn vào là nôn. Mọi việc từ ăn uống, chăm sóc con đều do mẹ Trước quán xuyến, thỉnh thoảng con gái mới ghé thăm. Mẹ bảo, mọi khoản thuốc men, ăn uống lo cho anh Tâm đều trông chờ vào khoản trợ cấp liệt sĩ của anh Lợi. Con cái, ai cũng khó khăn mẹ không dám than phiền.

Mẹ Nguyễn Thị Trước 92 tuổi chăm sóc con trai út bệnh tật, ốm đau Ảnh: Nguyễn Thành

“Thằng Tâm nằm đó, ốm đau, thằng Lợi xương cốt còn nơi biển lạnh, mẹ nhắm mắt cũng không an lòng”, mẹ Trước nghẹn ngào. Tâm nguyện cuối đời của mẹ là xương cốt của anh Lợi và đồng đội được tìm thấy, để những ngôi mộ ở nghĩa trang linh thiêng không còn gọi là mộ gió!

(Còn nữa)

Nguyễn Thành

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/hon-gac-ma-trong-nhung-ngoi-mo-gio-post1516304.tpo