'Hôn không được nằm ngang' và những luật hà khắc đến hài hước

'Không được hôn trong tư thế nằm ngang', 'không được hôn dài quá 3 giây'... là những điều luật kiểm duyệt hà khắc đến hài hước trên thế giới.

Trong lịch sử của điện ảnh, từng có không ít lần các đạo diễn dở khóc dở cười vì những quy định kiểm duyệt có phần thái quá và chi tiết đến mức... hài hước của các nhà quản lý.

"Không được hôn khi đang nằm ngang"

Một trong những điều luật kiểm duyệt đã đi vào lịch sử của điện ảnh là quy định các cảnh hôn nhau trên màn ảnh không được vượt quá 3 giây. Trong khoảng thời gian từ đầu những năm 30 cho đến cuối những năm 60 của thế kỷ trước, những bộ phim ở Mỹ phải tuân theo sự kiểm duyệt của bộ luật Hays.

Bộ luật này quy định rất chặt chẽ về những cảnh chạm môi trên màn ảnh, với những điều khoản như: “Không được có cảnh hôn nếu không cần thiết; Không được xuất hiện cảnh hôn quá nhục cảm, cảnh âu yếm, cử chỉ và tạo dáng khêu gợi”. Ngoài ra còn có một quy định ngầm là nụ hôn trên màn ảnh phải không được dài quá 3 giây thì mới không bị xếp vào là “cảnh hôn quá nhục cảm”.

Cảnh hôn dài 2 phút rưỡi trong Notorious là cú chơi khăm kiểm duyệt nổi tiếng của điện ảnh thế giới.

Cảnh hôn dài 2 phút rưỡi trong Notorious là cú chơi khăm kiểm duyệt nổi tiếng của điện ảnh thế giới.

Bộ phim Notorious của Alfred Hitchcock năm 1946 đã “chơi khăm” lại điều luật này khi cách để cho hai nhân vật chính cứ chạm môi nhau trong 3 giây là tách ra rồi lại làm lại, cứ thế kéo dài đến 2 phút rưỡi. Sáng tạo này của Alfred Hitchcock được giới phê bình thời đó rất tâm đắc và ca ngợi hết lời.

Ngoài ra, bộ luật Hays còn có một quy định khá hài hước khác là đối với nhân vật nữ, trong những cảnh ân ái, họ phải luôn có “ít nhất một bàn chân trên mặt đất”. Các nhân vật không được phép hôn khi đang ở trong tư thế nằm ngang. Các quy định này được hiểu là “không được có cảnh ân ái nào ở trên giường”. Bộ phim The outlaw năm 1943 của hai ngôi sao đình đám thời ấy là Howard Hughes và Jane Russell đã bị cắt thẳng tay 30 giây vì điều luật này.

Bộ phim The outlaw khiến các nhà kiểm duyệt thời đó "nóng mặt" vì chứa nhiều cảnh quay khêu gợi.

Bên cạnh chuyện tình dục trên phim, bộ luật Hays cũng có những quy định kỳ lạ về tính nhạy cảm chính trị. Cụ thể, không được để cho giới tăng lữ trông ngu ngốc hoặc tham nhũng trên phim và nếu là phim chuyển thể tác phẩm nổi tiếng thì phải đổi nghề nghiệp của các nhân vật.

Để trở nên phù hợp với quy định này, bộ phim Kiêu hãnh và định kiến năm 1940 phải đổi vai mục sư Collins sang làm nghề thủ thư còn giáo chủ Cardinal Richelieu trong Ba chàng ngự lâm bản 1948 chuyển sang làm thủ tướng.

"Tình yêu đồng tính phải chuyển thành tình bạn"

Đó là câu chuyện của những ngày xưa ở Hollywood, còn thời nay, nhắc đến những điều luật hà khắc và vô lý thì không thể bỏ qua luật kiểm duyệt điện ảnh của Trung Quốc.

Tại quốc gia này, không phải phim nào quay xong cũng được chiếu ngay mà phải đợi vượt qua vòng kiểm duyệt của các nhà chức trách. Với nhiều thể loại khác nhau, cơ quan này sẽ đưa ra tiêu chuẩn và quy định khác nhau.

Từ năm 2011, Tổng cục Điện ảnh, phát thanh và truyền hình Trung Quốc phối hợp với Hiệp hội Sản xuất phim truyền hình đưa ra hàng loạt văn bản, quy định chính thức có, ngầm nhắc nhở cũng có, với mục đích chấn chỉnh các hoạt động văn hóa của quốc gia đông dân nhất thế giới.

Phim truyền hình Bi thương ngược dòng thành sông đổi tên thành Thời gian tươi đẹp của dòng chảy để chiều lòng nhà kiểm duyệt.

Theo đó, phim tình cảm không được ngọt ngào quá mức, phải dũng cảm thể hiện mâu thuẫn xung đột. Phim đồng tính luyến ái phải chuyển tình yêu đồng tính thành tình bạn, đối đáp giữa hai bên phải giữ được sự tôn trọng, đề tài đồng tính luyến ái hay thiết lập nhân vật quá rõ ràng sẽ nghiêm cấm.

Phim đề tài đào mộ không được đào mộ, có thể xây dựng thành kiểu nhân vật đi khảo cổ hoặc thám hiểm đi lạc. Ngoài ra phim đề tài hiện thực không được làm nổi bật quá mức mâu thuẫn xã hội, phải thể hiện được cuộc sống tốt đẹp của con người bình thường, nhân vật nhỏ ôm ấp tình cảm lớn nhưng mang năng lượng tích cực, có thể theo đuổi tiền tài nhưng phải thông qua thủ đoạn chính đáng.

Những quy định này khiến cho hàng loạt các bộ phim được khán giả trông ngóng bị lùi lịch chiếu để đợi đến khi chỉnh sửa xong theo ý của nhà chức trách. Có nhưng phim sau khi sửa xong còn phải đổi tên theo hướng hoàn toàn khác đến mức trào phúng như phim truyền hình Bi thương ngược dòng thành sông bị đổi thành Thời gian tươi đẹp của dòng chảy hay phim điện ảnh Mong ước vĩ đại đổi thành... Mong ước nhỏ bé.

Kiểm duyệt trong điện ảnh là câu chuyện không của riêng quốc gia hay giai đoạn lịch sử nào, và trong câu chuyện kiểm duyệt điện ảnh vẫn luôn có muôn chuyện bi hài.

Minh Quân

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/hon-khong-duoc-nam-ngang-va-nhung-luat-ha-khac-den-hai-huoc-post1003949.html