Hỗn loạn Ai Cập

(Cadn.com.vn) - Bất chấp những cuộc đàn áp đẫm máu của quân đội, phe Anh em Hồi giáo (MBO) thề vẫn tiếp tục biểu tình, báo hiệu một tương lai u ám cho Ai Cập.

Không khí u ám vẫn bao trùm Cairo một ngày sau vụ đàn áp kinh hoàng của quân đội nhằm vào những người biểu tình ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi.

Đài truyền hình quốc gia Ai Cập liên tục đưa tin về việc bắt giữ hàng loạt người biểu tình và ít nhất 8 thủ lĩnh của MBO tại Quảng trường Rabaa Al Adawiya ở thủ đô Cairo. Trong khi đó, đường phố khắp thủ đô Ai Cập vẫn chao đảo và chìm trong hỗn loạn, khói bụi. Tại khắp các bệnh viện, thi thể người nằm chất đầy trong tiếng rên khóc thảm thiết của những người thân, hầu hết là phụ nữ và trẻ em.

Tại hiện trường của vụ biểu tình ngồi, những người thu gom rác loay hoay trong đám cháy vẫn còn âm ỉ. Những binh sĩ vẫn đang cố tháo dỡ các lều trại biểu tình. Nhiều chiếc xe bọc thép cháy xém bị bỏ rơi trên đường phố. Một quan chức Bộ Y tế ngày 15-8 cho biết, khoảng 300 người thiệt mạng và hơn 2.000 người bị thương trong các cuộc quyết chiến ở Cairo, Alexandria và nhiều thị trấn và thành phố trên khắp quốc gia Hồi giáo này. Tuy nhiên, MBO khẳng định, số người chết thực sự cao hơn rất nhiều, có thể lên đến 2.000 người. Hiện vẫn chưa có số liệu xác minh độc lập về con số thương vong này.

Khói lửa vẫn bao phủ Cairo một ngày sau vụ đàn áp đẫm máu. Ảnh: CNN

Gạt sang một bên những tổn thất nặng nề về nhân mạng, MBO ngày 15-8 tuyên bố sẽ làm lụn bại “cuộc đảo chính quân sự” đã lật đổ Tổng thống Hồi giáo Morsi. Tuy vậy, MBO nhấn mạnh cam kết về một cuộc đấu tranh hòa bình. “Chúng tôi sẽ luôn hành động hòa bình và phi bạo lực. Chúng tôi vẫn mạnh mẽ, không chịu khuất phục và kiên định. Chúng tôi sẽ tiếp tục xông lên cho đến khi nào hạ bệ được cuộc đảo chính quân sự này”, người phát ngôn MBO Gehad El-Haddad viết trên trang Twitter.

Lực lượng an ninh phải vật lộn để kiểm soát Cairo sau cuộc “tắm máu” ngày 14-8 tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua, mặc dù lệnh giới nghiêm hàng ngày đã được áp dụng ở thủ đô Cairo và 13 tỉnh khác trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn tình trạng bạo lực trên phạm vi toàn quốc. Biện pháp trên thậm chí được duy trì trong một tháng, sau khi Văn phòng Tổng thống Ai Cập tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một tháng ở nước này. Cairo cũng đóng cửa “vô thời hạn” cửa khẩu biên giới Rafah, giáp với Dải Gaza.

Việc quân đội Ai Cập quyết định trấn áp người biểu tình bất chấp những lời kêu gọi phương Tây là “hãy kiềm chế và hòa bình đi đến giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị bằng những cuộc thương lượng” khiến cộng đồng quốc tế thất vọng và lên án. Trong một bước đi đầu tiên nhằm gia tăng sức ép với quân đội Ai Cập, hai quan chức Mỹ nói rằng, Nhà Trắng có thể hủy cuộc tập trận “Ngôi sao sáng” với Cario, được tổ chức hai năm một lần kể từ năm 1981 sau khi Ai Cập và Israel ký Hiệp ước hòa bình Trại David. Giới quan sát nhận định, việc hủy bỏ tập trận, vốn được coi là hòn đá tảng trong quan hệ quân sự Mỹ-Ai Cập, sẽ là tín hiệu mạnh mẽ nhất mà Washington gửi tới Cairo.

Tại Ankara, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngày 15-8 kêu gọi HĐBA LHQ họp khẩn cấp để hành động sau những gì ông mô tả là một vụ thảm sát ở Ai Cập. “Những người im lặng khi đối mặt với vụ thảm sát này cũng có tội như những người thực hiện. HĐBA LHQ phải nhanh chóng làm gì đó”, ông nói. Còn Nga, Australia và New Zealand cho rằng, tình trạng bạo lực này là một thảm họa khủng khiếp và kêu gọi cả quân đội cũng như những người biểu tình kiềm chế. Trong khi đó, Tổng thống Pháp Francois Hollande triệu Đại sứ Ai Cập tại thủ đô Paris để phản đối.

Người dân Ai Cập đang mong chờ một “phép màu” giúp họ quay trở lại cuộc sống yên bình. Mỹ và LHQ cần hành động.

Khả Anh

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/new/92_101158_ho-n-loa-n-ai-ca-p.aspx