'Hòn ngọc' Cù Lao Xanh cần được 'đánh thức'

Bỏ lại thành phố sau lưng, chúng tôi lên tàu đi ra Cù Lao Xanh thuộc xã Nhơn Châu, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Từ bãi biển Quy Nhơn nhìn ra, đảo có hình dáng tựa con cá sấu trên nền xanh biếc của đại dương mênh mông. Với vẻ đẹp của thiên nhiên hoang sơ, thuần khiết, Cù Lao Xanh là địa điểm du lịch mới của Bình Định có thể làm say lòng bất kỳ du khách nào có dịp đặt chân đến.

Những chiếc thuyền thúng người dân dùng để đánh bắt hải sản là nét đặc trưng ở Cù Lao Xanh. Ảnh: Thanh Thuận

Hòn ngọc Biển Đông

Cù Lao Xanh cách đất liền 24km, được ví như “hòn ngọc Biển Đông”. Nếu du khách có dịp du lịch trên đất Bình Định mà chưa ghé Cù Lao Xanh thì coi như phí cả chuyến đi. Đảo nhỏ ngát một màu xanh của cây cối, nước biển xanh bên cạnh những bờ cát trắng lấp lánh. Màu xanh của cây lá, của biển và trời như hòa làm một, tạo ra một khung cảnh ngoạn mục, gây ấn tượng đẹp cho bất cứ du khách nào lần đầu đặt chân tới đây.

Từ xa nhìn lại, Cù Lao Xanh duyên dáng với những vũng biển thoai thoải uốn cong, bao bọc bởi nước biển trong và xanh ngắt. Dưới làn nước trong xanh ấy là một thế giới khác, với khung cảnh diễm lệ, đài các của chốn “thủy cung”.

Để khám phá vẻ đẹp kỳ ảo dưới đại dương, du khách nên lặn biển bằng kính lặn và ống thở. Chỉ cần lặn xuống độ sâu chừng 4 sải tay, dưới làn nước trong veo, một thế giới tươi đẹp sẽ hiện ra với những dải san hô đa dạng, đủ màu sắc như san hô sừng hươu, san hô tán... hệt những “vườn hoa” đua nhau khoe sắc; những đàn cá màu sắc rực rỡ, lấp lánh vờn quanh, uyển chuyển, luồn lách qua khe hở của những khóm san hô như đại nhạc hội với những vũ điệu bất tận của biển cả. Có khi, những chú cá bất chợt quay phắt đầu lại, trố mắt nhìn những vị khách ra vẻ dò xét, hăm dọa, càng khiến du khách ngạc nhiên, thích thú...

Không chỉ có biển xanh, cát trắng, Cù Lao Xanh còn hấp dẫn du khách bởi “rừng đá” với những khối đá tảng, đá tròn lớn nhỏ đủ hình thù, lạ mắt mà hài hòa đến kỳ lạ, xếp chồng lên nhau tạo thành núi. Trong những hốc đá, nhiều loài chim quý như chim yến, chim nhạn kéo về làm tổ, sinh sôi nảy nở, tiếng hót vang hòa cùng tiếng gió, tiếng sóng biển tạo nên bản hòa ca thiên nhiên say lòng người.

Từ ngoài biển nhìn vào, làng chài của ngư dân nằm ẩn mình dưới hàng dừa rợp mát ven biển, bên bờ cát trắng phau được bao bọc bởi sắc xanh của nền trời cao lồng lộng. Làng chài yên ả, thanh bình, không có bụi khói ô tô, xe máy mà trong đất liền hiếm nơi có được. Người dân trên đảo chủ yếu sinh sống bằng nghề đánh bắt hải sản trên những chiếc thuyền thúng có gắn động cơ. Trong ánh nắng tinh khôi buổi sớm, những chiếc thuyền thúng trên nền biển xanh như nét chấm phá sinh động khiến cho khung cảnh Cù Lao Xanh đẹp tựa tranh vẽ.

Từ trung tâm xã, men theo con đường bê tông vòng quanh đảo, qua các dãy nhà, du khách có thể leo lên núi khám phá ngọn hải đăng được xây dựng từ thời Pháp thuộc (năm 1890), cao 119m. Đây là một chứng tích của thời gian vẫn còn hiện hữu sừng sững tại Cù Lao Xanh. Công trình được xây dựng và hoàn thành trong 10 năm. Đây là một trong những ngọn đèn biển cổ nhất Việt Nam, từ lâu, được xem là biểu tượng của Cù Lao Xanh. Đây cũng là điểm lý tưởng đón ánh bình minh, bắt đầu ngày mới. Từ trên ngọn hải đăng này, du khách có thể phóng tầm mắt quan sát toàn cảnh hòn đảo.

Đối diện hải đăng là cột cờ Tổ quốc được xây dựng trên ngọn đồi cao, khánh thành ngày 31-10-2014 với chiều cao 22,66m, bằng chất liệu đá Granite, hướng ra quần đảo Hoàng Sa ghi rõ chủ quyền, kinh độ, vĩ độ của đảo Cù Lao Xanh. Du khách ra đảo đều tìm lên hải đăng và cột cờ chụp ảnh, check-in mạng xã hội. Đó là niềm tự hào của người dân Cù Lao Xanh khi nói về hòn đảo nhỏ thân yêu của mình.

Cần đánh thức tiềm năng “ngủ quên”

Với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hoang sơ, thuần khiết, khí hậu ôn hòa, có thể nhận thấy Cù Lao Xanh ẩn chứa rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Tuy nhiên, du lịch Cù Lao Xanh chưa được khai thác hiệu quả, chưa phát triển tương xứng với những ưu đãi mà thiên nhiên ban tặng. Sản phẩm du lịch chưa tạo ra bước đột phá mang tính sáng tạo và giá trị gia tăng cao, còn thiếu tính liên kết với các điểm du lịch trong tỉnh. Lượng du khách đến Cù Lao Xanh chủ yếu lưu trú ngắn, ít khách qua đêm, mức chi tiêu còn thấp...

Đảo chưa có điện lưới quốc gia mà chỉ có điện từ máy phát từ 17 giờ đến 23 giờ hằng ngày, mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu điện sinh hoạt; chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất, phát triển kinh tế-xã hội. Cũng vì thiếu điện, tiềm năng của Cù Lao Xanh vẫn chưa được đánh thức, nhiều dự án đăng ký đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào Cù Lao Xanh cũng vì thế chậm triển khai, thực hiện. Bên cạnh đó, đảo cách xa đất liền, mỗi ngày chỉ có một chuyến tàu ra đảo rồi về lại đất liền nên việc chuyên chở nhu yếu phẩm phục vụ người dân trên đảo và đưa đón khách du lịch cũng bị hạn chế.

Ở đảo Cù Lao Xanh, người dân chủ yếu sinh sống bằng nghề đánh bắt hải sản, nhưng lượng hải sản gần bờ cũng dần cạn kiệt. Thanh niên trai tráng trên đảo đa số đã rời quê vào đất liền lập nghiệp. Những người còn bám đảo phần lớn là người già và trẻ em, chỉ trông chờ vào việc đánh bắt hải sản gần bờ bằng những phương tiện thô sơ, khiến cho cuộc sống người dân vô cùng khó khăn.

Du lịch trên Cù Lao Xanh vẫn hoàn toàn tự cung, tự cấp, nhỏ lẻ, hầu như không có bất cứ cơ sở lưu trú chuyên nghiệp nào. Du khách muốn ngủ lại đêm trên đảo thường phải tìm vào nhà dân thuê phòng. Cùng với đó là sự thiếu quán ăn, dịch vụ giải trí cho du khách có nhu cầu lưu trú tại đây.

Do đó, dù cảnh quan thiên nhiên đẹp nhưng Cù Lao Xanh ít được du khách tìm đến. Khách ra đảo, chủ yếu đi tự phát ra khám phá đảo rồi nhanh chóng quay về đất liền trong ngày. Đây là vấn đề khó khăn cho du lịch Cù Lao Xanh. Về lâu dài, tình trạng này khó có thể đưa du lịch Cù Lao Xanh phát triển bài bản, đồng bộ như nhiều khu vực khác tại Bình Định.

Để khai thác tiềm năng du lịch một cách hiệu quả, bền vững và cải thiện đời sống dân đảo, rất cần có những yếu tố thúc đẩy từ bên trong như vận động người dân đầu tư cơ sở lưu trú chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ; đầu tư mở thêm nhiều cơ sở ăn uống, giải trí; mua sắm phương tiện vận chuyển hiện đại để thay thế phương tiện thô sơ trên đảo và đầu tư thuyền bè du ngoạn, lặn biển... Nếu có hướng đi hợp lý và bền vững, trong tương lai gần, Cù Lao Xanh sẽ trở thành một điểm đến đầy hấp dẫn trên “bản đồ” du lịch Việt Nam.

Thanh Thuận

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/hon-ngoc-cu-lao-xanh-can-duoc-danh-thuc/