Hơn nửa dân số Việt Nam mua sắm online, cơ hội vàng để doanh nghiệp thoát 'cửa tử'

Khoảng 57 triệu người Việt Nam tham gia mua sắm online và 72% người dùng chi tiêu trực tuyến với lý do để nhận ưu đãi tốt hơn. Trong bối cảnh sức cầu suy giảm, rõ ràng kênh bán hàng online đang là 'mỏ vàng' cực lớn giúp doanh nghiệp giữ đà tăng trưởng, thoát khỏi tình cảnh tồn kho, thậm chí là nguy cơ phá sản.

Trong bối cảnh tổng cầu suy giảm do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Sông Hương Foods đã chuyển hướng sang bán hàng hơn một năm nay trên kênh online.

Kênh online gỡ khó thị trường

Ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn, Tổng Giám đốc Sông Hương Foods chia sẻ, kênh bán hàng truyền thống giảm doanh số mạnh do người dùng cắt giảm chi tiêu nhưng may mắn là kênh online chưa bị ảnh hưởng nhiều. Vì vậy, Sông Hương Foods đã tận dụng những chương trình giảm giá của các sàn thương mại điện tử để có giá bán tốt cho người tiêu dùng.

Không khó bắt gặp hình ảnh shipper ở dưới chân mỗi tòa nhà.

Theo khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) về những ngành hàng thiết yếu, xét tổng thể cả giai đoạn 2018 – 2022, quy mô doanh thu của các ngành này đều tăng và phục hồi đáng kể sau dịch. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là các lĩnh vực này đều có doanh thu giảm mạnh từ quý IV/2022. Tình hình này kéo dài ở quý I/2023 và tiếp tục đến giai đoạn hiện nay do khó khăn chung của cả nền kinh tế, đặc biệt là khó khăn về đơn hàng ở cả thị trường trong nước và ngoài nước.

Khảo sát của Ban IV đối với gần 10.000 doanh nghiệp trong tháng 4 năm 2023 cũng cho thấy, 59,2% doanh nghiệp nhận định khó khăn về đơn hàng là một trong những thị trường khó khăn lớn nhất của họ. Dự báo của WTO cho thấy, thị trường hàng hóa thế giới trong năm 2023 và 2024 không có nhiều điểm tích cực.

Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, doanh nghiệp ế ẩm, không bán được hàng, nhưng nếu quan sát số liệu người Việt đi du lịch nước ngoài, mạnh tay mua sắm thì không khỏi giật mình khi có tới 3,5 triệu người. Vì vậy, rõ ràng là do chúng ta chưa biết cách để người Việt chi tiêu nhiều hơn.

Trong bối cảnh thị trường thế giới gặp khó, nhiều chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cần chuyển hướng tiếp cận tiêu thụ nội địa, đặc biệt là kênh online. Con số được ông Đặng Anh Dũng, Phó Tổng Giám đốc Giám đốc Lazada Việt Nam cho biết, có khoảng 57 triệu người Việt Nam tham gia mua sắm trực tuyến online năm 2022, chủ yếu tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng.

Theo thống kê của sàn thương mại điện tử Lazada, người dùng trẻ như GenZ (sinh từ năm 1997 trở đi) truy cập ứng dụng mua sắm hàng ngày. Mỗi người mua trung bình 7 ngành hàng trên Lazada trong giai đoạn 2021 - 2023.

Ông Nguyễn Văn Thành – Giám đốc Trung tâm phát triển Thương mại điện tử – Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), nhận định người mua online nhiều và thường xuyên hơn, đa dạng độ tuổi và giới tính. Trong khi đó, người bán trên môi trường số cũng đa dạng số lượng và chất lượng.

Chuyển dịch để tồn tại

Tuy nhiên, ông Thành cũng cho rằng, người mua hạn chế sử dụng mặt hàng tác động tiêu cực đến môi trường và cộng đồng. Người tiêu dùng ngày càng chú ý nhiều hơn đến giá trị thương hiệu, sản phẩm đạt mục tiêu kép “xanh và sạch”,…

Trong khi đó, bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc Nghiên cứu hành vi khách hàng, Đại diện Khu vực Phía Bắc tại NielsenIQ Việt Nam, nhấn mạnh doanh nghiệp đi tìm cơ hội trong thách thức.

Theo bà Hà, thực trạng một số doanh nghiệp và hộ kinh doanh hiện nay là hàng tồn kho vì sản phẩm không được tiêu thụ như kỳ vọng, một số thời điểm bán được hàng mà không sản xuất kịp, sản phẩm chỉ bán được ở một số khu vực, người tiêu dùng luôn đòi hỏi những sản phẩm, trải nghiệm mới.

Chưa kể, người tiêu dùng quan tâm đến sức khỏe nhưng nghi ngờ chất lượng hàng nội địa, giải cứu hàng hóa trở thành bình thường vì không thông thương. Và đặc biệt, một lý do được bà Hà nhắc tới là người tiêu dùng chuyển dịch kênh mua sắm mà doanh nghiệp chưa triển khai kịp.

Người tiêu dùng không những đang tìm kiếm những sản phẩm tốt mà còn nhiều lợi ích về tài chính. Theo bà Hà, với những ưu tiên tiết kiệm mới của người tiêu dùng, kênh thương mại điện tử đang cho thấy tiềm năng phát triển. 72% người dùng chi tiêu trực tuyến để nhận ưu đãi tốt hơn, 51% người dùng chọn giá thành thấp.

Vì vậy, đại diện NielsenIQ Việt Nam nhấn mạnh, trong thời điểm khó khăn, việc doanh nghiệp trở nên gần gũi và thấu hiểu khách hàng sẽ giúp nắm bắt những cơ hội mới.

Về phía sàn thương mại điện tử Lazada, ông Dũng đánh giá, người dùng trẻ ngày càng khó tính hơn, họ có xu hướng tìm kiếm các giá trị khi mua hàng và sẽ thay đổi thương hiệu nếu phát hiện hàng không đạt chất lượng. Đồng thời, thế hệ tiêu dùng mới am hiểu công nghệ, sẵn sàng chi trả là thành phần quan trọng nhất của kinh tế số.

Trong khi đó, ông Trần Văn Trọng, Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang trong giai đoạn bùng nổ kinh doanh qua sàn thương mại điện tử khi số người tiêu dùng trực tuyến mới tiếp tục tăng về số lượng, chất lượng.

Đây là cơ sở khiến nhiều người nắm bắt để kinh doanh online. Trong thế giới hiện nay, doanh nghiệp không bán hàng online sẽ bị loại khỏi “cuộc chơi”.

Theo số liệu báo cáo của Sở Công Thương các tỉnh, thành phố đến nay cả nước có khoảng 850.000 doanh nghiệp, trong đó thành lập mới là 183.600 doanh nghiệp tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Phá sản, ngừng hoạt động khoảng 146.600 doanh nghiệp, bình quân một tháng có 14.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Nhật Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/hon-nua-dan-so-viet-nam-mua-sam-online-co-hoi-vang-de-doanh-nghiep-thoat-cua-tu-1096827.html