Hơn nửa ngày... từ Côn Đảo đến Trần Đề

Cuối thế kỷ XVII và đầu thế kỷ XVIII, tư bản Anh, Pháp bắt đầu nhòm ngó các nước phương Đông. Các công ty Đông - Ấn của Anh, Pháp nhiều lần cho người tới Côn Đảo điều tra, dò xét với âm mưu xâm lược.

Nhộn nhịp Bến Đầm - Côn Đảo. Ảnh: T.Đạm

Nhộn nhịp Bến Đầm - Côn Đảo. Ảnh: T.Đạm

1. Hẹn 7 giờ xuống sảnh lễ tân, ăn sáng nhưng chừng 6 giờ 30 phút, anh em đã lục đục xách đồ, làm thủ tục trả phòng. Nhìn gương mặt mọi người phờ phạc vì thiếu ngủ nhưng ánh mắt, nụ cười tuy vương vấn ưu tư song vẫn ẩn chứa sự mãn nguyện. Tinh thần đoàn sảng khoái cũng phải bởi văn nghệ sĩ Hội VHNT Lâm Đồng đôi tháng nay nao nức với lần “hạ sơn” thực tế sáng tác đề tài biển đảo. Chỉ trừ hai cô Thanh Xuân, Ma Nhung đang độ U 40, còn 13 nam nhân từ 60 đến ngoài 70 tuổi thì 12 hội viên đều lần đầu cưỡi sóng ra Côn Đảo, địa danh văn hóa - lịch sử - du lịch tâm linh thiêng liêng của đất nước nơi ngàn khơi. Côn Đảo hay Côn Sơn - địa danh cả thế giới đều rùng mình bởi sự tàn bạo phi nhân tính do thực dân, đế quốc “làm mưa làm gió”, có mốc lịch sử gần nhất: ngày 1/11/1974, thời Nguyễn Văn Thiệu, cơ sở hành chính Côn Sơn đổi tên thành thị xã Phú Hải thuộc tỉnh Gia Định.

Sau giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước, tháng 5/1975, gọi tỉnh Côn Đảo; tháng 9/1976, giải thể và chuyển thành huyện Côn Đảo thuộc Thành phố Hồ Chí Minh; tháng 1/1977, chuyển về tỉnh Hậu Giang cũ; tháng 5/1979, huyện Côn Đảo trở thành quận thuộc Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo; từ tháng 8/1991, là huyện thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Hiện nay, ở Côn Đảo thực hiện mô hình chính quyền một cấp, thông qua các cơ quan chức năng huyện, trực tiếp đến địa bàn khu dân cư, có các cấp phụ thuộc như xã, phường hay thị trấn. Côn Sơn xưa bao gồm 14 hòn đảo lớn nhỏ, tổng diện tích 72,18 km2. Từ năm 1995, huyện Côn Đảo quản lý thêm 2 hòn đảo mang tên Hòn Anh và Hòn Em (Hòn Trứng Lớn và Hòn Trứng Nhỏ) cách trung tâm thị trấn Côn Đảo 27 hải lý về phía Tây, như vậy với 16 hòn đảo, Côn Đảo rộng 76,71 km2. Từ Côn Đảo về Vũng Tàu dài 179 km đường biển, đến Thành phố Hồ Chí Minh 230 km... Trở lại Côn Đảo là nhà điêu khắc Đinh Thanh, gần 20 năm trước đã ra dựng tượng đoạt giải quốc gia về hình ảnh thiếu nữ bằng đá trắng quỳ trên thảm cỏ xanh ở vườn hoa, hai tay nâng chim bồ câu ngang mặt thể hiện khát vọng và sự trân quý tự do, hòa bình trên mảnh đất từng trải trăm năm đau thương...

Sau 4 giờ hải trình, tàu cao tốc rời thành phố Vũng Tàu cập Bến Đầm lúc 12 giờ trưa ngày 26/11/2019, lên xe chạy hơn 10 km về khách sạn ở trung tâm thị trấn Côn Đảo. Cậu tài xế kiêm “hướng dẫn viên” hay chuyện cho biết “thị trấn chỉ 10 ngàn người nhưng về đêm cư dân tăng lên 30 ngàn”... Chiều thăm bảo tàng, di tích nhà tù Côn Đảo, cầu tầu 914 được khởi công từ năm 1873, kéo dài hàng chục năm mới hoàn thành. Trong quá trình lao động khổ sai nặng nhọc đã có 914 lao tù mất mạng nơi đây. Đẫm nước mắt và máu, chất chồng xương cốt nhưng cầu tàu cũng là nơi chứng kiến những giây phút vinh quang, hạnh phúc dâng trào khi đảo được giải phóng vào mùa Xuân lịch sử 1975. Tối qua nơi nghĩa địa Hàng Dương, trong âm hưởng biển khơi, rừng cây thì thầm vọng động, đoàn lại nhẹ nhàng từng bước như e sợ không chừng biết đâu vô tình chạm phải các linh hồn nằm dưới lớp cát kia, kính cẩn nghiêng mình bên cây lê-ki-ma dâng hương thơm ngát nói thay tấm lòng thơm thảo, sự ngưỡng mộ trước tượng đài Anh hùng Lực lượng vũ trang, Liệt sĩ Võ Thị Sáu...

Cầu tàu 914, nơi 914 tù khổ sai vĩnh viễn ngã xuống trong quá trình lao công. Ảnh: T.Đạm

Một đêm mất ngủ là tất yếu bởi bao cảm xúc dâng trào. Mọi người thao thức với những trang ghi chép, những tứ thơ, những suy tư và trằn trọc bởi sự ám ảnh của dãy “chuồng cọp”, hình cụ tra tấn tù nhân cực kỳ dã man, tàn bạo của những “bạo chúa” chốn “địa ngục trần gian”... Một đêm bức xúc bởi chợt nhớ chuyện một vài kẻ “trở cờ” rắp tâm “giải thiêng” xuyên tạc lịch sử, phản bội Nhân dân lúc ngồi phòng lạnh, nốc rượu Tây ở khách sạn lắm sao nơi đô hội đã tán xàm, dám báng bổ tấm gương thục nữ oanh liệt. Chúng quả bị tâm thần nặng khi “bình loạn” rằng hình ảnh người con gái Đất Đỏ ra pháp trường thản nhiên “ngắt một đóa hoa tươi, chị cài lên mái tóc/ Đầu ngẩng cao bất khuất, ngay từ phút hy sinh” thì chỉ có mà... điên! Và biết đâu ai đó, mấy canh giờ thổn thức với câu chuyện thứ phi Phi Yến do phản đối Nguyễn Ánh trong tháng 12/1784 giao ấn tín và hoàng tử Cảnh cho Bá Đa Lộc - Khâm sai tòa Thánh ở Gia Định sang Pháp cầu viện, gây thảm họa “cõng rắn cắn gà nhà” mà bị vị chúa nhẫn tâm đày bà lên hòn Côn Lôn Nhỏ, vò võ cùng khổ ải cho đến chết.

Cách đây 10 năm, tôi theo đoàn công tác của Lâm Đồng do Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến làm trưởng đoàn ra thăm quần đảo Trường Sa nhưng vào đúng dịp “tháng ba, bà già đi biển” nên dường như chẳng mấy lăn tăn về thời tiết trên biển. Có nhiều cơ hội ra Côn Đảo trong 40 năm làm báo nhưng chuyến này với tôi là lần đầu. Năm trước, Hội tính tổ chức đi song ai đó ái ngại “mùa biển động”. Năm nay, bạn ở Báo Bà Rịa - Vũng Tàu khích lệ: Trước tàu chạy hơn 10 tiếng qua đêm mới đáng lo, chứ giờ có tàu cao tốc thì nhằm nhò chi”, vì vậy, đoàn mới đồng thuận ra Côn Đảo vào cuối năm. Trước chuyến đi, tôi tìm sách vở nghiên cứu và được biết: Côn Đảo xưa gọi Côn Lôn (nguồn gốc tiếng Mã Lai gọi “Pulau Kunlur” - hòn Bí), là một trong những quần đảo tiền tiêu của nước ta. Đại Nam nhất thống chí - bộ sách dư địa chí (địa lý - lịch sử), do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn thời vua Tự Đức ca ngợi: Côn Lôn “nguy nga giữa Biển Đông”. Những di tích khảo cổ học phát hiện giai đoạn hậu kỳ thời đá mới, cách đây khoảng 4-5 ngàn năm lớp cư dân đầu tiên đã có mặt tại Côn Đảo. Họ biết làm nông nghiệp bằng cuốc kết hợp với thu lượm hải sản, săn bắt. Sau đó, biết nghề luyện đồng và sắt. Ghi chép rồi tôi liên tưởng về truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ. Nàng Âu Cơ đẻ 100 trứng nở ra 100 người con, sau đó 50 người con theo mẹ lên non. Trong những người con theo mẹ Âu Cơ, người con cả ở lại đất Phong Châu và được tôn lên làm vua nước Văn Lang lấy hiệu là Hùng Vương. Còn lại 50 người con theo cha Lạc Long Quân xuống biển, biết đâu cũng có người đã theo bè, mảng đến nơi này... Cuộc đời vốn có lắm cái có thể xảy ra ngoài dự kiến, cũng biết đâu quả dưa hấu của hoàng tử An Tiêm bị đày ra đảo hoang tương truyền ở xứ Thanh Hóa cũng từng trôi dạt, nảy mầm xanh tốt trên Côn Sơn.

Côn Đảo nằm ở vị trí thuận lợi giữa Biển Đông, trên đường giao lưu Đông - Tây nên được phương Tây sớm biết đến. Năm 1294, đoàn thuyền 14 chiếc của nhà du hành người Ý, Marco Polo, dạt vào trú sau khi bị bão đánh chìm 8 thuyền. Năm 1516, nhà hàng hải Bồ Đào Nha, Andrade cập bến vào trung tuần tháng 9. Ông ghi chép nơi này các nhà đi biển rất hay ghé để kiếm nước ngọt, thấy cư dân có bán gà, rùa biển và có cả nho nữa. Khoảng giữa những năm 60 thế kỷ XVI, thi hào Bồ Đào Nha Camôidơ - tác giả làm rạng danh nền văn học Bồ Đào Nha thời Phục Hưng đến Vũng Tàu và Côn Đảo đem theo tập bản thảo cuốn sử thi bất hủ Os Lusiadas sau nạn đắm tàu ở cửa Sông Tiền. Đây là tập thơ đầu tiên của nền văn học phương Tây viết về Việt Nam, trong đó có những dòng về miền Nam. Trong quá trình lập nghiệp ở Đàng Trong, các chúa Nguyễn rất quan tâm đến việc thực hiện chủ quyền đất nước đối với các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, Côn Lôn... Đời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725), việc tuần tiễu và khai thác hải sản ở các quần đảo được tiến hành chu đáo, cẩn mật, thường xuyên. Côn Đảo thời đó do đội Hoàng Sa quản lý. Đội thành lập ngay từ giữa thế kỷ XVI thời chúa Nguyễn vào lập nghiệp ở phương Nam và hoạt động mạnh mẽ dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu. Cuối thế kỷ XVII và đầu thế kỷ XVIII, tư bản Anh, Pháp bắt đầu nhòm ngó các nước phương Đông. Các công ty Đông - Ấn của Anh, Pháp nhiều lần cho người tới Côn Đảo điều tra, dò xét với âm mưu xâm lược. Tháng 11/1686, Công ty Đông - Ấn của Pháp phái Véret tới điều tra lập cơ sở ở Côn Đảo... Năm 1702, đời chúa Nguyễn Phúc Chu, năm thứ 12, Công ty Đông - Ấn của Anh ngang nhiên đổ quân lên. Họ đưa lính người Macátxa (thuộc quần đảo Inđônêxia) tới xây dựng một pháo đài lớn, ký hợp đồng làm việc trong ba năm. Chính những người lính hung hãn, da ngăm màu đồng hun đã vùng lên tiêu diệt các chủ người Anh” (Poulo Condore: T.F.E.O. Sài Gòn 1947, trang 7)... Theo các tác giả Đại Nam nhất thống chí: Cuộc nổi dậy là do chính quyền nhà Nguyễn chủ trương, tổ chức và chỉ huy nhằm bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ xứ Đàng Trong. Chúa Nguyễn khôn khéo cài người vào nội bộ địch, lợi dụng bọn lính Macátxca đánh thuê đang bất mãn với bọn chủ người Anh để gây nên cuộc binh biến, kết hợp với sự hỗ trợ bên ngoài. Sự việc được giải quyết gọn lẹ, không gây rắc rối trong quan hệ bang giao vì đã có tù binh trong tay, địch khó lòng chối cãi, trong một thời gian dài lâu về sau tránh được sự nhòm ngó của một cường quốc hải quân hùng mạnh vào bậc nhất thời đó.

(CÒN NỮA)

Bút ký: NGUYỄN THANH ĐẠM

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/hon-nua-ngay--tu-con-dao-den-tran-de-73751