Hồn quê nhung nhớ

'Quê hương là gì hả ba?'. Câu hỏi ấy của con trẻ được sinh ra ở phố làm cảm xúc xốn xang, rạo rực, muốn ngược thời gian tìm về ký ức.

Quê hương, tiếng gọi thiêng liêng được cất lên từ những mạch ngầm li ti trong từng thớ thịt, tiếng yêu thương ngọt ngào giằng xé trong sâu thẳm trái tim.

Cái ngày bà nội nhắm được cô gái “đẹp người đẹp nết” trong làng cho bố, cũng là ngày mẹ trở thành cô dâu. Sớm tinh mơ, bà chạy ra giàn trầu hái vội, tất bật gọi người cắt giúp buồng cau sát hiên nhà, rồi lật đật dắt tay bố đi “ra mắt” nhà gái. Trước mặt người lạ, cậu thiếu niên tay chân nghều ngào, mặt đỏ tía tai, bẽn lẽn đến ngây dại. Được thể, bà át giọng mắng yêu: Cha bố anh, cao bằng cái sào rồi, lấy vợ đi, đẻ vài đứa liền để tôi có cháu bồng cháu bế.

Lúc tôi vừa lọt lòng đỏ hỏn, bà nội vừa bỏm bẻm nhai trầu, vừa lấy tay miết xuống nền đất ướt rồi bôi vào gót chân cười bảo: “Tướng thằng này hay đi, bà phải làm dấu để sau này đi đâu, làm gì cũng phải nhớ về quê cha đất tổ, nhớ về cội nguồn nơi chôn nhau cắt rốn nghe con”.

Tuổi thơ dọc dài cùng năm tháng, làm bạn với bùn đất lấm lem, đánh đu với các trò nghịch dại. Mỗi chiều về, nằm phơi bụng trên triền đê sau cuộc rượt đuổi mệt lả cùng lũ bạn mà cười tít mắt. Nhìn bầu trời cao xanh, tưởng tượng những đám mây lững lờ trôi kia như những ngọn núi, dòng sông hiền hòa hư ảo. Rồi mong mình mau lớn, sẽ đi xa hơn lũy tre làng, đôi chân dẻo dai ấy sẽ theo ta rong ruổi khắp mọi nẻo đường Tổ quốc.

Ham học nhưng cũng mải chơi. Có lúc tai nghe giảng nhưng mắt dán chặt vào cô bé ngồi cùng bàn, cứ mỗi lần cười, sao hai cái má lại lõm sâu xuống, giống như hai đồng tiền xu trên khóe môi. Duyên dáng và cũng đầy bí ẩn. Chỉ vì nụ cười ấy thôi rồi cảm thấy thinh thích họ lúc nào không biết…

Lớn thêm chút nữa, biết rung rinh trước phái đẹp, biết xao xuyến trước nụ cười khác giới cũng là lúc con tim bị lỗi nhịp. Sự vụng dại đầu đời của cái tuổi “bẻ gãy sừng trâu” sao mà ngốc, mà khờ khạo đến nao lòng. Mỗi lần nhìn lũ bạn choai choai ấy, mẹ thường mắng yêu “lũ quỷ sứ”. Nghe vậy, đứa nào cũng nhe rằng cười, cái cười hiền thêm chút duyên của trai làng.

Giữa đồng đất chiêm trũng quê tôi xuất hiện một bông hoa “đồng nội” làm xôn xao làng trên xóm dưới. Các cụ bảo “Gái đẹp của làng, tiếng vang khắp tổng” quả không sai. Nhà nàng lúc nào cũng cổng cao rào kín, thêm ông bố khó tính nữa, nên mọi sự có vẻ bình yên. Chả hiểu sao, người vụng dại như tôi lại “được” nàng có chút mến mộ, biết được điều đó, “lũ quỷ sứ” cố thuyết phục tôi đi chơi cùng.

Thấy có khách quen, ông bố vào phòng riêng, vặn to đài nghe nhạc dân ca, mẹ nàng thay con gái xuống bếp đun nước pha trà, trên nhà chỉ còn rặt nàng với “lũ quỷ sứ” ấy. Bỗng dưng chúng đồng loạt rủ nhau rút sạch. Trước khi ra ngoài, chúng còn nháy mắt rất tinh quái. Ít phút sau xuất hiện, thằng nào thằng ấy mặt tươi hơn hớn, lệ khệ ôm đống bưởi tướng, cảm giác đó là món quà được chuẩn bị sẵn từ trước dành tặng riêng cho người đẹp. Nàng bất ngờ, cảm kích, đôi má ửng hồng, ánh mắt lấp lánh niềm vui, trong khi tay vẫn thoăn thoắt gọt, tách những múi bưởi mọng nước bày lên đĩa. Câu chuyện càng về sau càng râm ran. Đứa khen bưởi ngon, đứa kêu ngọt, thơm và mát… chẳng mấy chốc đĩa bưởi hết veo, nhưng tiếng cười nói rộn rã vẫn chưa chịu dừng, cứ miên man lan tỏa trong không gian yên tĩnh của làng quê.

Làm trai được thỏa chí tang bồng của đấng nam nhi cũng là điều dễ hiểu. Đồng quê, dù thảo thơm đến mấy cũng không níu giữ được những đôi chân trần chắc nịch. Mỗi người rời quê hương theo cách riêng của mình: Người vào đại học, người theo đường binh nghiệp, người làm công nhân, người đi kinh tế mới… Xa quê, hành trang duy nhất mang theo là những ký ức tuổi thơ, những kỷ niệm đong đầy nỗi nhớ nhung của miền quê nghèo yêu dấu.

Tản văn của PHÙNG MINH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/hon-que-nhung-nho-548185