Hơn thập kỷ dân kêu cứu, nhà máy gạch Tân Sơn vẫn thi gan cùng pháp luật

Dự án xây dựng Nhà máy sản xuất gạch Tuynel - chủ dự án là Công ty cổ phần vật liệu xây dựng Tân Sơn (thôn Lương, xã Tri Phương, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) dù sai phạm trong thu hồi, đền bù, nhưng sau 11 năm dân kêu cứu, Công ty Tân Sơn và chính quyền địa phương vẫn 'mặc kệ'.

Những hành vi trái pháp luật

Gửi đơn kêu cứu tới Báo điện tử Nhân đạo và Đời sống, ông Đinh Văn Êm và ông Nguyễn Tiến Phương cùng gần 200 hộ dân ở thôn Lương, xã Tri Phương, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh cho biết, năm 2007 UBND tỉnh Bắc Ninh ra quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất và giao đất cho Công ty cổ phần vật liệu xây dựng Tân Sơn (Công ty Tân Sơn) thuê để xây dựng nhà máy sản xuất gạch Tuynel và nhà máy gạch không nung tại thôn Lương, xã Tri Phương, huyện Tiên Du.

Đã 11 năm nay, người dân đội đơn yêu cầu doanh nghiệp thỏa thuận về giá bồi thường đất.

Tại đây, Công ty Tân Sơn thực hiện dự án gồm 2 giai đoạn, cụ thể: Giai đoạn 1 thực hiện năm 2007, tổng diện tích đất nông nghiệp công ty Tân Sơn nhận chuyển nhượng là 55.716,7m2. Giai đoạn 2 thực hiện năm 2009 với tổng diện tích đất nông nghiệp công ty Tân Sơn tiếp tục nhận chuyển nhượng là 28.100,3m2.

Dự án xây dựng nhà máy sản xuất gạch do công ty Tân Sơn làm chủ đầu tư - là dự án ngoài các khu, cụm công nghiệp theo quy định doanh nghiệp phải thỏa thuận với người có đất về giá bồi thường, hỗ trợ.

Tuy nhiên, cả 2 giai đoạn thực hiện dự án trên, đại diện ban lãnh đạo Công ty Tân Sơn đều không gặp gỡ, trao đổi, thỏa thuận trực tiếp việc đền bù và hỗ trợ giá cho bà con nhân dân thôn Lương. Các thông tin, chính sách đền bù là do ông Đào Tiến Bắc, Chủ tịch UBND xã Tri Phương (nay là Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND xã Tri Phương) và ông Đinh Sỹ Canh - Trưởng thôn Lương (giai đoạn 1999-2008), nay là Chủ tịch Hội Nông dân xã Tri Phương, tự thỏa thuận tiền đền bù dự án đất cho bà con nhân dân với công ty Tân Sơn là 25.200.000đ/sào (360m2).

Tiếp đó, ngày 3/7/2009, Chi bộ thôn Lương do ông Đào Bùi Hơn - Bí thư Chi bộ chủ trì cuộc họp. Chi bộ có Nghị quyết 34/34 đảng viên chính thức dự họp nhất trí chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho Công ty Tân Sơn mở rộng nhà máy, theo giá nhà nước tại thời điểm chuyển nhượng, cộng với giá hỗ trợ là 36.000.000đ/sào (360m2).

Người dân phản ánh họ không hề thò bút ký vào hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp với Công ty Tân Sơn. Có dấu hiệu các chữ ký bị giả mạo.

Trước sự việc trên, ông Đinh Văn Êm cùng ông Nguyễn Tiến Phương và toàn thể gần 200 hộ dân tại thôn Lương đã không nhất trí với việc đền bù như vậy. Người dân cho rằng, ngoài việc chi trả đền bù theo giá đất nông nghiệp quy định của nhà nước thời điểm đó, thì Công ty Tân Sơn phải hỗ trợ cho những hộ mất ruộng thêm 10.000đ/m2 hoặc đất dịch vụ 10% theo Nghị định số 84/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ.

Không những tự ý thỏa thuận và ký nhận tiền đền bù đất nông nghiệp với Công ty Tân Sơn, không thông qua bà con nhân dân bị mất ruộng mà chính quyền thôn Lương và xã Tri Phương, mà đứng đầu là ông Đào Tiến Bắc còn làm sai lệch hồ sơ diện tích kê khai mất ruộng của bà con nhân dân và có dấu hiệu giả mạo chữ ký của rất nhiều hộ dân trên địa bàn thôn để thỏa thuận hợp đồng nhận tiền với Công ty Tân Sơn, lạm dụng chức quyền dùng con dấu của UBND xã để xác nhận các biên bản không có thực.

Không dừng lại ở đó, từ đó đến nay, người dân bị mất ruộng và đại diện Công ty Tân Sơn chưa bao giờ gặp nhau để bàn bạc, thỏa thuận ký kết hợp đồng chuyển nhượng sử dụng đất nông nghiệp. Vậy mà vừa qua, có rất nhiều hợp đồng “ma” được Công ty Tân Sơn - giám đốc là ông Ngô Văn Quang cùng ông Lại Trọng Tâm (Chủ tịch HĐQT hiện nay) và ông Đào Tiến Bắc - Chủ tịch UBND xã Tri Phương lúc đó lập lên để hợp thức hóa việc chuyển giao đất giữa bà con nhân dân bị mất ruộng với Công ty Tân Sơn.

Cụ thể, trong những hợp đồng này, cùng những phiếu chi trả tiền đền bù, các chủ hộ đều không ký nhận tiền và không ký vào các hợp đồng thỏa thuận giao đất với Công ty Tân Sơn. Thế nhưng không hiểu sao có những phiếu chi trả tiền ông Đinh Sỹ Canh - nguyên Trưởng thôn Lương lại tự ý ký nhận tiền cho các hộ dân bị mất đất nông nghiệp, và có các chữ ký của các hộ dân ký thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp với Công ty Tân Sơn (!?)

Người dân kêu cứu trong tuyệt vọng, chính quyền và doanh nghiệp thờ ơ?

Trước những việc làm trái quy định pháp luật, lừa gạt người dân thôn Lương của Công ty Tân Sơn, đứng đầu là ông Ngô Văn Quang – Giám đốc và ông Lại Trọng Tâm – Chủ tịch HĐQT cùng chính quyền thôn Lương, xã Tri Phương đứng đầu là ông Đào Tiến Bắc – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã, người dân thôn Lương đã nhiều lần làm đơn kiến nghị, phán ánh và kêu cứu tới các cấp chính quyền huyện Tiên Du và UBND tỉnh Bắc Ninh, tuy nhiên đến nay sự việc dần trôi vào quên lãng.

Có những ngày mưa gió rét, bà con nhân dân thôn Lương vẫn kiên trì đội đơn tới Công ty Tân Sơn, rồi đi lên UBND tỉnh Bắc Ninh để mong được các cấp lãnh đạo xử lý, mang lại sự công bằng cho những ngày tháng lam lũ vất vả của những người nông dân bị mất ruộng mà không được đền bù thỏa đáng.

Trụ sở Công ty Tân Sơn - nơi mà hơn chục năm nay người dân nhiều lần tới đây đòi quyền lợi.

Đặc biệt, những ngày nắng nóng trên 40oC như tháng 7 này, bà con thôn Lương từ người trẻ cho tới các cụ già cao tuổi vẫn phải phơi mình ngoài cổng Công ty Tân Sơn từ sáng cho đến đêm để mong gặp được chính quyền xã Tri Phương và lãnh đạo Công ty Tân Sơn để đối thoại, giải quyết cho thấu tình đạt lý.

Tuy nhiên, mọi sự cố gắng đều đi vào tuyệt vọng. Chính quyền địa phương, từ chủ tịch xã cho đến bí thư xã đều trốn tránh người dân. Lãnh đạo công ty là ông Lại Trọng Tâm trả lời qua loa rồi bỏ mặc kệ người dân ngày này qua ngày khác dầm mưa, dãi nắng ngoài cổng công ty kêu cầu.

Tiếp xúc với phóng viên Báo điện tử Nhân đạo và Đời sống, ông Đinh Văn Êm – người dân thôn Lương, xã Tri Phương bức xúc, nói: “Gần chục năm nay, chúng tôi đã gửi đơn kêu cứu rất nhiều lần tới xã, huyện và tỉnh nhưng đến giờ vẫn chưa được giải quyết. Chúng tôi lên trụ sở UBND xã để kiến nghị song vô cùng khó gặp được ông Vũ Quang Nghĩa - Chủ tịch UBND xã và ông Đào Tiến Bắc - Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND xã Tri Phương. Họ trốn tránh, bỏ mặc người dân. Chúng tôi trông chờ tiếng nói từ các cơ quan báo chí vào cuộc phản ánh, đưa ý kiến người dân đến chính quyền.”

Theo phản ánh của người dân, từ năm 2007 đến nay, họ chưa từng được tiếp xúc và làm việc với công ty Tân Sơn, song, không hiểu sao tháng 4/2018 vừa qua công ty Tân Sơn và xã Tri Phương lại trưng ra hợp đồng chuyển nhượng đất của người dân với công ty Tân Sơn có dấu xác nhận của UBND xã Tri Phương và chữ ký của ông Đào Tiến Bắc?

"Mọi chữ ký và tên của các chủ hộ có ruộng bị mất đều là giả mạo và sai hoàn toàn", đại diện người dân khẳng định.

Theo người dân, việc làm này cho thấy có dấu hiệu việc chính quyền xã đã câu kết với công ty Tân Sơn để lừa gạt nhân dân và pháp luật để chiếm đoạt đất nông nghiệp.

"Người lãnh đạo đứng đầu một địa phương như ông Bắc và ông Nghĩa làm việc tắc trách như vậy sao bao nhiêu năm vẫn tồn tại mà không bị cấp trên kỷ luật? Dù có phải đội mưa, đội nắng đi nữa thì chúng tôi cũng vẫn phải chờ đến bao giờ đòi lại sự công bằng thì thôi", bà Nguyễn Thị Loan - người dân thôn Lương nói trong mệt mỏi khi đã đứng ở cổng công ty Tân Sơn gần 1 tuần nay cùng nhiều bà con nhân dân thôn Lương bị mất ruộng để mong được gặp chính quyền tới giải quyết thỏa đáng.

Văn bản của UBND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Tiên Du giải quyết và trả lời Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 16/5/2018.

Ngày 4/7/2018 phóng viên Báo điện tử Nhân đạo và Đời sống đã có cuộc trao đổi với ông Phan Văn Cần - Trưởng thôn Lương, xã Tri Phương - người được cho là có sự giúp sức đắc lực cho Công ty Tân Sơn thôn tính đất của các hộ dân.

“Công ty Tân Sơn về thôn Lương mở nhà máy sản xuất gạch Tuynel từ năm 2007, việc đền bù là do thỏa thuận giữa công ty Tân Sơn với người dân và chính quyền thôn Lương, xã Tri Phương. Thời điểm đó tôi chưa làm trưởng thôn, mãi tới năm 2012 tôi mới tiếp quản vị trí này nên các hồ sơ giấy tờ pháp lý liên quan đến việc thu hồi đất và đền bù giữa công ty Tân Sơn và bà con nhân dân tôi không nắm được", ông Phan Văn Cần nói, đồng thời phủ nhận: "Trước đấy tôi không nắm rõ. Trong các buổi họp chi bộ, cũng như tiếp xúc cử tri tôi cũng có đưa ra ý kiến phản ánh của bà con tới lãnh đạo cấp trên, nhưng không hiểu sao đến giờ vẫn chưa giải quyết xong việc đền bù đất nông nghiệp cho bà con.”

Cũng theo ông Phan Văn Cần, ngày 14/6/2018 Thanh tra tỉnh Bắc Ninh có ra một văn bản đính chính lại kết luận số 17/KL – TTr-NV1 ngày 11/11/2013 của Thanh tra tỉnh Bắc Ninh về việc ngày 3/7/2009 Chi bộ thôn Lương, do ông Đào Bùi Hơn, Bí thư Chi bộ chủ trì, Chi bộ có Nghị quyết 34/34 = 100% đảng viên chính thức dự họp nhất trí chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho công ty Tân Sơn mở rộng nhà máy theo giá nhà nước tại thời điểm chuyển nhượng + tiền công ty Tân Sơn hỗ trợ = 36.000.000đ/1 sào (360m2).

Ngoài ra, bà con không được hỗ trợ riêng 100.000đ/m2 và cũng không được hưởng đất dịch vụ 10% theo Nghị định số 84NĐ – CP. Trước thông báo đính chính lại việc làm không rõ ràng trước đó của thanh tra tỉnh Bắc Ninh nên bà con thôn Lương đã tỏ ra bức xúc không đồng tình với kết luận trên.

"Những ngày gần đây thời tiết nắng nóng, mà bà con cứ kéo nhau ra tận trụ sở UBND xã và công ty Tân Sơn tìm lãnh đạo để giải quyết, làm như vậy kể ra cũng tội cho bà con vất vả khổ sở quá", ông Cần nói đồng thời trấn an: "Chúng tôi cũng động viên bà con nhân dân hãy bình tĩnh, và đợi chính quyền cấp trên về giải quyết, chứ không nên tụ tập đông dưới trời nắng, trời mưa mà ảnh hưởng tới sức khỏe, như vậy sẽ không tốt".

Trước đó, phóng viên Báo điện tử Nhân đạo và Đời sống cũng đã nhiều lần liên hệ để làm việc với ban lãnh đạo Công ty Tân Sơn, đứng đầu là ông Lại Trọng Tâm thì ông này đều lấy lý do đang bận đi công tác và cho rằng việc đền bù đất nông nghiệp với người dân thôn Lương là do ông Quang làm giám đốc và chính quyền xã Tri Phương đứng ra giải quyết, chứ ông không liên quan?

Phóng viên cũng đã cố gắng để liên hệ và đặt lịch làm việc với ông Vũ Quang Nghĩa – Chủ tịch UBND xã Tri Phương và UBND huyện Tiên Du, đứng đầu là ông Lê Xuân Lợi – Chủ tịch UBND huyện Tiên Du cùng ông Nguyễn Nhân Bình – Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Tiên Du thì các vị này đều lấy lý do bận đi công tác, hoặc không nghe máy.

Trước sự trốn tránh, quanh co không trả lời người dân và cơ quan báo chí của lãnh đạo UBND xã Tri Phương, UBND huyện Tiên Du cùng các phòng ban liên quan trong khi người dân cũng không có được sự đối thoại khiến gia tăng bức xúc, dễ phát sinh khiếu kiện kéo dài.

Báo điện tử Nhân đạo và Đời sống đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Ninh và các Sở, ngành liên quan cần sớm vào cuộc đối thoại, giải quyết dứt điểm sự việc, trả lời công luận.

Báo điện tử Nhân đạo và Đời sống sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Nhóm PV

Nguồn NĐ&ĐS: http://baonhandao.vn/ban-doc/hon-thap-ky-dan-keu-cuu-nha-may-gach-tan-son-van-thi-gan-cung-phap-luat-12330