Hồn tre

Làng Hồng là tên thường gọi của thôn Thu Thủy, xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội. Ngôi làng nằm nép mình sau lũy tre, dưới chân con đê ngoằn ngoèo theo dòng sông Cà Lồ. Đó là đoạn chảy ra sông Cầu tại ngã ba Xà, nơi có quốc lộ 16 chạy qua. Từ bên làng tôi ở xã Thụy Lâm (huyện Đông Anh) nhìn sang phía bên làng Hồng, chỉ thấy mầu xanh ngắt của tre, trúc. Sớm nào tôi cũng thấy các bà, các cô bên làng Hồng trong những bộ quần áo sờn bạc, cũ kỹ, nước da rám nắng, đem theo các vật dụng được đan bằng tre, nứa đi qua đò sang bên làng tôi để bán hàng.

Những cây tre, cây trúc đã đi vào hồn làng từ những ngày rất xưa, trở thành biểu tượng không thể thiếu của mảnh đất này. Người làng Hồng lấy thân tre, gốc trúc chế tạo thành nhiều sản phẩm phục vụ sinh hoạt. Đến đây, ta sẽ thấy được bàn tay nghệ nhân tài tình khi đưa con dao mỏng bay láng qua cật tre để vuốt thành những chiếc nan mỏng dính, dẻo quắn mềm mại. Những thanh niên cành cạch gõ vào những gốc tre đực rắn như thép, đóng thành những chiếc giường chắc chắn. Những cô gái da ngăm ngăm, mắt đen láy, tay thoăn thoắt đan rổ, rá, nong, nia từ những nan tre. Dưới bàn tay họ là những chiếc rổ, chiếc rá tre tròn trịa với đường đan đẹp, là những chiếc tràng kỷ hay những chiếc ghế, chõng, giường tre chắc chắn. Người làng Hồng còn biết dựng nhà tre. Mái nhà làm bằng những thân tre đực đã ngâm nước, cứng như gỗ thịt, bền chẳng khác mấy thân cây xoan, được các nghệ nhân dựng lên khắp nơi.

Những năm gần đây, xi-măng, sắt thép trở thành nguyên liệu chính để xây nhà, rá, rổ cũng được làm bằng nhựa. Một dạo không còn thấy người làng Hồng bán nong, nia, giần, sàng hay giường tre nữa. Cứ ngỡ rằng, nghề đan tre nứa của làng đã mai một. Nhưng không phải thế! Dưới bờ đê cao, vượt qua những thân tre cong mình dưới ráng chiều, những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát. Dưới những lán xưởng rộn ràng tiếng cưa đục vang lên không ngớt. Không còn là những bộ bàn ghế tre thô sơ như trước, bàn ghế tre của làng Hồng bây giờ đã có mặt ở rất nhiều nơi, được thiết kế, tạo hình từ phong cách cổ điển đến hiện đại, nhờ sự tiến bộ của kỹ thuật và sự khéo léo của những người thợ thủ công. Không chỉ có bàn ghế, đồ trang trí bằng tre, nhiều vật dụng khác cũng được làm từ tre khiến cho tôi không khỏi ngỡ ngàng.

Cây tre là linh hồn của làng quê Việt Nam. Người làng Hồng chẳng thể rời xa thân tre, gốc trúc, bởi đó chính là tình yêu với quê hương. Nhiều người đã chuyển nghề mưu sinh, nhưng còn rất nhiều người vẫn đau đáu giữ nghề như gìn giữ những giá trị truyền thống đã “bám rễ” trong họ. Vẫn có những cánh tay thoăn thoắt đục mộng trên thân tre, vẫn có những khối óc năng động sáng tạo không ngừng để tìm kiếm đầu ra, đưa những sản phẩm lưu thông trên thị trường. Vẫn có những nghệ nhân, bằng tình yêu của mình, chắp cánh cho “linh hồn” của làng Hồng, bay cao và bay xa đến những chân trời mới.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/44822802-hon-tre.html